Bí quyết 'dụ' ong rừng về nuôi lấy mật

Nuôi ong lấy mật đã tạo được nguồn thu đáng kể cho nhiều hộ nông dân ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên, muốn 'dụ' ong mật về làm tổ để thuần hóa, nuôi lấy mật, đòi hỏi những người thợ săn phải có tính kiên trì cao, thích hòa mình vào thiên nhiên, nghe tiếng thở của núi rừng…

Thời gian gần đây, ở những cánh rừng có hàng trăm “thợ săn” ong ở miền núi Hà Tĩnh chạy xe máy lên các con suối, khu rừng để săn ong về thuần hóa, nuôi lấy mật. Đồ nghề mang theo chuyến đi của mỗi “thợ săn” chỉ đơn giản là một cái vợt bằng vải màn và vài ba cái chang (tổ mồi).

Theo các “thợ săn” ong cho biết, thời điểm săn ong là khi bắt đầu se lạnh. Đây là thời điểm khí hậu bắt đầu chuyển từ mát mẻ sang lạnh, và cũng là lúc những đàn ong mật sống tự nhiên trong rừng sâu bắt đầu quá trình di cư tìm chỗ trú đông, tránh rét.

Trong quá trình tìm chỗ trú đông, đàn ong sẽ giao việc tìm chỗ ở cho một số con ong khỏe mạnh, nhanh nhẹn nhất trong đàn. Những con ong này gọi là ong "sứ” có nơi gọi là “ong thăm”. Chúng bay lượn khắp nơi và thường tìm các lỗ được đúc sẵn trên các cột điện hay lỗ tự nhiên trên thân cây để tìm chỗ trú cho đàn.

Khi những con ong "sứ" bắt đầu tìm kiếm chỗ xây tổ, trú đông cho cả đàn thì những người “thợ săn” chia nhau tỏa ra từng nhóm 2 - 3 người, căng tai, dõi mắt để nghe tiếng bay vo vo của ong "sứ".

Khi phát hiện ong "sứ", người săn ong sẽ nhanh chóng dùng vợt để bắt. Sau đó, khéo léo cho ong "sứ" vào các tổ ong mồi và bịt kín nhốt khoảng 1 - 2 phút sau đó mở cửa.

Ông Trần Văn Hải ở xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn đang săn ong “sứ” cho biết, khi bắt được ong “sứ” cho vào ống mồi đã treo sẵn, nó sẽ thám thính trong ống mồi, nếu thấy đây là nơi lý tưởng để xây tổ thì ong "sứ" sẽ bay đi gọi đàn.

Theo các “thợ săn” ong thì tổ ong mồi là một khúc gỗ cong, thường bằng gỗ mít, được khoan đục rỗng ở giữa, hai đầu bịt kín và khoét một cái cửa nhỏ ở giữa. Trước khi săn ong, người ta dùng mật ong nguyên chất quệt một ít vào phía trên thành tổ để tạo mùi hấp dẫn. Khi đến địa điểm có ong "sứ" xuất hiện, “thợ săn” treo hàng chục ống mồi xung quanh khu vực đó để chuẩn bị sẵn sàng nhốt ong "sứ".

Từ khi ong "sứ" bị bắt đưa vào ống mồi đến hết quá trình những đợt ong liên tiếp đến được gọi là quá trình "ong thăm". Lúc con ong "sứ" rời tổ ong mồi bay đi sẽ có hai khả nnăg: một là nó bỏ đi tìm chỗ khác, hai là nó về gọi đàn.

Nếu đợi khoảng 3 - 7 phút không thấy ong trở lại, người săn ong biết là thất bại và phải tìm con khác làm lại quy trình từ đầu, với hy vọng đàn ong sẽ kéo về.

Trong hàng chục ống ong mồi treo cùng lúc, cùng địa điểm nhưng ong “sứ” chỉ chọn 1 ống để gọi đàn về. Sau khi đàn ong vào hết trong tổ, người săn ong sẽ dùng lá cây hoặc giấy bịt lỗ lại và đưa cả tổ ong mồi cùng đàn ong trong đó về nhà.

Trong một mùa săn ong, khoảng 3 tháng, có người được ong về liên tục nhưng cũng có người chỉ được một vài tổ. Thời điểm hiện nay, bình quân 1 đàn ong có giá 300 nghìn đồng, đàn đông “quân” 500 nghìn đồng.

Trần Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bi-quyet-du-ong-rung-ve-nuoi-lay-mat-post191629.html