7 tỷ phú Việt lọt danh sách giàu nhất thế giới: Nhiều người quen trong giới Công Thương

Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có 7 tỷ phú đô la xuất hiện trong danh sách Forbes. Trong đó, có những doanh nhân tiêu biểu trong ngành Công Thương.

7 tỷ phú này bao gồm: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn.

Trừ ông Phạm Nhật Vượng, các tỷ phú còn lại đều có tài sản tương đương hoặc tăng so với năm ngoái.

Danh sách này có nhiều doanh nhân quen thuộc trong lĩnh vực Công Thương như Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang hay Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long.

Cụ thể, ông Trần Bá Dương – người được đưa vào danh sách của Forbes lần đầu vào năm 2018, hiện sở hữu 1,6 tỷ USD, tương đương năm 2021. Tập đoàn Thành Công qua hơn 20 năm phát triển với tầm nhìn phát triển bền vững, hội nhập để trở thành 1 trong những tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu Việt Nam và trong khu vực dựa trên 3 trụ cột chính: ô tô, bất động sản và dịch vụ. Bên cạnh ngành bán lẻ xe ô tô, Thaco dần lắp ráp cho các thương hiệu nước ngoài, như Kia, Mazda và Peugeot và sản xuất xe bus, xe tải thương hiệu Việt.

Thaco hiện là doanh nghiệp sản xuất xe ô tô lớn nhất Việt Nam, tạo công ăn việc làm trực tiếp cho khoảng 6.000 người và gián tiếp cho khoảng 30.000 người. Thaco cũng đang tìm kiếm, phối hợp với các đối tác trong nước để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho sản xuất ô tô – một ngành có nhiều tiềm năng.

Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang xuất hiện trong danh sách năm thứ 2 liên tiếp, với 1,9 tỷ USD. Năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất của Masan đạt 88.629 tỷ đồng, tăng trưởng 14,8% so với mức 77.218 tỷ đồng năm 2020 nhờ doanh thu hầu hết các mảng kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hệ thống bán lẻ WinCommerce của tập đoàn này vẫn khai trương thêm 388 cửa hàng WinMart+ vào năm 2021.

Tỷ phú thép Trần Đình Long sở hữu 3,2 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD so với năm 2021 và đứng thứ 951 thế giới. Ông sở hữu tập đoàn Hòa Phát – tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Việt Nam. Tập đoàn này đang giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép và thịt bò Úc. Vốn hóa thị trường của HPG đạt 11 tỷ đô la Mỹ, nằm trong top 15 công ty thép có mức vốn hóa lớn nhất trong ngành thép thế giới.

Ngoài các doanh nhân kể trên, Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách của Forbes, với khối tài sản 2,9 tỷ USD, đứng thứ 1.053 thế giới. Trong khi đó, đây là lần thứ 10 ông Phạm Nhật Vượng góp mặt, với tài sản trị giá 6,2 tỷ USD, đứng thứ 411 thế giới. Ông được Forbes vinh danh lần đầu vào năm 2013, với 1,5 tỷ USD, đứng thứ 974.

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo cũng lần thứ 6 có tên trong danh sách, với tài sản 3,1 tỷ USD. Bà Thảo hiện giữ vai trò Phó Chủ tịch HĐQT HDBank, Phó Chủ tịch và CEO hãng hàng không VietJet Air.

Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cũng lần thứ 4 góp mặt trong danh sách này. Tài sản của ông năm nay tăng lên 2,3 tỷ USD.

Cũng theo danh sách của Forbes, CEO hãng xe điện Tesla Elon Musk hiện là người giàu nhất hành tinh, với khối tài sản lên tới 219 tỷ USD. Trong khi đó ông chủ sàn thương mại điện tử Amazon - Jeff Bezos đứng thứ 2 với 171 tỷ USD. Theo sau là Chủ tịch kiêm CEO LVMH - Bernard Arnault (158 tỷ USD) và đồng sáng lập Microsoft - Bill Gates (129 tỷ USD).

Năm nay, thế giới có 2.668 tỷ phú, ít hơn 87 so với năm 2021. Số tỷ phú giảm mạnh nhất là ở Nga và Trung Quốc.

Để có tên trong danh sách, phương pháp được Forbes lựa chọn là đánh giá quy mô tài sản của một cá nhân dựa vào giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái tại ngày 11/3.

Thu Thủy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/7-ty-phu-viet-lot-danh-sach-giau-nhat-the-gioi-nhieu-guong-mat-quen-trong-linh-vuc-cong-thuong-174624.html