Bài cuối: Trợ lực kịp thời

'Một số khách sạn, trong đó có 5 - 6 khách sạn lớn tại Hội An, đã được bán chuyển đổi. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, thêm nhiều khách sạn sẽ bị bán, vì họ đã bám trụ 2 năm, cạn kiệt nguồn lực' - bà Huỳnh Thị Minh, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam kiến nghị.

Bài 1: Mới chỉ "chạy rốt đa"
Bài 2: Đã mở thì mở cho hết

Nếu không được hỗ trợ, doanh nghiệp khó trụ nổi

Sau 2 năm thực hiện chính sách giãn, hoãn nộp thuế, tiền thuê đất, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 34, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022. Thời gian gia hạn từ 3 - 6 tháng, tùy từng loại thuế. Chính sách này được kỳ vọng tạo thêm "trợ lực" cho quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp du lịch. Dự kiến sẽ có trên 140.000 doanh nghiệp và hộ cá nhân kinh doanh được thụ hưởng chính sách gia hạn thuế năm 2022, với số tiền ước tính trên 123.000 tỷ đồng.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng Cao Trí Dũng khẳng định, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về tổng thể rất hữu ích với doanh nghiệp và người lao động nói chung bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, như được khoanh nợ, giảm nợ, cho vay, đào tạo… “Nếu không có các chính sách này, doanh nghiệp đã không thể trụ nổi đến bây giờ”. Tuy vậy, ông Cao Trí Dũng cũng cho rằng, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng thực sự khó tiếp cận, những gói hỗ trợ sau việc tiếp cận cũng vẫn khó khăn, nhất là với doanh nghiệp nhỏ.

“Theo số liệu chúng tôi nắm được, chỉ 3 khách sạn ở Hội An nhận được hỗ trợ từ các gói này và cũng không phải 100% mà chỉ 60 - 70% trong tổng số lao động của khách sạn đó”, bà Huỳnh Thị Minh, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam thông tin.

Số lao động ngành du lịch được nhận hỗ trợ rất thấp, dù số người thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên thực tế rất nhiều. Đà Nẵng chỉ hỗ trợ được 4.509/50.963 lao động ngành du lịch (thời điểm trước dịch, năm 2019), Quảng Nam hỗ trợ được 232 hướng dẫn viên du lịch.

Theo Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 chưa sát thực tế, khó thực hiện. Như quy định giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2021 đối với trường hợp có doanh thu không quá 200 tỷ đồng khó khả thi đối với doanh nghiệp. Hay chính sách người sử dụng lao động được vay trả lương ngừng việc, tại Đà Nẵng, doanh nghiệp không áp dụng được do Ngân hàng Chính sách xã hội yêu cầu thời điểm giải ngân phải thực hiện trước thời điểm công ty chuyển lương (tháng 9.2021), nhưng thời điểm này hầu hết người lao động đang trong thời gian giãn cách xã hội, không thể ký vào Biên bản thỏa thuận ngừng việc để bổ sung hồ sơ vay.

Một số chính sách chưa tạo ra tác động tích cực như giảm thuế giá trị gia tăng hay thuế thu nhập doanh nghiệp, do hoạt động du lịch bị ngừng ngay khi dịch bệnh xuất hiện, doanh nghiệp du lịch không có doanh thu. Hơn thế, theo ý kiến nhiều doanh nghiệp, việc giảm thuế giá trị gia tăng chỉ là cứu trợ khẩn cấp chứ không phải lâu dài và mức 2% không có nhiều ý nghĩa, trong khi yêu cầu quá nhiều thủ tục, giấy tờ... Giá điện cũng vậy, do doanh nghiệp du lịch ngừng hoạt động nên không được hưởng chính sách hỗ trợ này.

Đoàn Famtrip và Presstrip Thái Lan tham quan phố cổ Hội An sau đại dịch

Đoàn Famtrip và Presstrip Thái Lan tham quan phố cổ Hội An sau đại dịch

Kéo dài các chính sách hỗ trợ

Đây là giai đoạn khó khăn nhất trong 2 năm qua đối với doanh nghiệp du lịch, vì là thời điểm dòng tiền phải đáo hạn trong khi doanh nghiệp mở cửa hoạt động. Hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn trở lại là một trong nhưng yêu cầu cấp thiết, bởi do dịch doanh nghiệp không trả được khoản vay cũ, trong khi không được cho vay mới, doanh nghiệp sẽ phải bán tháo tài sản, dẫn đến phá sản.

“Doanh nghiệp du lịch tha thiết đề nghị kéo dài các chính sách hỗ trợ, nhất là các chính sách hỗ trợ về tài chính. Thông tin 30% khách sạn tại Đà Nẵng bị rao bán là có thật. Nếu không khoanh nợ, gia hạn nợ kịp thời, họ không có dòng tiền để trả” - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng Cao Trí Dũng nói.

Cơ chế cho vay tài chính được đánh giá là một trong những giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ những khó khăn hiện nay, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi và phát triển, nhưng đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành, nếu không thì không làm được. Đặc biệt, chính sách cho vay cần đúng đối tượng, không làm khó doanh nghiệp, cũng không theo cơ chế xin - cho.

Từ kết quả khảo sát, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục kiến nghị Quốc hội tiếp tục thực hiện các chính sách về tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, người lao động như: Giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% các năm tiếp theo sau 2022; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, khoanh nợ và không áp dụng lãi phạt chậm trả cho các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết ngày 31.12.2022; cho phép các doanh nghiệp du lịch đang hoạt động chậm nộp bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm bắt buộc khác cho người lao động đến hết năm 2022; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch; giảm tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, giảm phí cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Đối với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị tiếp tục lồng ghép chính sách hỗ trợ phục hồi ngành du lịch chung trong các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung vào 6 nội dung chính: Chính sách tài khóa (giãn, giảm thuế, phí, kích cầu, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng, cho vay trả lương…); chính sách tiền tệ (giảm lãi suất; giãn, giảm lãi, phí, cơ cấu lại nợ, tín dụng ưu đãi…); đào tạo, phát triển kỹ năng nghề nghiệp; phát triển thị trường; xã hội hóa nguồn vốn; tiếp tục kích cầu du lịch.

Nhật Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/bai-cuoi-tro-luc-kip-thoi-i291089/