Ðại học Ðà Lạt đã và đang khẳng định chất lượng

Trường Ðại học Ðà Lạt vừa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục (KÐCLGD) cấp cơ sở giáo dục theo Bộ tiêu chuẩn mới 2.0 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), trở thành trường đại học (ÐH) thứ 4 ở khu vực phía Nam và là trường thứ 5 trong cả nước về vấn đề này.

ĐH Đà Lạt là cơ sở đào tạo kỹ sư ngành Vật lý kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam. Ảnh: T.Xuyên

ĐH Đà Lạt là cơ sở đào tạo kỹ sư ngành Vật lý kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam. Ảnh: T.Xuyên

Từ năm học 2003-2004, Trường ĐH Đà Lạt đã triển khai và vận hành hệ thống quản lý chất lượng (QMS) theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000, và đã được cấp Chứng nhận bởi Tổ chức BVQI của Anh quốc. Cùng đó là KĐCLGD cấp trường năm 2009, đạt tiêu chuẩn Chất lượng giáo dục cấp độ 2; kiểm định chương trình đào tạo giáo viên THPT ngành Toán đạt tiêu chuẩn chất lượng năm 2013. Năm 2017, thực hiện Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT, ngày 19/5/2017 của Bộ GD&ĐT, Trường tổ chức các khóa học, tập huấn về công tác đảm bảo chất lượng giáo dục, kiểm định và tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn mới này cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong trường; phổ biến các văn bản pháp quy, biên soạn tài liệu hướng dẫn về công tác đảm bảo chất lượng và tự đánh giá, tuyên truyền đến các đơn vị mục đích để người lao động hiểu và dần hình thành văn hóa chất lượng. Tháng 9/2017, Trường thành lập Hội đồng Tự đánh giá cùng các bộ phận chuyên trách liên quan. Lập kế hoạch, triển khai theo bộ tiêu chuẩn đánh giá cấp cơ sở giáo dục theo Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT với 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí với 2.765 minh chứng và 272 người được phỏng vấn...

Tháng 4/2018, Trường ĐH Đà Lạt hoàn thành các bản Master plan, thu thập, bổ sung, cập nhật hầu hết các minh chứng. Tháng 5/2018, Trường thành lập Hội đồng tự đánh giá giai đoạn 2 và tiếp tục bổ sung để hoàn thành báo cáo. Đầu tháng 4/2019, Trung tâm KĐCLGD thuộc Trường ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt Trung tâm Kiểm định) cùng ĐH Đà Lạt triển khai khảo sát sơ bộ từ hồ sơ đến đội ngũ và cơ sở vật chất - trang thiết bị, khu nội trú... Đoàn khảo sát cũng tham quan một số cơ sở của ĐH Đà Lạt thực hiện hoạt động phục vụ cộng đồng. Từ ngày 8-14/4/2019, đợt khảo sát chính thức tiến hành. Ngày 21/6/2019, phiên họp Hội đồng KĐCLGD lần thứ X của Trung tâm Kiểm định thực hiện quy trình thẩm định kết quả đánh giá chất lượng giáo dục cho Trường ĐH Đà Lạt. Sau thảo luận, đánh giá, góp ý của các thành viên, Hội đồng bỏ phiếu kín và kết quả Trường ĐH Đà Lạt chính thức được công nhận đạt chuẩn KĐCLGD theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT. Hội đồng đánh giá điểm trung bình của các tiêu chuẩn trong từng lĩnh vực như sau: Đảm bảo chất lượng về chiến lược 3,82 điểm; Đảm bảo chất lượng về hệ thống 3,50 điểm; Đảm bảo chất lượng về thực hiện chức năng 3,58 điểm và Kết quả hoạt động 3,52 điểm. Không tiêu chuẩn nào có điểm trung bình dưới 2,00 điểm. Chứng nhận này có giá trị đến ngày 23/7/2024.

Tại thời điểm được công nhận, nhà trường có tổng số 486 cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên, làm việc tại 20 khoa, 11 phòng, 2 viện và 7 trung tâm nghiên cứu khoa học.

Trong đó, có 90 tiến sĩ (nay tăng thêm 2 người), 17 phó giáo sư; 236 thạc sĩ; 58 giảng viên chính; 84 người trình độ kỹ sư, cử nhân, cao đẳng. Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt, Tiến sĩ Lê Hồng Phong, năm 2019, nhà trường tuyển sinh 23 ngành học, có 2.450 sinh viên nhập học, đạt tỷ lệ 91,5%. Toàn trường hiện có 10.800 sinh viên; trong đó 9.000 sinh viên hệ chính quy, 1.200 hệ thường xuyên, và 600 học viên cao học, nghiên cứu sinh. Năm học mới 2019-2020, Trường ĐH Đà Lạt tuyển sinh 8 ngành cao học: Toán giải tích, Vật lý kỹ thuật, Hóa phân tích, Sinh thái học, Sinh học thực nghiệm, Văn học Việt Nam, Lịch sử Việt Nam và Quản trị - Kinh doanh. Nhà trường cũng đang xúc tiến liên kết tuyển sinh cao học các ngành: Luật, Xã hội học, Công tác xã hội và Báo chí.

Trường ĐH Đà Lạt được công nhận đạt chuẩn KĐCLGD cấp cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn mới 2.0 của Bộ GD&ĐT đã nâng tầm vóc mới. Đây là quá trình phấn đấu không ngừng của tập thể nhà trường. Đặc biệt phải kể đến, nhiều thành công trong việc quốc tế hóa thông qua hội nhập quốc tế để Trường ĐH Đà Lạt là một trong 4 trường ĐH đầu tiên của Việt Nam trở thành hội viên Hiệp hội CDIO quốc tế; tạp chí nghiên cứu khoa học của nhà trường tham gia vào Ủy ban Đạo đức xuất bản quốc tế, là một trong 4 trường đầu tiên của Việt Nam được đưa vào chỉ mục ACI. Trong 2 năm liên tục (2018-2019), ĐH Đà Lạt được Bộ GD&ĐT khen thưởng về dung lượng xuất bản quốc tế ở các tạp chí uy tín (SCI, ISI)...

Sau vinh dự được Chứng nhận KĐCLGD, Trường ĐH Đà Lạt tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào để khẳng định và phát huy vị thế của mình? Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt, Tiến sĩ Lê Minh Chiến cho biết: Trước hết là duy trì và thường xuyên tổ chức tự đánh giá, hoàn thiện minh chứng một cách khoa học, chính xác, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo theo bộ tiêu chuẩn quốc gia. Trong năm học 2019-2020 này, nhà trường sẽ thực hiện kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn quốc gia từ 2 đến 3 chương trình và chuẩn khu vực Đông Nam Á (AUN) từ 1 đến 2 chương trình. “Trường ĐH Đà Lạt coi KĐCLGD 2.0 và kiểm định chương trình đào tạo uy tín là trách nhiệm xã hội để khẳng định thương hiệu ĐH Đà Lạt”, Tiến sĩ Lê Minh Chiến khẳng định.

Với những thành quả đạt được, cùng đồng lòng và quyết tâm của nhà trường, Trường ĐH Đà Lạt xứng đáng tiếp nối chất lượng giáo dục ĐH vốn có của thành phố Đà Lạt nhiều năm trước đây. “Trách nhiệm đang đặt ra đối với Trường ĐH Đà Lạt là phát huy kết quả kiểm định trong mọi lĩnh vực để xây dựng văn hóa chất lượng ĐH, hướng tới một ĐH uy tín ở Việt Nam và khu vực...”, Hiệu phó, Tiến sĩ Lê Hồng Phong chia sẻ thêm.

TĨNH XUYÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/201909/ai-hoc-a-lat-da-va-dang-khang-dinh-chat-luong-2964454/