Bộ Tài chính lên kế hoạch cấp vốn cho Agribank

Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy định về tăng vốn cho các tổ chức tín dụng có vốn nhà nước, cấp vốn, bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước, nhất là đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Bộ Tài chính vừa ban hành Kế hoạch hành động triển khai Quyết định số 689 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025".

Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy định về tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước.

Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy định về tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước.

Theo đó, trong giai đoạn 2022 - 2025, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy định về tăng vốn cho các tổ chức tín dụng có vốn nhà nước; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước; tham mưu cho Chính phủ bố trí, cấp vốn, bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước, nhất là đối với Agribank.

Ngoài ra, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định hướng dẫn về chế độ tài chính, chế độ kế toán để các tổ chức tín dụng áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) phù hợp với Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ (trong đó có khoản nợ xấu) nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thẩm định giá khoản nợ, đảm bảo khách quan trong thẩm định giá các khoản nợ (trong đó có nợ xấu)…

Tại quyết định, Bộ Tài chính giao thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo việc triển khai thực hiện và cụ thể hóa các nhiệm vụ theo quy định. Các đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ trước ngày 15/11 hàng năm có văn bản gửi Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính về việc tổng kết, đánh giá tình hình triển khai nhiệm vụ được giao.

Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính có trách nhiệm làm đầu mối tổng hợp, trình Bộ có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước ngày 30/11 hàng năm về việc tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao của Bộ Tài chính quy định tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau 4 năm thực hiện, các mục tiêu tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 cơ bản đã đạt được, trong đó quy mô hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng; năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành tiếp tục được củng cố, nâng cao…

Tuy nhiên, so với các nước trên thế giới và trong khu vực thì tiềm lực tài chính của toàn hệ thống tổ chức tín dụng của Việt Nam vẫn thấp.

Trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất là vào khoảng 3,8 tỷ USD, mức này thấp hơn rất nhiều so với một số nước trong khu vực, ví dụ như Malaysia, Singapore, mức vốn chủ sở hữu của ngân hàng lớn nhất cũng phải 14-19 tỷ USD.

Vì thế, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước đề xuất với các cấp có thẩm quyền là trong quá trình tái cơ cấu hệ thống, các tổ chức tín dụng cần phải tăng vốn, củng cố tiềm lực về vốn trong hoạt động.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 3/2022, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 170 nghìn tỷ đồng, không thay đổi so với cuối năm 2021; tổng tài sản đạt 6.719,44 nghìn tỷ đồng, tăng 5,17%; vốn huy động thị trường 1 đạt 5.625,25 nghìn tỷ đồng, tăng 2,9%.

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, tính đến cuối tháng 3/2022, vốn điều lệ đạt 400,23 nghìn tỷ đồng, tăng 1,69% so với cuối năm 2021; tổng tài sản đạt 7.372,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,08%; vốn huy động thị trường 1 đạt 215.396,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9%.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/bo-tai-chinh-len-ke-hoach-cap-von-cho-agribank-1087373.html