Cần giải bài toán tổng thể

Nợ xấu ngân hàng có nguy cơ gia tăng khi dịch Covid-19 tác động đến hoạt động của doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê, số dư nợ bị ảnh hưởng vào khoảng 2,27 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 25% dư nợ toàn hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng tăng từ 1,63% cuối năm 2019 lên 1,96% tính đến thời điểm cuối tháng 8-2020. Trong các kịch bản ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được dự báo có thể lên tới 3-3,7% vào cuối năm 2020.

Xử lý nợ xấu vốn là câu chuyện dài của ngành Ngân hàng. Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 (tháng 6-2017) về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng và Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, hệ thống ngân hàng và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã xử lý hàng triệu tỷ đồng nợ xấu, góp phần lành mạnh hóa các tổ chức tín dụng và thị trường tiền tệ theo thông lệ quốc tế.

Khi dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng đã chủ động ứng phó từ sớm. Ngân hàng Nhà nước ban hành hướng dẫn tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng gặp khó khăn. Các ngân hàng thương mại cũng cắt giảm chi phí, lợi nhuận, một mặt dồn lực hỗ trợ khách hàng thông qua các khoản vay mới với lãi suất ưu đãi; mặt khác, đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro, kiểm soát chặt lĩnh vực có nguy cơ phát sinh nợ xấu...

Tuy nhiên, với những khó khăn hiện tại, vấn đề cốt lõi để xử lý nợ xấu hiệu quả là giúp doanh nghiệp tồn tại, sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh và tiếp tục phát triển. Đây là bài toán tổng thể về kinh tế - xã hội, chứ không chỉ đơn thuần là việc của một ngành.

Với ngành Ngân hàng, mục tiêu tái cơ cấu lúc này là phục vụ doanh nghiệp tốt hơn, đồng thời bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn tín dụng. Giải pháp mà hầu hết ngân hàng đang triển khai là phân tích kỹ tình hình kinh tế, diễn biến dịch bệnh để xác định nhóm ngành ưu tiên và đưa ra chính sách tín dụng phù hợp. Khi ngân hàng và doanh nghiệp có sự phối hợp chặt chẽ, vốn vay sẽ phát huy hiệu quả, doanh nghiệp sớm trả được các khoản vay trước đó.

Trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của ngành Ngân hàng, việc giảm lãi suất khoản vay cả cũ và mới được xem là cần thiết hơn cả. Bởi giảm lãi suất là giảm chi phí sản xuất, kinh doanh - điều quan trọng nhất với doanh nghiệp. Mặt khác, chỉ giãn nợ, khoanh nợ hoặc giãn nợ, khoanh nợ không đúng “liều lượng”, doanh nghiệp không tận dụng hiệu quả chính sách hỗ trợ, thì thực chất nợ xấu vẫn tồn tại. Hơn thế, khi doanh nghiệp được giữ nguyên nhóm nợ, không bị chuyển thành nợ xấu để tiếp tục được vay, thì nguy cơ rủi ro với ngân hàng càng lớn. Do đó, bên cạnh chứng minh hiệu quả dự án sản xuất, kinh doanh, khách hàng cần vạch được phương án trả một phần nợ cũ được giãn, hoãn.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều lĩnh vực, khả năng nợ xấu tăng là khó tránh. Vì vậy, một việc quan trọng là sớm luật hóa hoặc gia hạn thời gian thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành tiếp tục triển khai các chính sách bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp đồng bộ cả về tiền tệ, tài khóa, thị trường, lao động…, giúp giải bài toán phục hồi sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, đồng thời giảm rủi ro nợ xấu.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/980069/can-giai-bai-toan-tong-the