Cải thiện môi trường đầu tư: Kỳ vọng hành động thực chất

Hiện vẫn còn không ít những 'rào cản' trong cải thiện môi trường đầu tư khiến hoạt động và sự lớn mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân chưa được như kỳ vọng.

Hiện vẫn còn không ít những vướng mắc khiến hoạt động và sự lớn mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân chưa được như kỳ vọng. Vì vậy, việc tiếp sức cũng như tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt cần những giải pháp cụ thể hơn, căn cơ hơn cả trong ngắn hạn và lâu dài.

Đó là thông điệp được nhấn mạnh tại buổi tọa đàm trực tuyến "Cải thiện môi trường đầu tư: Tiếp sức cho doanh nghiệp Việt" do Báo Công Thương tổ chức ngày 19/9 tại Hà Nội.

Các diễn giả tham gia chương trình tọa đàm "Cải thiện môi trường đầu tư: Tiếp sức cho doanh nghiệp Việt" - Ảnh: Cấn Dũng

Các diễn giả tham gia chương trình tọa đàm "Cải thiện môi trường đầu tư: Tiếp sức cho doanh nghiệp Việt" - Ảnh: Cấn Dũng

"Tiếp sức" từ cơ chế, chính sách

Xác định rõ vai trò của các doanh nghiệp Việt trong phát triển và xây dựng đất nước, nhiều năm qua, Đảng, Chính phủ và cả bộ máy chính trị đã có nhiều quyết sách, văn bản chỉ đạo cụ thể để hỗ trợ lực lượng nòng cốt của phát triển kinh tế đất nước. Gần đây nhất, Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới có thể xem là kim chỉ nam, là định hướng xuyên suốt của Đảng đối với một bộ phận nhân lực, tiềm lực quan trọng trong phát triển và xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.

Hiện thực hóa Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam với những mục tiêu cụ thể. Theo đó, từ nay đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỉ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn. Hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín trong khu vực và quốc tế.

Định hướng đã rõ ràng, chiến lược đã cụ thể và thực tế là thời gian qua Chính phủ và các bộ ngành, địa phương cũng đã có những cơ chế, chính sách để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp.

Với khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% vào GDP cả nước, một phần ba thu ngân sách nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội và tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước.

Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân còn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam khi chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nguồn vốn từ khu vực kinh tế tư nhân đóng góp lớn cho phát triển kinh tế-xã hội, tăng từ 51,3% năm 2016 lên đến 59,5% năm 2021.

Không để tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng cho rằng, sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân Việt Nam thời gian qua là nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh từ Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương.

Ông Hoàng Đình Kiên - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tiếp vận Hòa Phát - Ảnh: Cấn Dũng

Ông Hoàng Đình Kiên - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tiếp vận Hòa Phát - Ảnh: Cấn Dũng

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Đình Kiên - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tiếp vận Hòa Phát cho biết, môi trường kinh doanh đã cải thiện rất nhiều trong những năm qua. Công ty cổ phần tiếp vận Hòa Phát là một trong nhiều đơn vị được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách dành cho khối doanh nhân tư nhân. Cụ thể, về môi trường đầu tư, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào kho bãi tại các địa phương, phục vụ khu công nghiệp và doanh nghiệp FDI.

Đồng thời doanh nghiệp cũng đầu tư mở rộng đội xe, hiện đã gần 400 xe. Tăng trưởng đầu tư tài sản đã lên đến khoảng 15 lần và doanh thu cũng tăng trưởng tương ứng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh những kết quả đạt được, mới đây các cuộc khảo sát của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng bộc lộ một số băn khoăn của doanh nghiệp. Đơn cử như trở ngại trong tiếp cận đất đai, môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng, biến động thị trường, biến động chính sách…

Luật sư Lê Anh Văn - Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - Ảnh: Cấn Dũng

Luật sư Lê Anh Văn - Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - Ảnh: Cấn Dũng

Chia sẻ cụ thể về vấn đề này Luật sư Lê Anh Văn - Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp vẫn còn phải đối mặt với một số thách thức. Một trong những trở ngại chính là sự chồng chéo và mâu thuẫn trong các quy định pháp luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án, nhất là trong việc tiếp cận đất đai và quy hoạch.

Thủ tướng đã thành lập Ban chỉ đạo rà soát văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục những bất cập này, nhằm tạo ra môi trường pháp lý minh bạch, nhất quán hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thực thi ở cấp cơ sở vẫn chưa được đồng bộ, dẫn đến hiện tượng "trên nóng, dưới lạnh”,nơi các chỉ đạo từ cấp cao không được thực hiện đầy đủ ở các cấp thấp hơn.

Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, có một số điểm cần cải thiện. Trong đó, cần nhắc đến đầu tiên là sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Bởi hiện đang xảy ra hiện tượng, cùng một thủ tục mà ở nơi này chậm hơn nơi khác, điều này đã tạo ra sự không công bằng giữa các doanh nghiệp. Hoặc cùng một thủ tục nhập khẩu, nhưng ở cảng này giải phóng hàng nhanh hơn, cảng kia chậm hơn thì sẽ có những doanh nghiệp có thể bị thiệt hại khi hàng được chuyển ra bán trước sẽ có lợi thế hơn các chuyến hàng sau.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Ảnh: Cấn Dũng

Đáng chú ý, ông Hiếu cho rằng, trong quá trình thực thi, cơ quan nhà nước có thể không sai về luật; cụ thể, quy định có thể cấp trong vòng 5 - 10 ngày nhưng đối với doanh nghiệp cấp sớm 1 - 3 ngày có thể là cơ hội kinh doanh và ngược lại, cấp muộn 1 - 3 ngày có thể là thiệt hại.

"Rõ ràng câu chuyện này có thể cải thiện được. Tôi nhìn thấy có nhiều thứ có thể cải thiện được nếu làm hết sức, luôn vì lợi ích của doanh nghiệp. Từ góc độ của doanh nghiệp rất mong thực thi chính sách phải tốt hơn chứ không chỉ đơn thuần là đúng luật. Trong kinh nghiệm quốc tế có câu "vượt lên trên sự tuân thủ" - tức là luật thì quy định thế này rồi nhưng người ta luôn mong muốn các đối tượng thực hiện tốt hơn ngay cả khi luật không yêu cầu", ông Hiếu nhận định.

Nhóm phóng viên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cai-thien-moi-truong-dau-tu-ky-vong-hanh-dong-thuc-chat-347852.html