Ai chịu trách nhiệm nếu ô tô dính đinh trên cao tốc?

Trên cao tốc, khi ô tô dính đinh, trách nhiệm và việc xử lý sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân và các yếu tố liên quan.

Theo thạc sĩ, luật sư Hoàng Thị Hương Giang (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), một số trường hợp phổ biến có thể xảy ra như sau:

1. Có căn cứ cố ý rải đinh để gây hại cho phương tiện

Tùy vào mức độ nguy hiểm, cũng như tính chất của hành vi rải đinh mà người thực hiện hành vi rải đinh trên đường bộ có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Cụ thể như sau:

+ Trường hợp xử phạt hành chính, tại Điểm a Khoản 10 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định: "Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ; chăng dây hoặc các vật cản khác qua đường gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông;".

Như vậy, căn cứ quy định được trích dẫn trên thì người nào có hành vi rải đinh trên đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng, theo quy định tại Điểm a Khoản 10 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Ngoài ra, còn buộc phải thu dọn đinh và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi rải đinh gây ra (Điểm b Khoản 12 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Nhiều ô tô bị dính đinh trên đường cao tốc. Ảnh: MXH

Nhiều ô tô bị dính đinh trên đường cao tốc. Ảnh: MXH

+ Trường hợp nếu hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản hoặc xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người khác, có thể bị xử lý theo quy định về Tội cản trở giao thông đường bộ (Điều 261 BLHS) hoặc Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178 BLHS).

Tại Điều 261 Bộ luật hình sự 2015 thì người nào đặt, để, đổ trái phép vật sắc nhọn gây cản trở giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp như làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thiệt hại tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 261 Bộ luật hình sự thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người nào cố ý thực hiện hành vi cố ý rải đinh nhằm mục đích gây thiệt hại về tài sản của người khác (như hư hại lốp xe, phương tiện) từ 2.000.000 đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội với mức phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm tùy tính chất, mức độ của hành vi và mức độ thiệt hại.

2. Trường hợp nếu có căn cứ xác định sự cố do đinh từ mặt đường mà không có sự kiểm soát hoặc vệ sinh đúng cách từ phía đơn vị quản lý đường bộ

Ví dụ như không bảo dưỡng, không dọn dẹp đường kịp, thì đơn vị quản lý đường bộ có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các phương tiện bị hư hỏng. Ngoài ra, nếu đường cao tốc không đảm bảo an toàn theo quy định, đơn vị quản lý có thể bị xử lý hành chính.

"Theo Điều 15 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ:

3. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Không bổ sung hoặc sửa chữa kịp thời theo quy định các biển báo hiệu nguy hiểm đã bị mất, bị hư hỏng mất tác dụng; không có biện pháp khắc phục kịp thời theo quy định các hư hỏng của công trình đường bộ gây mất an toàn giao thông;

10. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều này buộc phải bổ sung hoặc sửa chữa các biển báo hiệu bị mất, bị hư hỏng và khắc phục các hư hỏng của công trình đường bộ;", luật sư Hoàng Thị Hương Giang nêu.

Thạc sĩ, luật sư Hoàng Thị Hương Giang (Đoàn luật sư TP. Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ, luật sư Hoàng Thị Hương Giang (Đoàn luật sư TP. Hà Nội). Ảnh: NVCC.

3. Trường hợp đinh rơi ra từ xe của người tham gia giao thông

Ví dụ ô tô đánh rơi bao tải đinh vít khi đang đi, thì chủ xe hoặc người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường và có thể bị xử lý vi phạm theo quy định.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 20 Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng quy định mức phạt đối với hành vi vi phạm như để rơi vãi hàng hóa, vật dụng trên đường cao tốc thì tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi hở hàng rời, chất thải, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi; chở hàng hoặc chất thải để nước chảy xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

"Điều 20. Xử phạt người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Chở hàng rời, chất thải, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi; chở hàng hoặc chất thải để nước chảy xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường;", luật sư Hoàng Thị Hương Giang cho hay.

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ai-chiu-trach-nhiem-neu-o-to-dinh-dinh-tren-cao-toc-169240927093214234.htm