10 vấn đề về da do thiếu hụt vitamin B12

Vitamin B12 có nhiều vai trò quan trọng với cơ thể như hình thành tế bào hồng cầu, chức năng thần kinh… Thiếu vitamin B12 không chỉ ảnh hưởng tới các tình trạng này mà còn tác động tới làn da.

1. Tác dụng của vitamin B12

Vitamin B12 (cobalamin) đóng vai trò thiết yếu trong quá trình hình thành tế bào hồng cầu, chuyển hóa tế bào, chức năng thần kinh, sản xuất DNA…

Thiếu hụt vitamin B12 không phổ biến. Tuy nhiên, những người theo chế độ ăn chay hoặc thuần chay có nguy cơ dễ bị thiếu hụt vì thực phẩm từ thực vật không chứa hoặc không nhiều vitamin B12. Người lớn tuổi, những người mắc các bệnh về đường tiêu hóa ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng cũng dễ bị thiếu hụt vitamin B12.

Nếu không được bổ sung, điều trị, thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến thiếu máu, mệt mỏi, yếu cơ, các vấn đề về đường ruột, tổn thương thần kinh, rối loạn tâm trạng, trực tiếp ảnh hưởng tới làn da.

Thiếu hụt vitamin B12 có thể làm mụn trứng cá trầm trọng hơn.

Thiếu hụt vitamin B12 có thể làm mụn trứng cá trầm trọng hơn.

2. Những vấn đề về da do thiếu hụt vitamin B12

2.1. Phát ban

Phát ban có thể là một triệu chứng của tình trạng thiếu hụt vitamin B12. Nếu thấy phát ban dai dẳng hoặc không rõ nguyên nhân trên da, bạn cần phải đi khám, xét nghiệm để đánh giá khả năng thiếu hụt. Giải quyết tình trạng thiếu hụt vitamin B12 có thể giúp kiểm soát, cải thiện sức khỏe làn da.

2.2. Da khô

Da khô là một vấn đề phổ biến, thiếu hụt vitamin B12 có thể làm trầm trọng thêm. Nếu đang gặp phải tình trạng khô da, bong tróc, kích ứng, bạn hãy cân nhắc đến tác động tiềm ẩn của tình trạng thiếu hụt vitamin B12.

2.3. Bệnh vẩy nến

Thiếu hụt vitamin B12 làm bệnh vẩy nến nặng hơn, dẫn đến các mảng da bị viêm, có vảy. Nếu đang gặp phải các triệu chứng như vậy, cần xem xét tình trạng thiếu hụt vitamin B12, tìm hiểu các phương pháp điều trị phù hợp là điều cần thiết.

2.4. Nổi mề đay

Nổi mề đay (mày đay) có thể xảy ra do thiếu vitamin B12, dẫn đến các vết đỏ trên da. Nếu đang bị nổi mề đay, cần xét nghiệm máu, nếu thiếu, việc bổ sung vitamin B12 sẽ giúp kiểm soát, cải thiện tình trạng này.

2.5. Chứng đỏ mặt (Rosacea)

Thiếu hụt vitamin B12 có thể làm trầm trọng thêm chứng đỏ mặt (bệnh rosacea). Khắc phục sự thiếu hụt vitamin B12 giúp cải thiện triệu chứng bệnh.

2.6. Chàm

Các mảng khô, ngứa, viêm là đặc điểm của bệnh chàm. Thiếu vitamin B12 sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng, làm tăng kích ứng da, khó chịu.

2.7. Bạch biến

Bạch biến khiến da mất màu, dẫn đến các đốm sáng hoặc trắng… thường liên quan đến tình trạng mất sắc tố ở các vùng bị ảnh hưởng.

2.8. Tóc bạc sớm hoặc rụng tóc

Những thay đổi về tóc, như tóc bạc sớm hoặc rụng tóc, có thể liên quan đến tình trạng thiếu hụt vitamin B12. Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề này, hãy cân nhắc các lựa chọn điều trị, trong đó bổ sung vitamin B12 có thể hữu ích.

2.9. Tăng sắc tố

Tăng sắc tố làm da sẫm màu do tăng sản xuất melanin. Nhiều yếu tố, bao gồm thiếu hụt vitamin B12 có thể gây ra tình trạng này.

2.10. Mụn trứng cá

Thiếu hụt vitamin B12 có thể làm mụn trứng cá trầm trọng hơn. Nếu bạn đang bị mụn trứng cá, nghi ngờ nó có thể liên quan đến vấn đề dinh dưỡng, nên đi khám để được bổ sung vitamin B12 nếu cần.

Những thay đổi về tóc, như tóc bạc sớm hoặc rụng tóc, có thể liên quan đến tình trạng thiếu hụt vitamin B12.

Những thay đổi về tóc, như tóc bạc sớm hoặc rụng tóc, có thể liên quan đến tình trạng thiếu hụt vitamin B12.

3. Bổ sung vitamin B12 như thế nào?

Lượng vitamin B12 khuyến nghị hàng ngày cho người lớn là 2,4 microgam. Hầu hết mọi người có thể nhận đủ vitamin B12 trong thực phẩm với chế độ ăn uống cân bằng.

Tuy nhiên, người lớn tuổi, người ăn chay, người ăn chay trường, những người có tình trạng ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vitamin B12 từ thực phẩm có thể cần sử dụng thực phẩm bổ sung dạng uống. Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, theo chế độ ăn chay hoặc thuần chay cũng nên bổ sung vitamin B12.

Nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin B12 bao gồm gia cầm, thịt, cá, các sản phẩm từ sữa... Vitamin B12 cũng được thêm vào một số thực phẩm, như ngũ cốc ăn sáng tăng cường, thực phẩm bổ sung qua đường uống. Tiêm vitamin B12 hoặc dạng xịt mũi có thể được kê đơn để điều trị tình trạng thiếu vitamin B12.

4. Lưu ý đến an toàn, tác dụng phụ của vitamin B12

Khi dùng ở liều lượng thích hợp, các chất bổ sung vitamin B12 thường được coi là an toàn. Cơ thể chỉ hấp thụ lượng cần thiết, bất kỳ lượng dư thừa nào đều đi qua nước tiểu. Tuy nhiên, liều lượng cao vitamin B12 có thể gây ra:

Đau đầu
Buồn nôn, nôn
Tiêu chảy
Mệt mỏi hoặc yếu đuối
Cảm giác ngứa ran ở tay, chân…

Các tương tác thuốc cần tránh bao gồm: Thuốc điều trị các vấn đề về tiêu hóa Axit aminosalicylic, thuốc trị gout như colchicine, thuốc trị đái tháo đường metformin, thuốc ức chế bơm proton (như omeprazole, lansoprazole hoặc các loại thuốc giảm axit dạ dày khác) có thể làm giảm khả năng hấp thụ vitamin B12 của cơ thể.

Vitamin C có thể làm giảm lượng vitamin B12 có sẵn trong cơ thể. Để tránh tương tác này, hãy dùng vitamin C sau khi dùng bổ sung vitamin B12 hai giờ trở lên.

Một số vấn đề về da phổ biến liên quan đến tình trạng thiếu vitamin B12 bao gồm tăng sắc tố, bạch biến, thay đổi tóc. Các vấn đề về da tiềm ẩn khác do thiếu vitamin B12 bao gồm mụn trứng cá, bệnh chàm, phát ban, da khô, tóc bạc sớm hoặc rụng tóc, nổi mề đay, bệnh trứng cá đỏ, bệnh vẩy nến trở nên trầm trọng hơn.

DS. Nguyễn Thu Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/10-van-de-ve-da-do-thieu-hut-vitamin-b12-169240923193130421.htm