Cần quy định rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở

Sáng 14-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đại biểu Trần Quốc Quân (Đoàn Long An) phát biểu.

Đại biểu Trần Quốc Quân (Đoàn Long An) phát biểu.

Bảo đảm tính độc lập của các thiết chế giám sát

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Quốc Quân (Đoàn Long An) nêu trong dự thảo luật, quy định tỷ lệ biểu quyết thông qua trên 50% thì áp dụng thực hiện trong cộng đồng dân cư là bất khả thi, vì còn lại đại bộ phận người dân chưa đồng thuận hay không thống nhất. Đối với nội dung quyết định thì việc bảo đảm thực thi các quyết định trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần nghiên cứu lại về tỷ lệ biểu quyết thông qua trong cộng đồng dân cư một cách phù hợp.

Đại biểu Đoàn Đồng Nai cũng nêu thực tế trong thời gian qua, việc bảo đảm cho các ý kiến, kiến nghị của nhân dân trong các vấn đề liên quan chưa phát huy được hiệu quả, còn nhiều bất cập. Chính quyền địa phương chưa có sự quan tâm trong bảo đảm thực hiện các kiến nghị trong giám sát, kiểm tra của nhân dân. Từ đó đại biểu đề nghị dự thảo luật cần bổ sung thêm quy định về chế tài, hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm trong việc chậm triển khai hoặc không triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) phát biểu.

Phân tích mô hình nhân dân kiểm tra, nhân dân giám sát có đặc điểm riêng với chủ thể đối tượng trình tự, thủ tục, hệ quả pháp lý là khác nhau, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) cho rằng dự thảo luật còn quy định rất chung về vấn đề này. Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn; nhất là trình tự thủ tục Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát để làm cơ sở thực hiện thống nhất trong thực tiễn và cũng là cơ sở để Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành.

Quan tâm về nội dung quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân có quy định “khi cần thiết, được chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước giao xác minh những vụ việc nhất định”, đại biểu Cầm Hà Chung (Đoàn Phú Thọ) cho rằng, quy định này vô hình trung đã biến chủ thể giám sát thành người giúp việc cho đối tượng được giám sát, chưa bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong thực tiễn. “Đề nghị xem xét bỏ quy định này để bảo đảm tính độc lập trong hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân”, đại biểu nói.

Về hình thức công khai thông tin được quy định tại dự thảo Luật, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) và đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn Lào Cai) đề nghị, dự thảo luật tiếp tục rà soát lại các hình thức công khai cho phù hợp với thực tiễn để người dân tiếp cận một cách dễ dàng nhất. “Quy định hình thức công khai thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, người phát ngôn của UBND cấp xã trên thực tế là không phù hợp và khó có thể thực hiện”, đại biểu Mai Văn Hải nói.

Đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) phát biểu.

Đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) phát biểu.

Công khai, minh bạch để phòng, chống vi phạm

Liên quan đến việc quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp trong dự án luật, đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) cho rằng, thực tế thời gian qua, việc thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài Nhà nước chưa được như mong muốn. Theo đại biểu, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật lao động như đối thoại doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, hợp đồng lao động được quy định tại Bộ luật Lao động và các văn bản dưới luật khác để không có sự trùng lặp, chồng chéo giữa hệ thống pháp luật về dân chủ cơ sở và hệ thống pháp luật lao động.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, phải bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, công khai minh bạch trong trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan đơn vị. Đại biểu cho rằng, nhìn lại các vụ đại án trong thời gian qua có thể thấy nếu làm tốt dân chủ cơ sở chắc chắn sẽ tránh được những vi phạm phải xử lý.

Theo đại biểu, nếu thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch, để người dân nắm được thông tin, nắm được hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong việc sử dụng các nguồn lực công trong các quyết định có liên quan đến người dân, cộng đồng sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp, qua có thể mang lại kết quả tốt hơn, đồng thời, tránh được sai phạm, không để lún sâu vào vi phạm như thời gian qua. Từ đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất, chỉ không công khai những gì thuộc về bí mật Nhà nước, thuộc về quy định cấm không được công khai, trường hợp còn lại như tất cả các quyết định có liên quan đến nguồn lực công, liên quan đến người dân đều phải thực hiện công khai…

Tại phiên thảo luận, một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cân nhắc sử dụng cụm từ “cử tri” trong dự thảo luật trên để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật; quy định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu.

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, từ quan điểm, nguyên tắc, cách tiếp cận để xây dựng luật còn những mặt tồn tại cần tiếp tục hoàn thiện thêm để bảo đảm yêu cầu chất lượng. Bộ trưởng tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội về nhiều vấn đề cụ thể như: Giải thích khái niệm; bố cục dự thảo luật; phạm vi thực hiện; quyền dân chủ của nhân dân; việc thực hiện dân chủ ở từng loại hình; cơ chế bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, xử lý vi phạm; vai trò của các cơ quan, tổ chức... để tiếp tục chỉnh lý, bổ sung để dự thảo Luật đạt chất lượng cao nhất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên thảo luận.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại phiên thảo luận đã có 20 đại biểu phát biểu ý kiến, có 3 đại biểu tranh luận. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu cơ quan trình, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu, hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/1034496/can-quy-dinh-ro-trach-nhiem-to-chuc-thuc-hien-phap-luat-ve-dan-chu-o-co-so