Cần bắt tay ngay vào phát triển kinh tế sáng tạo

Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi thông tin về định hướng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2026 tại phiên họp chiều 20-10.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngày 8-11-2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 24). Nghị quyết số 24 đề ra 22 mục tiêu cụ thể về cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2020.

Đến nay, kết quả sơ bộ cho thấy, phần lớn các mục tiêu của Nghị quyết số 24 đều đã hoàn thành và có khả năng hoàn thành (13 mục tiêu hoàn thành và 2 mục tiêu có khả năng hoàn thành), đạt khoảng 68,2% tổng số mục tiêu đề ra. Đáng chú ý, có 5 mục tiêu quan trọng đã hoàn thành vượt xa so với kế hoạch đề ra. Đó là: Quy mô nợ công giảm mạnh, từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55% GDP cuối năm 2019; năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nợ công có thể lên đến 57-58% GDP, song vẫn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016-2020 là không quá 65% GDP. Quy mô nợ chính phủ đã giảm mạnh từ 52,7% năm 2016 xuống 48% GDP đến cuối năm 2019, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu không quá 54%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm mạnh từ 44% năm 2015 xuống 41,6% năm 2016, và ước năm 2020 còn 34%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu dưới 40%. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 ước khoảng 45,21%, vượt xa so với mục tiêu 30%-35% được đề ra trong Nghị quyết. Dư nợ thị trường trái phiếu đến năm 2019 đạt 40,14% vượt xa so với mục tiêu đến năm 2020 đạt 30% GDP...

 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Văn phòng QH

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Văn phòng QH

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, vẫn có 7 mục tiêu có khả năng không hoàn thành, chiếm 31,8% tổng số mục tiêu đề ra. Trong đó, 2 mục tiêu là tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước (mục tiêu số 1) và tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (mục tiêu số 14) đến năm 2019 đã hoàn thành. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 ngay từ đầu năm 2020 làm cho sản xuất bị đình trệ, nhu cầu hàng hóa và dịch vụ sụt giảm, dẫn đến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, tình trạng nợ xấu có thể gia tăng, thu ngân sách nhà nước có thể giảm trong khi chi ngân sách nhà nước tăng do phải hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn; từ đó dẫn đến 2 mục tiêu này rơi vào nhóm có khả năng không hoàn thành…

Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy vậy, còn 7/22 mục tiêu đã có nhiều cải thiện so với năm 2016 và thời điểm đánh giá giữa kỳ năm 2018 nhưng có khả năng không hoàn thành, làm giảm chất lượng, hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực đầu tư phát triển. Đó là, chất lượng thể chế quản lý đầu tư công còn khoảng cách so với các nước ASEAN-4 và thông lệ quốc tế tốt; tính minh bạch, trách nhiệm giải trình chưa cao. Các mục tiêu thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo Nghị quyết 24 cơ bản không đạt, đến tháng 6-2020 chỉ hoàn thành 28% kế hoạch cổ phần hóa theo Danh mục phê duyệt trong giai đoạn 2017-2020 và còn 28 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn với giá trị lớn.

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp tăng nhanh nhưng vẫn thấp hơn gần 25% so với mục tiêu đề ra, cơ cấu, chất lượng khu vực doanh nghiệp chậm chuyển biến, chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, công nghiệp công nghệ cao, có tầm quốc tế. Năng lực tài chính, trình độ công nghệ, hiệu quả kinh doanh và khả năng kết nối với các doanh nghiệp FDI chưa cao...

Về định hướng chung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần tiếp tục hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ còn lại của giai đoạn 2016-2020 đồng thời cần chú ý một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, trọng tâm kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 là tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực thông qua phát triển đồng bộ các loại thị trường kết hợp với tận dụng khai thác cơ hội của công nghệ số, khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Như vậy, so với giai đoạn trước, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 là những giải pháp ở bước phát triển cao hơn, đồng thời tận dụng được các cơ hội phát triển mới. Trong đó, những kết quả triển khai cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm (đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng) là tiền đề quan trọng để trong giai đoạn 2021-2025 có thể tập trung phát triển một bước, đồng bộ hơn hệ thống các loại thị trường từ đó xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, thuận lợi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khu vực kinh tế tư nhân…

“Bên cạnh việc khắc phục những yếu kém đặc trưng của một nền kinh tế ở giai đoạn thu nhập trung bình thấp, Việt Nam cần bắt tay ngay vào phát triển kinh tế sáng tạo, tạo điều kiện khuyến khích đổi mới sáng tạo và tích lũy năng lực công nghệ đồng thời tạo đột phá ở một số lĩnh vực có tiềm năng như công nghệ số để hướng nền kinh tế đi vào quỹ đạo của nền kinh tế sáng tạo”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

THẢO NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/can-bat-tay-ngay-vao-phat-trien-kinh-te-sang-tao-641507