Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông: Nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác dân vận

Đắk Nông là tỉnh có đường biên giới dài, nhiều đồng bào các dân tộc cùng sinh sống, điều kiện kinh tế còn khó khăn, tình hình an ninh trật tự còn tiềm ẩn nhiều phức tạp.

Do đó, cùng với cấp ủy, chính quyền tỉnh, công tác dân vận luôn được Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông đặc biệt quan tâm. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đỗ Nguyên Hoài, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Đồng chí cho biết đánh giá về việc triển khai công tác dân vận của Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông thời gian qua?

Đại tá Đỗ Nguyên Hoài: Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông luôn nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong góp phần ổn định đời sống nhân dân, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, củng cố niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, Quân đội. Vì vậy, thời gian qua, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với xây dựng đơn vị “Dân vận tốt” và Phong trào “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” với những cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, góp phần tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.

Đảng bộ Quân sự huyện Cư Jút hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo tại buôn Nui (xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút). Ảnh: AN LÊ

Đảng bộ Quân sự huyện Cư Jút hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo tại buôn Nui (xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút). Ảnh: AN LÊ

PV: Những mô hình dân vận nổi bật đã được Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông triển khai có hiệu quả trong thời gian qua là gì, thưa đồng chí?

Đại tá Đỗ Nguyên Hoài: Đến nay, Bộ CHQS tỉnh đã xây dựng được 12 mô hình “Dân vận khéo” trong toàn LLVT tỉnh, các mô hình có giá trị cả về kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, một số mô hình tiêu biểu như: “Mỗi chi bộ giúp một hộ dân thoát nghèo bền vững”, hay mô hình “Xã hội hóa xây dựng nhà đồng đội”. Từ đầu năm 2022 đến nay, hai mô hình này đã giúp hơn 30 hộ nghèo với tổng số tiền gần 800 triệu đồng; xây dựng hai ngôi nhà cho bộ đội xuất ngũ có hoàn cảnh khó khăn trị giá 150 triệu đồng, qua đó tạo động lực để các hộ dân vươn lên phát triển kinh tế tại địa phương.

PV: Đối với một tỉnh đặc thù như Đắk Nông, công tác dân vận đặt ra những vấn đề gì, thưa đồng chí?

Đại tá Đỗ Nguyên Hoài: Đắk Nông là tỉnh nằm ở phía Nam Tây Nguyên, phía Tây giáp tỉnh Mondulkiri (Campuchia) với đường biên giới dài 141km, diện tích tự nhiên hơn 650.000ha. Tỉnh cũng là nơi sinh sống của 40 dân tộc anh em với 3 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo và Tin lành. Trong những năm qua, kinh tế của tỉnh phát triển với tốc độ tăng trưởng khá, hạ tầng được chú trọng đầu tư, đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân từng bước được cải thiện; quốc phòng, an ninh được tăng cường, giữ vững và ổn định; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy.

Tuy nhiên, với đặc thù địa phương là một tỉnh còn nghèo, nhiều dân tộc cùng sinh sống; tình hình an ninh trật tự còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp... đặt ra cho công tác dân vận một số vấn đề như: Việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn do bà con ở nhiều thôn, buôn, bon thường xuyên phải đi làm ăn xa; ở vùng biên giới địa hình phức tạp, trình độ nhận thức của nhân dân còn thấp, nhẹ dạ, dễ tin nên dễ bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng; lực lượng cán bộ làm công tác dân vận còn mỏng, chủ yếu là kiêm nhiệm và trình độ hiểu biết về truyền thống, phong tục, tập quán các dân tộc, khả năng nói tiếng đồng bào còn hạn chế... trong khi các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

PV: Thưa đồng chí, trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông tập trung vào giải pháp gì để nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong thời gian tới?

Đại tá Đỗ Nguyên Hoài: Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục quán triệt thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện xây dựng mô hình “Dân vận khéo”; mỗi cơ quan, đơn vị duy trì và phát triển ít nhất một mô hình hướng trọng tâm vào tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, giúp nhân dân giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh công tác kết nghĩa và thực hiện tốt chương trình phối hợp hoạt động với các tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương bằng việc làm cụ thể. Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục cùng với các sở, ban, ngành tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông những chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông cũng tập trung bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kiến thức dân tộc, trình độ nói tiếng dân tộc thiểu số cho lực lượng cán bộ, chiến sĩ làm công tác dân vận và đội ngũ cán bộ thường xuyên tiếp xúc với nhân dân; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

LÊ HIẾU (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bo-chqs-tinh-dak-nong-nang-cao-nang-luc-cho-doi-ngu-lam-cong-tac-dan-van-735908