Cải thiện môi trường đầu tư - Từ tư duy đến hành động

Để quyết liệt CCHC theo hướng đơn giản hóa, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho hoạt động của doanh nghiệp, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, củng cố, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh làm đầu mối theo mô hình

Theo đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 nhưng chính quyền tỉnh luôn duy trì tinh thần chủ động, quyết tâm đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ cải thiện MTĐT. BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TU ngày 18-6-2021 về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến đầu tư giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 16-7-2021 thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU. Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành Kế hoạch hành động về triển khai cải thiện MTĐT kinh doanh theo hướng bám sát mục tiêu chỉ đạo tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và giao nhiệm vụ cải thiện từng chỉ tiêu năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho các sở, ban, ngành, địa phương. Trong đó, tư tưởng xuyên suốt là: Phải tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chú trọng đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, coi nhiệm vụ cải thiện MTĐT là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tại phiên họp thường kỳ, hàng tháng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đều yêu cầu kiểm đếm cụ thể các nội dung nhiệm vụ liên quan đến cải thiện MTĐT. Các nhóm giải pháp, nhiệm vụ được thống nhất tập trung chỉ đạo đồng bộ là: Nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý, thực hiện quy hoạch để làm cơ sở xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư; tập trung huy động tối đa các nguồn lực để ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gồm: Xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh; đầu tư xây dựng các dự án giao thông quan trọng có tính lan tỏa, kết nối liên vùng (như tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển, tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh...). Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, xếp hạng các Chỉ số CCHC (Par Index), Chỉ số PCI của tỉnh thuộc nhóm khá của cả nước; giai đoạn 2021-2025, tổng vốn thu hút đầu tư trên địa bàn đạt trên 80 nghìn tỷ đồng, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 2,0 tỷ USD.

Đoàn Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam làm việc với tỉnh tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Nam Định.

Để quyết liệt CCHC theo hướng đơn giản hóa, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho hoạt động của doanh nghiệp, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, củng cố, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh làm đầu mối theo mô hình “một cửa” giải quyết TTHC cho các hoạt động đầu tư. Một trong những nỗ lực nổi bật về cải cách TTHC trong thời gian gần đây là các ngành, các địa phương đang đẩy mạnh phổ cập dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết TTHC. Cụ thể là triển khai Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, kết nối liên thông với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin điện tử cấp bộ. Hiện tại, doanh nghiệp đã có thể thực hiện hầu hết các TTHC trên môi trường mạng ở một số lĩnh vực như thuế, bảo hiểm xã hội, xuất nhập khẩu, giúp giảm chi phí so với hình thức nộp hồ sơ giấy tại cơ quan Nhà nước. Kết quả khảo sát ý kiến đánh giá của người dân, doanh nghiệp trên quy mô toàn quốc về chất lượng điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết vướng mắc và cung ứng dịch vụ công chính quyền cấp tỉnh (các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX) năm 2021 cho thấy: Nhiều doanh nghiệp đánh giá chính quyền tỉnh Nam Định đã hỗ trợ tích cực, hiệu quả doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vượt khó, nhất là đã gia tăng các giải pháp hỗ trợ, gỡ khó cho khu vực kinh tế tư nhân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gây nhiều tác động tiêu cực. Phần lớn các giải pháp mà doanh nghiệp quan tâm, mong muốn để nhanh chóng phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh an toàn đã được tỉnh hỗ trợ thực hiện hiệu quả, đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Đồng chí Doãn Quang Hùng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy lý giải, công tác thu hút đầu tư của huyện có được chuyển biến tích cực là khởi nguồn từ tư duy đổi mới, kiến tạo và hành động quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, nhất là vai trò của người đứng đầu địa phương. Để cải thiện MTĐT, thay vì bị động chờ nhà đầu tư tìm đến thì lãnh đạo cấp ủy, chính quyền huyện Giao Thủy đã chủ động kết nối, mời gọi nhà đầu tư. Không chỉ trong ngày làm việc, các ngày thứ 7, chủ nhật, ngày lễ luôn có lãnh đạo huyện thường trực để đón tiếp các doanh nghiệp về xúc tiến đầu tư mới hay phản ánh vấn đề phát sinh cần sự hỗ trợ của lãnh đạo địa phương. Thay vì để nhà đầu tư phải đi tìm hiểu, thăm dò tiếp cận riêng lẻ từng đầu mối cơ quan, huyện hỗ trợ kết nối giúp họ trong một buổi có thể làm việc với tất cả các phòng, ban, đơn vị liên quan, thống nhất giải quyết mọi TTHC cấp huyện, cấp xã đúng quy trình, pháp luật theo hướng nhanh gọn nhất.

Được hỗ trợ cung ứng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Công ty Cổ phần May Sông Hồng thuận lợi trong xây dựng, đưa Nhà máy may tại xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) vào hoạt động.

Năm 2021 PCI của tỉnh xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố với tổng số 64,99 điểm, tăng 16 bậc, từ nhóm trung bình năm 2020 vươn lên nhóm khá của cả nước; có 6/10 chỉ số thành phần PCI tăng điểm gồm: chi phí không chính thức, chi phí thời gian, tiếp cận đất đai, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; tính năng động của chính quyền tỉnh. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2021 của tỉnh đạt 86,40, tăng 3,83 điểm%, cũng tăng 7 bậc so với năm 2020. Các kết quả cho thấy trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Nam Định vẫn là nơi được các doanh nghiệp tin tưởng rót vốn đầu tư mới. Riêng năm 2021, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh đạt trên 90% mục tiêu tổng vốn thu hút đầu tư cả giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 18-6-2021 của Tỉnh ủy; số vốn đầu tư trong nước gấp trên 4,5 lần của cả giai đoạn 2016-2020, lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó có dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Mỹ Thuận 1.621 tỷ đồng; 3 dự án lớn do Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư, gồm dự án Nhà máy thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng, Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định, Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định, tổng mức đầu tư ban đầu là 70 nghìn tỷ đồng. Đến tháng 3-2022, sau khi được tỉnh chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, 2/3 dự án do Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư đã được bổ sung thêm 29 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư. Việc doanh nghiệp như Tập đoàn Xuân Thiện lựa chọn và quyết định đầu tư cùng lúc nhiều dự án với số vốn lớn như trên là minh chứng, thể hiện rõ nhất môi trường đầu tư ở Nam Định đang ngày càng hấp dẫn, được doanh nghiệp tin tưởng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 15 dự án đầu tư trong nước và 2 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 29.356 tỷ đồng và 5,04 triệu USD.

Những kết quả kể trên đã khẳng định sự đúng hướng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong chỉ đạo và các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện MTĐT. Nhờ đó, Nam Định đang được nhà đầu tư nhìn nhận là một điểm sáng trong cải thiện MTĐT, gia tăng khả năng thu hút các nhà đầu tư tiềm năng trong giai đoạn tiếp theo mở ra các cơ hội phát triển cho tỉnh.

(còn nữa)
Bài và ảnh: Thanh Thúy

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5084/202207/tac-pham-tham-du-giai-bao-chi-bua-liem-vang-lan-thu-vii-2022-cai-thien-moi-truong-dau-tu-tu-tu-duy-den-hanh-dong-2551722/