Bữa nào phải về Cà Mau

Chưa bao giờ đi Cà Mau thì bây giờ đi là đúng rồi. Kẻo mấy năm sau, khi có cơ hội xuống đất Mũi, có khi đất ấy không còn giữ được cái thi vị ngày nào nữa.

Đóng máy. Tôi bước ra khỏi trường quay khi trời đã xẩm tối. Buổi ghi hình kéo dài từ sáng tới giờ không làm tôi mệt mỏi nhưng việc ngồi trong trường quay khiến đầu óc như tù lại, nặng chịch. Khẽ vươn vai làm vài động tác cho giãn gân cốt, tôi nhìn về phía tổ quay phim. Họ cũng đang hối hả thu dọn máy móc. Hôm nay, họ hẹn tôi, ghi hình xong mấy anh em kiếm chỗ nào ngồi lai rai.

Cái quán nhỏ cũng gần trường quay vốn là chỗ quen thuộc của tổ máy cũng lâu rồi thì phải? Thế nên chỉ cần Hợp, tổ trưởng, "hiệu lệnh" ngắn gọn thôi là chừng ba chục phút sau tất cả đã có mặt. Gọi nhanh mấy món, Hợp khui bia và nâng ly mời. Tính ra, tôi và Hợp làm việc chung với nhau ở bao nhiêu chương trình truyền hình cũng 12 năm trời rồi. Vậy mà đây mới là lần đầu tiên tôi đi nhậu cùng Hợp.

Quán ở một quận vùng ven nhưng mọi thứ phải nói là sạch sẽ, ngăn nắp, và phục vụ chu đáo. Thoáng nghĩ, nhiều quán ở trung tâm, hoành tráng là, nổi danh lẫy lừng là… nhưng có khi khâu quản lý nhân viên phục vụ chưa chắc khoa học bằng cái quán nhỏ này. Khách đông, nhân viên không quá nhiều nhưng thực sự tôi không thấy nhân viên nơi đây bị rối. Lạ lùng là họ luôn biết cách nở nụ cười với khách, kể cả loại khách mặt khó ó đâm như tôi.

"Em ơi", Hợp gọi nhân viên, "Nói bếp coi lại cái nghêu này nha. Anh thấy nó không ổn". Tôi trở lại thực tại với câu phàn nàn ấy của Hợp. Đúng là dù ai cũng đang đói ngấu ra nhưng anh em không ai đụng đũa vào hai thố nghêu hấp sả. "Dạ, nghêu làm sao vậy anh?", cậu nhân viên khẽ hỏi. "Ừ, anh không nói đâu. Nhưng không được như mọi hôm. Nói chung có vấn đề. Cứ đưa vô bếp nói bếp vậy là hiểu", Hợp đáp. Rồi đợi nhân viên đi khỏi, nó mới rỉ rả đại ý rằng nghêu ấy là loại đã ngộp rồi, nên ăn không tươi. "Quê em Cà Mau mà. Mấy đồ hải sản này em rành lắm", Hợp nói thêm.

Rồi chuyện lân la sang quê nó. Nào là chuyện mấy "chị Hai" dưới miệt ấy uống rượu như thế nào, ra lệ phạt ra sao cho tới chuyện con tôm, cái cá. Rồi hứng lên, Hợp cất một câu vọng cổ, đúng cái chất người miền Tây sang sảng. Nó vỗ đùi tôi cái đét mà rằng "Em mời anh cuối tháng này về Cà Mau với em. Vui lắm. Em chở anh đi. Về nhậu dưới đó một trận mới đã". Tôi, theo thói quen, gật đầu nhưng miệng nói "ừ, cho anh về coi thu xếp công việc sao. Nhà cũng lu bu quá". Thực tình, khi đã hứa suông kiểu ấy, hiếm khi tôi thực hiện lời.

Ảnh: L.G.

Ảnh: L.G.

Như đọc được ý nghĩ của tôi, Hợp móc điện thoại và kéo tôi coi bằng được một đoạn video nó ghi lại cách đây chưa lâu. "Đây, anh coi, thằng em họ em nó nuôi nè. Cả bầy luôn. Bữa nào em về nó cũng gửi em một cặp mang lên thành phố". Tôi ghé mắt nhìn, và chăm chú hẳn. Đó là cặp gà nước thì phải? Tôi không chắc nó là loài gì nhưng chắc chắn đó là loài hoang dã. Cặp chim hay gà chi đó chỉ cỡ bằng con gà tre, thậm chí nhỏ hơn, nhưng ánh lên cái sắc xanh xanh rất lạ.

"Con này quê em kêu con chích. Thằng em họ em nó có tay lắm. Hoang dã vậy mà nó thuần hóa nuôi được cả bầy đó. Nhưng nó không có bán. Nuôi chơi, có khách xuống thì bắt một cặp làm mồi. Bén lắm anh", Hợp nói liến thoắng. Tôi sực nhớ chuyện của ba một người bạn, ở Cam Ranh, nhà giáp núi. Ông ấy cũng thuần hóa được lũ gà rừng hay về vườn nhà ông kiếm mồi. Rồi đám gà ấy sinh sôi nảy nở ngay trong vườn nhà. Sáng sáng chúng vào núi "chơi".

Chiều chiều lại về vườn tót lên chạc cây mà đậu. Có người xuống nói ông mở rộng tăng gia, họ sẽ mua nhập vô nhà hàng của họ để bán, ông lắc đầu nguây nguẩy cười. Ông nuôi chơi, thi thoảng có khách quý thì bắt một cặp làm thịt, coi ấy là lộc trời. Mà với ông, lộc trời biết hưởng thì lai rai còn hoài. Cứ tham lam quá thì chẳng bao giờ còn gặp lại nữa.

Tôi kể chuyện gà rừng ấy cho mấy anh em tổ máy nghe. Và họ cũng kể lại cho tôi chuyện gà rừng quê họ. Trong những câu chuyện ấy, đọng lại chuyện về những ổ trứng gà rừng hoang dã trong rẫy năm nào của một cậu mới lên thành phố làm quay phim được ba bốn năm gì đó. "Xưa, quê em trứng gà rừng trong rẫy nhiều lắm anh. Chẳng ai đụng vô. Ông bà dạy là lấy trứng gà rừng xui xẻo lắm. Vậy mà bây giờ thì chẳng còn nữa. Gặp ổ trứng như thế tụi trẻ con nó hốt tất. Chẳng ai dạy chúng nó kiểu như ông bà xưa".

Ảnh: L.G

Ảnh: L.G

Tôi giật mình. Phải nói là ông bà mình xưa hay thật. Cái lời dạy ấy có phải là một thứ triết lý sống được hệ thống lại từ nhiều đời khi con người sống gần gũi với thiên nhiên, dựa vào tự nhiên mà sinh tồn hay không? Tôi không dám quả quyết vậy. Nhưng tôi tin rằng đó là một thái độ bảo vệ tự nhiên một cách bản năng nhất.

Người xưa có ăn thịt gà rừng không? Chắc có quá đi chứ. Nhưng họ giữ ổ trứng gà rừng lại là vì lẽ gì? Dám chắc luôn, họ nghĩ không giữ những ổ trứng ấy, lấy đâu ra gà rừng mà ăn. Và để trẻ con đừng phá những ổ trứng hoang dã kia, họ ám thị chúng bằng cái thứ gọi là xui xẻo. Có xui xẻo thật không nhỉ? Như chúng tôi cũng từng bị ám thị suốt thuở nhỏ về chuyện chim sa vô nhà.

Nếu cố mà giữ lấy những con chim sa lạc ấy, chắc chắn sẽ gặp điềm gở. Đó là những gì tuổi thơ tôi được dạy. Và vì thế, dù ở thành phố không có được nhiều chim chóc tự nhiên như ở quê, gặp con chim sa lạc vô nhà, thích lắm nhưng bao giờ chúng tôi cũng thả đi. Nó như kiểu một ám thị về chuyện "đừng giữ tài sản của giời". Con chim, cái chóc cũng là tài sản của giời. Tham lam mà giữ lấy cho mình, giời đày.

"Giờ con người mình phạm nhiều quá anh ha?", Hợp kéo tôi lại với cuộc nhậu bằng câu hỏi đó. Lại lần nữa tôi phải giật mình vì những điều các em nói. Cái chữ "phạm" nó hay gì đâu, nó đắt gì đâu khi đặt vô ngữ cảnh này. Đúng là con người phạm vào thiên nhiên nhiều quá. Như chuyện ổ trứng gà rừng ở trên cũng vậy thôi. Rõ ràng là con người xui xẻo rồi, khi cứ liên tục phạm những ổ trứng tự nhiên đó. Xui xẻo nhất là gà rừng ngày càng vắng trong tự nhiên. Mà phàm trong tự nhiên, một loài vắng đi dễ dẫn tới nguy cơ nhiều loài phải vắng tiếp bởi một mắt xích trong chuỗi thức ăn đã bị phá vỡ.

Dòng suy nghĩ ấy dẫn tôi về câu chuyện đang xảy ra trên tinh cầu này hôm nay. Loài người rõ ràng là loài thống trị chuỗi thức ăn và cuối cùng, ngạo nghễ trên ngai của mình, giống loài ấy phá vỡ từng mắt xích một. Bảo sao cái vị con cua đồng ngày xưa nó ngon đến lạ mà sao bây giờ nó nhạt thếch, tanh tao và hoi hoi kỳ kỳ. Và rồi, phá vỡ các mắt xích của chuỗi thức ăn tự nhiên chưa đã, loài người hủy hoại chính đồng loại của mình một cách phi lý.

Câu chuyện nước Mỹ nói riêng và nhiều nước châu Mỹ nói chung là ví dụ điển hình nhất. Những người da trắng đâu phải chủ nhân của lục địa ấy. Vậy mà bây giờ, họ hành xử như những chủ nhân duy nhất với mọi rào cản đối với những con người đến từ những vùng đất khác, quốc gia khác. Bức tường nhập cư vẫn được nói tới giữa Mỹ và Mexico chính là thứ hữu hình của rào cản ý chí kia. Thật lạ kỳ, anh là người tự do tới vùng đất này, giành tranh nó với người bản xứ để từ đó lập quốc.

Để rồi sau này, anh khoanh quốc gia của mình trong một vòng ý chí phòng thủ trước mọi ý nguyện di chuyển tự do tìm đất sống của những con người khác. Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ nghèo như Mexico và ngược lại Mexico giàu như Mỹ hôm nay nhỉ? Cái giả thuyết ấy nếu trở thành hiện thực trong một lần, chắc sẽ nhiều chuyện cười ra nước mắt.

Đã không ít lần tôi tưởng tượng rằng nếu như thế giới không bị thống trị bởi giống loài của chúng ta, mà có sự cạnh tranh từ một giống loài nữa thì sao nhỉ? Chẳng hạn như người Neanderthal không biến mất và họ trở thành một chủng loài mạnh mẽ, văn minh ngang tầm hoặc nhỉnh hơn chúng ta thì sao nhỉ?

Lúc ấy, cái ý thức độc tôn hẳn sẽ không còn và thái độ sống sẽ phải nhún nhường hơn, dẫn tới chúng ta cũng nhún nhường hơn trước thiên nhiên. Hay chẳng hạn như chủ nhân những hình vẽ ở cao nguyên Nazca, Peru là một nền văn minh thuộc về một giống loài ưu việt nào đó và giống loài ấy vẫn còn tồn tại mạnh mẽ khi người Âu châu đặt chân lên châu Mỹ thì sao nhỉ?

Hoặc là bỗng dưng một ngày, tất cả các động vật trên trái đất bỗng chung một ý thức và chúng "biểu tình" chống lại con người, gây ra những hỗn loạn còn ghê gớm hơn những hỗn loạn nhân danh chủng tộc đang tràn lan khắp nước Mỹ thì chúng ta sẽ đối phó thế nào? Thế giới hẳn đã khác. Chúng ta hẳn đã khác.

Nhưng so với lịch sử, thế giới vẫn đã và đang khác đi, theo cái cách mà tự con người đã thò bàn tay thô bạo của mình vào can thiệp. Cái gọi là đặc sản riêng của từng vùng địa lý, của từng mùa tự nhiên đã dần mai một nhiều. Thay vào đó là những sản phẩm tương tự được "cưỡng bức" sản sinh ra bởi con người, chỉ để phục vụ nhu cầu rất tầm thường của những chủ nhân vị kỷ. Thế hệ chúng ta sẽ không phải trải qua.

Thế hệ con chúng ta sẽ không phải trải qua. Nhưng rồi sẽ một thế hệ nào đó phải bắt đầu sống trong một trần gian đọa đày chỉ toàn người với người mà thôi, đối diện nhau thù nghịch. Ấy chính là viễn cảnh mà không ít tôn giáo đã khải huyền. Chỉ có điều, chúng ta không bao giờ bận tâm đến viễn cảnh đó. Chúng ta chỉ cần hiện tại, chỉ cần lúc này, khi cái chúng ta muốn là chúng ta phải có nó bằng mọi giá.

Người bồi bàn đã mang ra hai thố nghêu hấp mới để thay cho hai thố cũ bị Hợp "phàn nàn". Tôi dừng mọi suy nghĩ miên man, không đầu không cuối để nhập cuộc lại với họ. Và rồi tôi nâng ly, quả quyết nói với Hợp: "Anh sẽ về Cà Mau với em". Khi tôi hứa lời ấy, chắc chắn là tôi sẽ làm. Chưa bao giờ đi Cà Mau thì bây giờ đi là đúng rồi. Kẻo mấy năm sau, khi có cơ hội xuống đất Mũi, có khi đất ấy không còn giữ được cái thi vị ngày nào nữa. Con người mà. Ai biết được họ sẽ làm những gì? Ai đoán trước nổi họ sẽ khiến một mảnh đất đổi thay đến mức nào.

Dứt khoát, bữa nào tôi sẽ phải về Cà Mau…
Hà Quang Minh

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/bua-nao-phai-ve-ca-mau-600324/