Bạo lực với phụ nữ gây ra thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp

Bạo lực với phụ nữ, trẻ em không chỉ gây ra nỗi đau cho 2 đối tượng này mà còn tác động đến an sinh của toàn xã hội, đặc biệt là sự phát triển của nền kinh tế; qua đó có thể thấy bạo lực với phụ nữ, trẻ em cũng gây ra thiệt hại về lợi nhuận cho các DN.

Trung tâm Phụ nữ và phát triển- Hội LHPN Việt Nam (CWD), Chính phủ Úc thông qua Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills), trường ĐH Flinders, cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) vừa phối hợp tổ chức sự kiện “Bữa sáng Ruy băng trắng” lần thứ 5 với chủ đề “Tọa đàm với nam giới- Vai trò của DN trong bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ”. Sự kiện này hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới 2019 “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” tại Việt Nam.

 Các đại biểu tham gia sự kiện “Bữa sáng Ruy băng trắng” tại Hà Nội và biểu tượng chính của sự kiện. Ảnh: H.A

Các đại biểu tham gia sự kiện “Bữa sáng Ruy băng trắng” tại Hà Nội và biểu tượng chính của sự kiện. Ảnh: H.A

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa: Bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em không phải là vấn đề của riêng quốc gia nào mà là vấn đề của tất cả mọi quốc gia trên thế giới, kể cả các nước phát triển. Tại Việt Nam, theo Báo cáo quốc gia về tình trạng BLGĐ của Tổng Cục Thống kê phối hợp với UNFPA năm 2010, có 58% phụ nữ đã từng kết hôn từng bị ít nhất một trong ba loại bạo lực trong đời và 87% nạn nhân đã không tìm đến sự giúp đỡ của các cơ quan liên quan; trung bình cứ 6 giờ thì có một trẻ em bị xâm hại tình dục (theo báo cáo của Bộ LĐ- TB&XH – 2015); 78,2% nạn nhân bị quấy rối tình dục nơi làm việc là nữ giới trong độ tuổi từ 18 đến 30… BLGĐ là gánh nặng lớn cho nền kinh tế vì hàng năm Việt Nam chi phí cho vấn đề này là 3,19% GDP bao gồm cả chi phí cho các dịch vụ giải quyết vụ việc và thiệt hại do giảm số ngày lao động của phụ nữ (Theo báo cáo hoàn thiện về ước tính thiệt hại kinh tế do BLGĐ đối với phụ nữ tại Việt Nam, UN Women 2012); trên thế giới mất đi 1,500 tỷ đô la Mỹ do bạo lực đối với phụ nữ (nghiên cứu UN Women 2016).

Năm 1991, sau vụ thảm sát 14 bạn học nữ xảy ra tại một trường học của Canada, chiến dịch “Ruy băng trắng” được bắt đầu và trở thành chiến dịch chống bạo lực của nam giới lớn nhất trên thế giới. Đến nay, chiến dịch này đã được lan rộng tại 60 quốc gia trên thế giới và là chiến dịch của nam giới và trẻ em trai trong nỗ lực chấm dứt bạo lực với phụ nữ trên toàn cầu. Nguyên tắc cơ bản của chiến dịch là đề cao tầm quan trọng của việc nam giới và trẻ em nam lên tiếng chống lại các hình thức bạo lực với phụ nữ. Chiến dịch thường tập trung các hoạt động vào 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ bắt đầu từ ngày 25-11 và kết thúc vào Ngày nhân quyền (10-12).

Chiến dịch “Ruy băng trắng” hợp tác với nhiều tổ chức nhằm thúc đẩy vai trò tích cực của nam giới và cộng đồng nhằm chấm dứt hành vi bạo lực của nam giới với phụ nữ thông qua các chương trình giáo dục phòng ngừa ban đầu, tập trung giải quyết các nguyên nhân gốc rễ dẫn đến bạo lực ở các trường học, khuyến khích các tổ chức tham gia các chứng chỉ “Ruy băng trắng” ở nơi làm việc, tổ chức các chương trình tập huấn huy động nam giới tích cực, chiếc dịch nâng cao nhận thức và vận động chính trị nhằm xóa bỏ bạo lực với phụ nữ.

“Bữa sáng Ruy băng trắng” xuất phát từ một ý tưởng kế hoạch hành động của các cán bộ Trung tâm Phụ nữ và phát triển- Hội LHPN Việt Nam (CWD) sau khi tham gia dự án “Nâng cao năng lực nguồn nhân lực tại Việt Nam: Cung cấp dịch vụ hiệu quả trong phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và mua bán người”. Sự kiện đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam vào ngày 25-11-2015. Năm 2019, sự kiện “Bữa sáng Ruy băng trắng” được tổ chức tại Cần Thơ, Quảng Ngãi và Hà Nội.

Linh Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bao-luc-voi-phu-nu-gay-ra-thiet-hai-lon-cho-cac-doanh-nghiep-171300.html