70 năm - Kinh tế Thủ đô đổi mới, hiện đại, phát triển bền vững

Theo đánh giá của các chuyên gia, kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội trong 70 năm (từ Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 đến nay) luôn phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn, nổi bật với nhiều con số ấn tượng.

TP. Hà Nội đang tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư. Ảnh tư liệu

TP. Hà Nội đang tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư. Ảnh tư liệu

Luôn là đơn vị đầu tàu về kinh tế

Nhìn lại quá trình phát triển của Hà Nội trong 70 năm qua, các chuyên gia khẳng định, TP. Hà Nội không ngừng nỗ lực để hoàn thiện cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; những mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang dần hình thành và phát triển, đóng vai trò ngày càng quan trọng vào sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Hà Nội cần tận dụng hiệu quả ưu thế và lợi thế

Hà Nội chỉ chiếm 1% về diện tích và 8,5% về dân số nhưng hiện đóng góp 16% GDP cả nước, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa. Lợi thế của Hà Nội rất lớn khi về cơ chế, chính sách, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội; đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.

Nhấn mạnh Hà Nội có mô hình kinh tế chuyển dịch tích cực, TS. Lê Quốc Phương - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp - thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Hà Nội đã có hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế, khi đưa thương mại, dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn. Đến nay lĩnh vực thương mại của Hà Nội trở thành ngành kinh tế lớn, không chỉ phục vụ đời sống người dân mà còn đảm bảo cung ứng phục vụ sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Thủ đô. Khu vực thương mại dịch vụ chiếm gần 2/3 tổng sản phẩm GRDP địa phương.

Hà Nội hiện có một hệ thống thương mại khá hiện đại, gồm khoảng 30 trung tâm thương mại, gần 150 siêu thị, 455 chợ (cả đầu mối và dân sinh), hàng nghìn cửa hàng tiện ích, hàng trăm máy bán hàng tự động…

Ngành du lịch cũng đã gặt hái được nhiều thành công, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Hà Nội vào nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới và đứng thứ 15 trong danh sách các điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới. Năm 2023, khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt (20 triệu lượt khách nội địa; 4 triệu lượt khách quốc tế)…

“Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Hà Nội đóng góp vào trong các chỉ số kinh tế của cả nước rất lớn. Hà Nội chỉ chiếm 1% về diện tích và 8,5% về dân số nhưng hiện đóng góp 16% GDP cả nước, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa, xứng đáng với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước” – TS. Lê Quốc Phương khẳng định.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - nguyên Trưởng Khoa Tài chính quốc tế (Học viện Tài chính) cũng chia sẻ, quy mô thu nhập của Hà Nội đã tăng rất mạnh mẽ từ năm 2010 đến năm 2023 với GRDP thường dẫn đầu cả nước ở mức tăng trưởng khoảng 7%. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội vào năm 2023 đã lần đầu tiên vượt TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, với những lợi thế về địa lý, nguồn nhân lực, cải cách hành chính, Hà Nội còn có nhiều dư địa cho tăng trưởng. Hà Nội là một trong 5 địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhất cả nước trong hàng chục năm qua; cũng là một trong những nơi đi đầu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện nay, đội ngũ doanh nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu cho doanh nghiệp FDI đã tăng vượt trội.

Tập trung phát triển kinh tế số, sản xuất xanh

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững; nâng cao hiệu quả các nguồn lực, phù hợp với làn sóng đổi mới sáng tạo cũng như cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội có chủ trương tập trung phát triển kinh tế số, sản xuất xanh để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, kết hợp bảo vệ môi trường; xác định mục tiêu đối với các ngành, lĩnh vực.

Theo Chương trình Chuyển đổi số của TP. Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước và lọt vào tốp 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, về công nghệ thông tin, về chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng. Giá trị đạt được của kinh tế số chiếm trên 40% GRDP và năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm…

Bàn về mô hình kinh tế mới Hà Nội hướng đến, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế và quản lý công (Đại học Kinh tế quốc dân) nhận định, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, vấn đề đặt ra đối với Hà Nội là chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới, được hậu thuẫn bởi kỹ năng, công nghệ, có sự đột phá về năng suất và bền vững.

Hà Nội cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, phát triển xanh, thân thiện với môi trường và chuyển sang giai đoạn 3 của quá trình phát triển, tức nền kinh tế dựa vào đổi mới, sáng tạo và kinh tế số; tăng trưởng cao nhưng phải nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp đó, Hà Nội chuyển sang mô hình công nghiệp hóa phát huy lợi thế so sánh động, lợi thế cạnh tranh bậc cao.

Ở góc nhìn khác, Chủ tịch Tập đoàn N&G Holding Nguyễn Hoàng cho rằng, Hà Nội nên xác định rõ hơn nữa về phát triển kinh tế và nhiệm vụ là Thủ đô chính trị - văn hóa – xã hội của cả nước. Tuy "2 mà 1", cùng chung nhiệm vụ đưa Hà Nội xứng tầm là Thủ đô Việt Nam, là Thủ đô hàng đầu trên thế giới.

Theo ông Nguyễn Hoàng, để phát triển kinh tế Hà Nội tuần hoàn, bền vững, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ về 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc và mô hình một số thủ đô của châu Á, Bắc Âu... để đưa ra một chương trình, hình mẫu. Để làm được, Hà Nội nên dành kinh phí nghiên cứu và thực hiện cho tất cả các lĩnh vực; đưa ra lộ trình cho từng ngành nghề, thông điệp rõ đến từng người dân sống, làm việc tại Thủ đô để cùng thực hiện. Bên cạnh đó, thời gian tới, Hà Nội cần thành lập Hội đồng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, mời các chuyên gia trong các lĩnh vực, doanh nghiệp... cùng tham gia để thực hiện.

Hà Nội dừng bắn pháo hoa dịp 10/10 - chia sẻ trách nhiệm, nghĩa tình

Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã nhất trí cao chỉ đạo dừng bắn pháo hoa ở toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Theo các chuyên gia, quyết định dừng bắn pháo hoa là một minh chứng mạnh mẽ cho tình nghĩa đồng bào và tinh thần đoàn kết của TP. Hà Nội. Việc chọn không tổ chức hoạt động chào mừng hoành tráng để hướng sự quan tâm vào việc cứu trợ đồng bào gặp khó khăn do thiên tai cho thấy sự ưu tiên, sẻ chia, đồng cảm sâu sắc của TP. Hà Nội đối với người dân, các địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão lụt.

Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, quyết định này cho thấy lãnh đạo TP. Hà Nội luôn lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra các quyết định liên quan đến phúc lợi xã hội, giúp củng cố niềm tin của người dân.

Quyết định dừng bắn pháo hoa chào mừng một sự kiện trọng đại của Thủ đô một lần nữa chứng minh, Hà Nội là trái tim của cả nước, nơi hội tụ và tỏa sáng những giá trị nhân văn, cao đẹp của cả dân tộc. Chính những giá trị này giúp xây dựng và củng cố một xã hội bền vững, đoàn kết và đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Việc dừng bắn pháo hoa sẽ tiết kiệm nguồn lực trong bối cảnh đất nước đang gặp nhiều khó khăn./.

Nam Khánh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/70-nam-kinh-te-thu-do-doi-moi-hien-dai-phat-trien-ben-vung-160422.html