3 bài học của Vĩnh Phúc trong công tác phân luồng

Vĩnh Phúc là một trong những địa phương thực hiện rất tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS.

Mục tiêu của tỉnh này, đến năm 2020, học sinh tốt nghiệp THCs vào học THPT từ 65 - 70%; còn lại từ 30 - 35% vào học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT và học nghề.

Trong quá trình thực hiện công tác phân luồng, Vĩnh Phúc rút ra 3 bài học kinh nghiệm quan trọng.

Một là: Các cấp ủy đảng, chính quyền nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh trung học; đưa chỉ tiêu học sinh phân luồng sau tốt nghiệp THCS vào Nghị quyết để thực hiện đến năm 2020 hoàn thành.

Hai là: Công tác hướng nghiệp cho học sinh ở trường trung học với thời lượng ít và dạy học lồng ghép ở một số môn học và hoạt động ngoại khóa cần bố trí một cách khoa học để học sinh được trải nghiệm trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp.

Cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp đa dạng, thiết thực, tạo sự hứng thú, giúp học sinh giải tỏa về mặt tâm lý, giải quyết những băn khoăn, lo lắng, thắc mắc khi chọn nghề, chọn nghề phù hợp với năng lực bản thân, gia đình và xu hướng phát triển của kinh tế, xã hội.

Ba là: Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong công tác hướng nghiệp, phân luồng ở trường trung học, nhân tố tác động trực tiếp đến hiệu quả giáo dục hướng nghiệp, bộc lộ sở thích, năng lực của học sinh đối với việc lựa chọn nghề.

Giáo viên được lựa chọn phân công giảng dạy hoạt động giáo dục hướng nghiệp là giáo viên chủ nhiệm lớp hoặc cán bộ quản lý đã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ hướng nghiệp.

Được biết, sau 4 năm thực hiện phân luồng học sinh sau THCS, Vĩnh Phúc bình quân mỗi năm có trên 2.500 học sinh không đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT mà đăng ký vào học chương trình GDTX cấp THPT và học trung cấp nghề tại các trường chuyên nghiệp - dạy nghề, TT GDTX tỉnh, TTGDTX và dạy nghề cấp huyện.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/3-bai-hoc-cua-vinh-phuc-trong-cong-tac-phan-luong-2214795-v.html