Bất an trước biển

Trong ngôi nhà nằm ở phía cuối ấp Kinh Đào Đông, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, anh Nguyễn Văn Quẩn, 42 tuổi, bần thần ngồi nhìn ra hướng biển. Trước mặt anh không xa là nền đất cũ, nơi cư ngụ của anh và nhiều gia đình khác đã bị biển 'gặm nhấm'. Tôi nhìn sâu vào trong mắt anh, cảm nhận rõ sự phấp phỏng, âu lo của một người sống dựa vào biển hơn 20 năm nay.

3 tháng nay, anh Quẩn (bên phải) ở nhà, không đi biển do sóng gió bất thường. Ảnh: Bích Nguyên

3 tháng nay, anh Quẩn (bên phải) ở nhà, không đi biển do sóng gió bất thường. Ảnh: Bích Nguyên

Mất nhà vì biển

Con nước lên rồi xuống mỗi tháng 2 lần, những người dân cả đời sống ở vùng cửa biển đã quá quen thuộc với quy luật của biển cả. Thế nhưng, “chưa năm nào triều cường dữ dằn như năm nay. Từ hồi tháng 10 tới giờ đã có 4-5 trận triều cường rồi. Nước biển dâng ngập cả xóm, có chỗ ngập tới 70cm, mấy ngày mới rút. Mọi sinh hoạt bị đảo lộn, việc đi lại rất bất tiện. Tội nhất là tụi nhỏ, cứ phải bì bõm lội nước đến trường” - Anh Quẩn kể.

Anh chỉ tay về phía cột đèn biển bảo rằng: “Nhà tôi trước đây ở mãi ngoài kia, cách chỗ này 100m. Năm rồi, biển lấn vào, nhà bị hư hại hoàn toàn”. Ngôi nhà hiện tại gia đình anh Quẩn chỉ cách biển chưa đến 10m, vì thế, lúc nào anh cũng nơm nớp nỗi lo mất nhà một lần nữa. “Mỗi năm, biển lấn vào đất liền cả chục mét. Hồi trước, sóng và triều cường cao 1m đánh tràn cả vào nhà. Mọi việc diễn ra quá nhanh, may có cán bộ Đồn Biên phòng Đất Mũi tới giúp chúng tôi kịp thời di chuyển đồ đạc. Ở đây, lúc dân gặp nguy hiểm nhất là BĐBP có mặt để giúp” - Anh Quẩn chia sẻ.

Anh Phạm Văn Út cũng là một trong những “nạn nhân” của biển dẫn chúng tôi ra bờ biển chỉ cách ngôi nhà cuối cùng của ấp Kinh Đào Đông khoảng 5m vẫn còn dấu tích của một khu dân cư. “Chỗ mấy cọc dừa kia là nhà cũ của tôi. Sóng biển đánh bung vách ván và tường nhà. Tôi không dám ngủ lại trong nhà mà phải đưa vợ con đi sơ tán. Chỉ có 2 ngày mà sóng đánh tan nhà” - Anh Út nhớ lại ngày mất nhà cách đây 2 năm.

Rồi anh Út chỉ cho tôi nền nhà ông Thái Văn Thái, người dân trong vùng quen gọi là Bảy Thái ở cạnh nền đất cũ nhà anh. Mấy tháng trước, biển “đuổi” gia đình ông khỏi nơi cư trú nhiều năm nay. Ngôi nhà của ông Thái bị sóng biển đánh sập, chỉ còn lại 4 cọc bê tông. Ông Thái phải mượn đất gần nhà cũ để cất nhà. Ngôi nhà hiện tại của ông làm bằng thép tiền chế giờ chỉ cách biển chừng 5m.

Ông Thái năm nay 59 tuổi, đã 3 lần ông phải chuyển nhà. “Con nước lên khoảng 5 ngày là tan nhà. Năm 1995, tôi về đây ở, lúc đó, nhà tôi cách biển 1km. Hồi tháng 5-2020, sóng đánh dữ quá, sạt lở “đuổi” ngay sau lưng. Tôi phải di dời nhà cho đỡ sóng. Vậy mà vẫn chưa yên. Biển vẫn lấn đất. Nếu không có kè chắn sóng chắc không lâu nữa chúng tôi sẽ phải dời nơi này đi” - Ông Thái kể.

Ấp Kinh Đào Đông có 287 hộ dân, cư ngụ dọc sông Rạch Tàu và cửa Vàm Xoáy. Chia sẻ về tình trạng sạt lở, anh Lê Chí Cường, Trưởng ấp Kinh Đào Đông trầm ngâm: “Trước đây, đất của ấp kéo dài ra tới cây đèn biển ngoài kia. Từ năm 2017 tới nay, 14 hộ dân ven biển phải dời đi. Chỉ trong 1 năm qua, bờ biển bị sạt lở sâu tới 100m. Con lộ chạy dọc xóm cũng bị sạt xuống cửa sông Rạch Tàu”. Theo lời anh Cường, tình trạng sạt lở còn xảy ra ở ấp Kinh Đào Tây và Rạch Tàu. Hơn 100 hộ dân ở Kinh Đào Tây và hơn 20 hộ ở ấp Rạch Tàu đã phải di dời do sạt lở.

Tìm nơi an cư lạc nghiệp vững bền

Anh Út từ Bạc Liêu tìm về dựng nghiệp tại Đất Mũi nhiều năm nay. Ngoài nỗi lo biển “đuổi” phải tìm nơi an cư lâu dài, anh còn phải lo miếng ăn hằng ngày bởi thu nhập từ nghề biển ngày càng bấp bênh. “Việc khai thác quá mức khiến cho nguồn lợi thủy sản cạn kiệt rõ rệt. Mấy năm nay, cá dứa, cá đường (loại cá đặc sản của Đất Mũi) hiếm lắm” - Anh Út buồn rầu nói. Biết không thể dựa mãi vào biển nhưng anh chưa biết xoay xở ra sao.

Đứng trước biển, anh Quẩn giãi bày: “Mấy năm nay, nước biển dâng lên càng lúc càng lớn. 3 tháng rồi tôi không đi làm được do sóng gió bất thường. Không đi biển nghĩa là không có thu nhập. Cuộc sống của gia đình tôi thêm phần khó khăn”.

Anh Quẩn làm nghề đánh lưới cá khoai và đặt lú bắt tôm, cua, mực ven bờ. Cuộc sống mưu sinh của người đàn ông ở cuối trời Nam này hoàn toàn phụ thuộc vào biển. “Từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau là mùa bắt cá khoai. Trước đây, mỗi ngày tôi đánh cá được 5-7 triệu đồng, thậm chí 10 triệu đồng” - Nhớ về một thời đã xa, anh Quẩn tiếc nuối - “Biển không còn “hào phóng” như trước nữa. Bây giờ, ngày nào trời yên cũng chỉ đánh cá được 300.000-400.000 đồng, đặt lú được thêm khoảng 500.000 đồng nữa. Trừ chi phí, không còn lại bao nhiêu”.

Tôi hỏi chuyện chuyển đổi nghề sang nuôi trồng thủy sản, anh Quẩn thở dài: “Tôi cũng tính nuôi nhưng vùng này nuôi không được do nước lên quá lớn, khi thủy triều xuống, nước lại quá cạn”.

Sóng biển đã “quét sạch” nhà của anh Út và một số hộ dân khác, tiến sát vào ngôi nhà cuối cùng của ấp Kinh Đào Đông ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Bích Nguyên

Sóng biển đã “quét sạch” nhà của anh Út và một số hộ dân khác, tiến sát vào ngôi nhà cuối cùng của ấp Kinh Đào Đông ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Bích Nguyên

Câu chuyện thích ứng với sự thay đổi của biển đã không còn là chuyện riêng của mỗi người dân mà đã là nỗi lo chung của cả chính quyền địa phương từ cấp xã tới huyện, tỉnh. Xã Đất Mũi có 3 mặt giáp biển, chịu tác động của 2 dòng hải lưu trên Biển Đông và Biển Tây. “Một bên bồi, một bên lở. Mé Biển Tây mỗi năm bồi ra 50-70m, còn mé biển Đông mỗi năm sạt lở 50m. Tình trạng sạt lở ở Biển Đông và các cửa sông diễn ra mạnh nhất từ năm 2016-2019. 40 hộ dân sinh sống ở vùng sạt lở đã được di dời vào ấp Rạch Tàu” - Ông Bùi Thanh Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi cho biết.

Đặc tính của cư dân vùng biển là muốn sống ngay sát mép biển để thuận tiện cho việc làm ăn. Vì lẽ đó, nhiều người như anh Quẩn vẫn cố bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió trong thấp thỏm, âu lo. Anh Quẩn bảo rằng, chỉ cần Nhà nước xây dựng bờ kè chắn sóng là có thể yên tâm ở đây làm ăn. Chúng tôi đem chuyện này hỏi ông Thương, ông bảo, về lâu dài, phải xây dựng bờ kè mới hy vọng chống được sạt lở. Trước mắt, xã đã quy hoạch, di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở tới nơi ở an toàn. Theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mỗi hộ được hỗ trợ 50 triệu đồng và 150m2 đất để dựng nhà. Đến nay, trong số 40 hộ đã có 22 hộ được hưởng chính sách hỗ trợ trên, còn lại 18 hộ UBND xã đang làm hồ sơ đề nghị. Huyện Ngọc Hiển cũng đã đầu tư 80 tỉ đồng trong chương trình chống xói lở khẩn cấp để xử lý tình trạng sạt lở bờ biển thông qua các giải pháp công trình và phi công trình như gây bồi, tạo bãi, trồng rừng ngập mặn.

Ngoài việc lo cho dân chỗ ở, trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, tìm sinh kế bền vững cho người dân đang là vấn đề đặt ra đối với Đất Mũi. Ông Thương cho biết: “Chúng tôi đang tập trung vận động người dân chuyển đổi nghề từ khai thác sang nuôi trồng thủy sản, làm du lịch cộng đồng. Hiện chúng tôi đã mở 4 tuyến tham quan xuyên rừng, thưởng thức sản phẩm đặc trưng của Cà Mau. Ban đầu có khó khăn, nhưng chúng tôi đang quyết tâm từng bước vận động người dân chuyển nghề sang nuôi tôm, cua, cá, vọp, ốc len. Đây là các loài thủy sản đặc sản của Đất Mũi, có giá trị kinh tế cao và thu nhập ổn định hơn so với các nghành nghề khác”.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bat-an-truoc-bien-post436041.html