Các yếu tố nguy cơ khiến phụ nữ mắc tiền sản giật

Tiền sản giật là căn bệnh nguy hiểm phụ nữ chỉ có thể mắc phải khi mang thai. Nó thường xảy ra sau 20 tuần của thai kỳ.

 Tiền sản giật là một trong những bệnh nguy hiểm nhất ở phụ nữ mang thai, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và bé. Ảnh: Adobe Stock.

Tiền sản giật là một trong những bệnh nguy hiểm nhất ở phụ nữ mang thai, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và bé. Ảnh: Adobe Stock.

Theo Nebraska Medicine, tiền sản giật có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm suy gan hoặc suy thận, co giật cùng các vấn đề về đông máu nếu không được điều trị. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể gây tử vong cho cả mẹ và trẻ sơ sinh.

Nguyên nhân gây tiền sản giật

Tiền sản giật được cho là do nhau thai gây ra. Tuy nhiên, khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác cơ chế gây bệnh.

Tiến sĩ y khoa Carly Jennings, bác sĩ sản khoa và phụ khoa tại Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ Olson (Mỹ), giải thích: “Thông thường, chúng ta nhận thấy lưu lượng máu từ nhau thai đến em bé có vấn đề. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thai nhi tăng trưởng chậm, lưu lượng máu qua nhau thai bất thường và sinh non”.

Một số tình trạng có thể khiến bệnh nhân có nguy cơ mắc chứng tiền sản giật cao hơn, bao gồm:

Mang đa thai
Thai phụ cao tuổi (35 tuổi trở lên)
Mang thai lần đầu
Tăng huyết áp mạn tính
Tiểu đường trước khi mang thai

 Nhức đầu, uống acetaminophen không đỡ là một trong những triệu chứng của tiền sản giật. Ảnh: SOG Health.

Nhức đầu, uống acetaminophen không đỡ là một trong những triệu chứng của tiền sản giật. Ảnh: SOG Health.

Triệu chứng của tiền sản giật

Người bị tiền sản giật thường có huyết áp cao (trên 140/90). Họ cũng có thể có lượng protein cao trong nước tiểu, đây là dấu hiệu của rối loạn chức năng thận. Tăng huyết áp thai kỳ là khi bạn bị huyết áp cao nhưng không có protein trong nước tiểu.

Tiến sĩ Jennings giải thích: “Tiền sản giật có thể được coi là bệnh rò rỉ mạch máu. Đó là lý do bạn có thể thấy một số triệu chứng nhất định ở người mẹ. Triệu chứng sưng chi dưới là phổ biến, song bạn cũng có thể thấy sưng ở những nơi khác như bụng hoặc tay”.

Các dấu hiệu khác của tiền sản giật bao gồm:

Nhức đầu, uống acetaminophen không đỡ
Thị lực thay đổi (nhìn thấy đốm đen, đốm đen bay trước mắt, nhạy cảm với ánh sáng)
Đau hạ sườn phải dữ dội
Sưng tấy (phù nề) ở tay và mặt

Đôi khi, tiền sản giật không có triệu chứng. Bạn có thể không biết mình mắc bệnh cho đến khi bác sĩ kiểm tra huyết áp và nước tiểu khi khám thai trước sinh. Do đó, phụ nữ mang thai nên thảo luận về bất kỳ triệu chứng mình có với bác sĩ.

Phân biệt với sản giật và tiền sản giật sau sinh

Sản giật là tình trạng tiền sản giật nặng gây co giật. Nó được coi là một biến chứng của tiền sản giật. Nhưng sản giật có thể xảy ra ngay cả khi bạn chưa được chẩn đoán mắc tiền sản giật. Trong một số ít trường hợp, sản giật có thể dẫn đến hôn mê, đột quỵ hoặc tử vong.

Tiền sản giật sau sinh xảy ra sau khi sinh. Các triệu chứng thường bắt đầu trong vòng vài ngày đến một tuần sau khi sinh. Trong một số ít trường hợp, bệnh có thể bắt đầu vài tuần sau khi sinh.

 Nếu có các triệu chứng tiền sản giật nghiêm trọng, bệnh nhân cần nhập viện để theo dõi huyết áp và sức khỏe thai nhi chặt chẽ. Ảnh: Atrium Health.

Nếu có các triệu chứng tiền sản giật nghiêm trọng, bệnh nhân cần nhập viện để theo dõi huyết áp và sức khỏe thai nhi chặt chẽ. Ảnh: Atrium Health.

Cách điều trị tiền sản giật

Bác sĩ sẽ đề nghị phương pháp điều trị dựa trên mức độ nghiêm trọng của chứng tiền sản giật và khoảng thời gian mang thai của bạn. Nếu bạn bị tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật mà không có biểu hiện nghiêm trọng, bác sĩ sẽ theo dõi bạn chặt chẽ thông qua các cuộc hẹn ngoại trú.

Thông thường, bệnh nhân tiền sản giật có thể mang thai đủ tháng, sinh ở tuần thứ 37. Tuy nhiên, nếu thai nhi gặp vấn đề trong phát triển với lưu lượng máu bất thường, bác sĩ có thể đề nghị sinh sớm.

Tiến sĩ Jennings cho biết: “Nếu bị tiền sản giật với các biểu hiện nghiêm trọng, bạn sẽ được nhập viện để theo dõi chặt chẽ huyết áp, xét nghiệm và sức khỏe của thai nhi cho đến khi sinh ở tuần thứ 34. Tuy nhiên, em bé có thể được sinh ra trước 34 tuần nếu cần thiết để hỗ trợ sức khỏe của mẹ hoặc bé”.

Trong quá trình chuyển dạ và sau khi sinh, bạn có thể được tiêm tĩnh mạch magie để ngăn chặn các cơn co giật. Trong hầu hết trường hợp, việc sinh em bé và nhau thai sẽ giải quyết được tình trạng tiền sản giật. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ theo dõi sản phụ trong vài tuần để đảm bảo các triệu chứng biến mất.

Nguyên Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-yeu-to-nguy-co-khien-phu-nu-mac-tien-san-giat-post1425838.html