Bé 5 tuổi tử vong do hóc hạt chôm chôm: Bác sĩ chỉ cách xử trí khi trẻ gặp tai nạn

Bé gái không may bị hóc hạt chôm chôm, do không được cấp cứu kịp thời, dẫn đến tình trạng suy hô hấp, tử vong thương tâm.

Theo thông tin từ UBND xã Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, một bé gái trên địa bàn đã tử vong do hóc hạt chôm chôm.

Trước đó, trưa 18/6, cháu N.V.M.H. (5 tuổi, thôn Trung Thuận, xã Mỹ Chánh Tây) ở nhà cùng anh trai ăn chôm chôm thì bị hóc hạt. Thấy H. bất tỉnh, anh trai đã gọi người thân đưa đi cấp cứu nhưng bé đã không qua khỏi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cho biết, hóc dị vật đường thở là tình huống cấp cứu, thường gặp ở trẻ em. Dị vật hay gặp là các hạt, vỏ trái cây, đồ chơi, hóc xương cá, xương gà... Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, trẻ sẽ bị tắc nghẽn đường thở, suy hô hấp, tím tái, co giật và có nguy cơ tử vong.

Đặc biệt, khi trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ tuyệt đối không đưa ngón tay vào móc dị vật khỏi miệng trẻ. Việc này có thể làm dị vật xuống sâu hơn, hoặc gây trầy xước, chấn thương niêm mạc vùng hầu họng của trẻ.

Đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi, dùng phương pháp vỗ lưng, ấn ngực. Đối với trẻ trên 2 tuổi, dùng thủ thuật Heimlich. Nếu trẻ ngưng thở phải thổi ngạt và lặp lại 6-10 lần nếu thất bại.

“Để phòng ngừa nguy cơ hóc dị vật đường thở ở trẻ nhỏ, các gia đình nên chú ý không cho trẻ chơi các đồ chơi có kích thước nhỏ, không cho trẻ tự bốc ăn các loại hạt và tách xương khi cho trẻ ăn thịt, cá…”, Bác sĩ Dũng khuyến cáo.

Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định.

Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Ths.Bs Phạm Ngọc Toàn, khoa Cấp cứu chống độc (BV Nhi TƯ) cho biết, khi trẻ bị hóc dị vật, nếu trường hợp trẻ tỉnh táo, ho được thì nên khuyến khích trẻ ho, rồi đưa về cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.

Trong trường hợp trẻ không ho được, ho không hiệu quả, hoặc không tỉnh thì cần mở thông đường thở, nghe xem trẻ còn thở không. Nếu tim ngừng đập thì cần phải ép tim ngoài lồng ngực.

Nếu trẻ tỉnh, nhưng ho không hiệu quả, thì cần vỗ lưng, ấn ngực. Nếu trẻ nhỏ thì cho trẻ ngồi trên ghế, đặt bệnh nhân lên cánh tay, cho đầu chúi xuối, nghiêng 1 bên, sau đó vỗ lưng 5 lần.

Sau khi thực hiện các phương pháp trên, cần kiểm tra xem dị vật ra không, nếu dị vật không ra được thì lật ngược trẻ dậy rồi ấn ấn ngực trẻ. Sau đó, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, hoặc gọi sự hỗ trợ của bác sĩ đến trực tiếp.

Kim Ngân

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/be-5-tuoi-tu-vong-do-hoc-hat-chom-chom-bac-si-chi-cach-xu-tri-khi-tre-gap-tai-nan-d191818.html