Bài 2: Đã mở thì mở cho hết

Việt Nam được đánh giá là quốc gia mở cửa du lịch sau đại dịch tốt nhất khu vực Đông Nam Á. Nhưng theo ý kiến các doanh nghiệp, đã mở thì mở cho hết để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó cần sớm tháo gỡ những rào cản về visa.

Bài 1: Mới chỉ "chạy rốt đa"

Mở cửa lại bầu trời

Ngay sau khi Chính phủ đồng ý mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15.3.2022, các địa phương vốn có thế mạnh về du lịch như Đà Nẵng, Quảng Nam đã khẩn trương ban hành, triển khai kế hoạch thực hiện, chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, tổ chức sự kiện quảng bá xúc tiến để thu hút khách. Nhờ đó, hoạt động du lịch đã sôi động trở lại nhưng giai đoạn này chủ yếu là thị trường khách nội địa.

Những du khách quốc tế đầu tiên trở lại Đà Nẵng sau đại dịch Covid-19. Nguồn: tcdulichtphcm.vn

Những du khách quốc tế đầu tiên trở lại Đà Nẵng sau đại dịch Covid-19. Nguồn: tcdulichtphcm.vn

Khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều vì du lịch quốc tế đang vào mùa thấp điểm và nhiều thị trường trọng điểm chưa mở cửa. Chính sách phòng, chống dịch và mở cửa hoạt động du lịch của các nước khác nhau. Hầu hết thị trường khu vực Đông Bắc Á, vốn chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam, hiện vẫn siết chặt phòng, chống dịch. Như Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách “zero Covid”, chưa mở cửa du lịch quốc tế. Nhật Bản từ ngày 10.6 mới cấp visa du lịch nhưng chỉ cho công dân các nước vùng xanh, trong khi Việt Nam thuộc vùng vàng, vẫn phải chờ.

Hàn Quốc là một trong 2 thị trường dẫn đầu thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng (cùng với Trung Quốc, chiếm đến 80% lượng khách), nhưng hiện vẫn “dậm chân tại chỗ”. “Khách Hàn Quốc thường đi du lịch theo hệ sinh thái, trong lịch trình sẽ có các bữa ăn do chính người Hàn Quốc nấu, đi kèm là hệ thống nhà hàng, spa… của người Hàn Quốc. Trước dịch, gần 10.000 người Hàn Quốc sinh sống tại Việt Nam, trong đó 9.000 người phục vụ trong ngành du lịch. Nếu không mở cửa cho người Hàn Quốc vào làm việc tại Việt Nam thì ngành du lịch Đà Nẵng rất khó phục hồi”, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Anh cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Anh, sau tháng 8, thị trường khách nội địa không duy trì được, cần mở lại các đường bay quốc tế. Dự kiến đến tháng 10 sẽ có 7 hãng hàng không khai thác các đường bay quốc tế từ Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Malaysia… và một đường bay quốc tế mới từ Ấn Độ đến Đà Nẵng với tần suất 90 chuyến/tuần, riêng Hàn Quốc dự kiến có 49 chuyến/tuần. Bên cạnh đó là bốn hãng hàng không đang khai thác 9 đường bay nội địa với tuần suất hơn 230 chuyến/tuần. “Trong khi đó, cao điểm Đà Nẵng đón 100 chuyến bay quốc tế/ngày, muốn phục hồi, ít nhất phải mở lại 30%. Và một khi khôi phục được thị trường khách quốc tế, đến năm 2024 - 2025, ngành du lịch có thể trở lại mức đỉnh như năm 2019”.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 là 172,9 nghìn lượt, tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, so với năm 2019, thời điểm trước đại dịch, thì con số này còn xa (trên 18 triệu lượt khách quốc tế).

Gia tăng thời hạn visa

Một trong những vấn đề “nóng” được các doanh nghiệp phản ánh là “điểm tắc” visa (thị thực). Sau đại dịch, Việt Nam không chỉ phải cạnh tranh với các nước trong khu vực mà còn với chính các nước của khách du lịch, và chính sách visa hoặc sẽ là lợi thế hoặc sẽ là bất lợi. Một ví dụ đơn giản, thông thường khách đi nghỉ 20 ngày, thậm chí 30 ngày, visa của Thái Lan 30 ngày trong khi visa Việt Nam chỉ 15 ngày khiến khách cân nhắc và có thể chọn Thái Lan thay vì Việt Nam.

Từ khi Việt Nam mở lại hoạt động du lịch, sau 3 - 6 tháng khách quốc tế mới đến. Vì thế, theo bà Lương Hà, Công ty Wild Eyes Tour (Quảng Nam), gần như năm 2022 này các doanh nghiệp chủ yếu chuẩn bị, bán tour cho khách năm sau, và chính sách visa sẽ ảnh hưởng lớn đến quyết định của khách. “Khách quốc tế sang Việt Nam hiện mới lác đác, chủ yếu là thăm thân sau 2 năm không gặp nhau. Mà thăm thân cũng thường ở tới 1 tháng, trong khi visa Việt Nam chỉ 15 ngày, khiến nhiều người ngần ngại” - bà Lương Hà nói.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Nguyễn Sơn Thủy cho rằng, visa hiện là một rào cản khiến dòng khách quốc tế chưa vào được Việt Nam nhiều. Khách Mỹ, châu Âu đến Việt Nam thường ở 15 - 21, thậm chí 30 ngày. Vì vậy, đề nghị tăng visa lên ít nhất 30 ngày. Bên cạnh đó, visa on arrival hiện không duyệt cho khách đi lẻ, khiến khách phải chạy lòng vòng. Việt Nam mới áp dụng evisa nhưng nhiều khách không dùng cách này, hoặc bị phản ánh là chậm. “Việt Nam hiện là quốc gia mở cửa du lịch sau đại dịch tốt nhất khu vực Đông Nam Á. Đã mở thì mở cho hết (tất nhiên vẫn phải bảo đảm an toàn) để thu hút khách quốc tế vào Việt Nam”, ông Nguyễn Sơn Thủy kiến nghị.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng Cao Trí Dũng thì nhấn mạnh, cần có bộ khung pháp lý để khách quốc tế vào Việt Nam một cách đàng hoàng và thuận lợi. Chính sách visa được như năm 2019 đã là tốt rồi.

Trong báo cáo khảo sát, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo nghiên cứu mở rộng các nước được miễn thị thực vào Việt Nam và tăng thời gian miễn thị thực lên 30 ngày.

Nhật Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-in/bai-2-da-mo-thi-mo-cho-het-i291010/