Các bộ nhất trí chủ trương mở lại các đường bay quốc tế

Chiều 9/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp bàn về kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế từ ngày 15/12 theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: VGP).

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: VGP).

Tại cuộc họp, Bộ Giao thông vận tải đề xuất 2 giai đoạn thí điểm khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ chở khách quốc tế vào Việt Nam.

Trong giai đoạn 1 (hai tuần từ thời điểm áp dụng, dự kiến bắt đầu thực hiện từ ngày 15/12), tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các thị trường: Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc-Đài Loan (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Viêng Chăn (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Hoa Kỳ). Các chuyến bay quốc tế trong thời gian này sẽ về 2 cảng hàng không quốc tế là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Tần suất hoạt động 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 14.000 người/tuần).

Giai đoạn 2 (thực hiện trong thời gian 1 tháng, kể từ khi kết thúc giai đoạn 1) dự kiến bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2022…

Phát biểu ý kiến, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, việc khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế là yêu cầu của thực tiễn trong tình hình bình thường mới, đặc biệt trước nhu cầu đi lại tăng cao trong thời điểm cuối năm. Đây mới là giai đoạn thí điểm, do đó lựa chọn một số nước có hệ số an toàn cao, thực hiện trên cơ sở có đi có lại. Hành khách nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay phải đáp ứng quy định về phòng, chống dịch bệnh; tiêm đủ 2 mũi vaccine, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có xét nghiệm PCR âm tính trong thời gian 72 giờ trước khi lên máy bay...

* Chiều 9/12, tại Trụ sở Chính phủ, Tổ công tác số 4 về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Tổ trưởng có buổi làm việc với lãnh đạo 3 địa phương là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên về những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số vốn giải ngân kế hoạch năm 2021 của 3 địa phương tính đến ngày 30/11 đạt khoảng 29.511,352 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 56,5% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm 2021 (thấp hơn bình quân chung của cả nước là 63,85%).

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, cần phân tích kỹ những nguyên nhân chủ quan, như giao vốn chậm, quy định chưa sát thực tiễn, nhất là khâu chuẩn bị các dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng. Các địa phương cần khắc phục khó khăn, phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành chuyên môn, nỗ lực cao nhất trong giải ngân vốn đầu tư công theo các mốc thời gian cụ thể. Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo về tiến độ giải ngân của các tỉnh, thành phố Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, trong đó phân định rõ phần vốn đầu tư công của các dự án chuyển tiếp từ năm 2020 sang năm 2021; các dự án mới được phân bổ vốn và cam kết hoàn thành giải ngân của các bộ, cơ quan Trung ương theo các mốc thời gian cụ thể; làm rõ nguyên nhân các dự án ODA chậm giải ngân…

Cùng ngày, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam tổ chức diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF 2021).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh tới dự và phát biểu chỉ đạo. Phó Thủ tướng khẳng định: Chính phủ Việt Nam đã lồng ghép các chỉ tiêu phát triển bền vững vào tất cả chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và được tổng kết hằng năm để đánh giá những tiêu chí, công việc đã làm được, cũng như các thách thức đặt ra. Việc hoàn thành hết 17 mục tiêu phát triển bền vững là thách thức rất lớn với tất cả các quốc gia, kể cả những nước phát triển nhất.

Đến thời điểm này, Việt Nam hoàn thành 2 mục tiêu về giáo dục, tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm, đồng thời tiếp tục đưa ra những cam kết rất mạnh mẽ về các chỉ tiêu khác trong quá trình thực hiện phát triển bền vững, nhất là các chỉ tiêu về hạ tầng, tài nguyên đất liền, tài nguyên biển do khoảng cách còn rất lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp phải xác định thực hiện phát triển bền vững, xây dựng văn hóa phát triển bền vững như giải pháp phục hồi và phát triển trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Những doanh nghiệp có sự cam kết mạnh mẽ, bền bỉ, kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển bền vững trong nhiều năm qua đã tự tạo ra được “kháng thể” trước đại dịch, duy trì ổn định hoạt động và tăng trưởng trong kinh doanh, hỗ trợ đắc lực cho Chính phủ, các cơ quan quản lý và cộng đồng trong thực hiện mục tiêu kép.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/cac-bo-nhat-tri-chu-truong-mo-lai-cac-duong-bay-quoc-te-677625/