Cần thay đổi về chất trong phát triển ngành thép

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, ngành thép đã thực hiện được mục tiêu đáp ứng đủ và kịp thời về số lượng và chủng loại các sản phẩm thép cho nền kinh tế, không để xảy ra tình trạng thiếu thép. Trong năm 2021, ngành thép Việt Nam được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều điều kiện, cơ hội để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới.

Bước chuyển mình

Thực hiện chủ trương đổi mới kinh tế và chính sách mở cửa của Chính phủ, thời kỳ 1989 – 1995, ngành thép bắt đầu có bước tăng trưởng đáng kể, sản lượng thép sản xuất trong nước vượt ngưỡng 100.000 tấn/năm. Đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành thép Việt Nam là sự ra đời của Tổng công ty Thép Việt Nam vào năm 1990. Tổng công ty được thành lập với mục đính thống nhất quản lý ngành thép quốc doanh trong cả nước. Thời kỳ này, ngành thép Việt Nam như được thay da đổi thịt, xuất hiện nhiều dự án đầu tư theo chiều sâu và liên doanh với đối tác nước ngoài được thực hiện. Ngành thép Việt Nam cũng thu hút được sự quan tâm từ các ngành trọng điểm khá của nền kinh tế như ngành cơ khí, xây dựng, quốc phòng...

Trong năm 2021, ngành thép Việt Nam được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều điều kiện, cơ hội để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới

Trong năm 2021, ngành thép Việt Nam được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều điều kiện, cơ hội để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới

Báo cáo của Cục Công nghiệ (Bộ Công Thương) khẳng định, sản lượng thép cán của ngành thép năm 1995 đạt 450.000 tấn/năm, tương đương tăng gấp 4 lần so với năm 1990. Theo mô hình Tổng công ty 91, tháng 4/1995, Tổng công ty Thép Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất giữa Tổng công ty Thép Việt Nam và Tổng công ty kim khí.

Giai đoạn 1996 – 2000, ngành thép Việt Nam tăng trưởng với tốc độ cao và có nhiều dự án đầu tư mới theo chiều sâu, có thêm 13 dự án liên doanh, trong đó có 12 nhà máy liên doanh cán thép và gia công chế biến sau cán. Năm 2000, ngành Thép đạt sản lượng 1,57 triệu tấn.

Từ năm 2000 trở đi, do tác động của chính sách mở cửa và hội nhập nền kinh tế, Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ tiềm năng thu hút nhiều dự án đầu tư từ phía đối tác nước ngoài. Theo đó, nhu cầu về thép xây dựng cũng như thép dùng trong các ngành công nghiệp khác tăng. Các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư theo chiều sâu các dự án nhằm đáp ứng tối đa cho sự phát triển kinh tế đất nước. Trong một vài năm qua, nhu cầu thép của Việt Nam đều tăng ở mức 2 con số mỗi năm. Đáp ứng mức tăng ấy, sản lượng sản xuất thép của các doanh nghiệp trong nước tăng mạnh theo từng năm.

Sản lượng phôi thép liên tục tăng từ năm 2010 đã đạt khoảng 4,3 triệu tấn và đến năm 2016 đạt 7,8 triệu tấn và năm 2020 đạt 17,219 triệu tấn (năm 2020 năng lực sản xuất toàn ngành đạt khoảng 24 triệu tấn/năm).

Một số dự án sản xuất thép có quy mô lớn, thiết bị hiện đại đã được hình thành và đưa vào hoạt động như: Dự án đầu tư mở rộng Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát giai đoạn 3 và Dự án mở rộng nâng công suất sản xuất thép Khu liên hợp gang thép Hòa Phát giai đoạn 1 của Công ty cổ phần thép Hòa Phát là đã thực hiện xong, nâng tổng công suất toàn Khu liên hợp lên 1,6 triệu tấn thép các loại; Dự án liên hợp gang thép Nghi Sơn của Công ty cổ phần gang thép Nghi Sơn với tổng công suất thiết kế là 7 triệu tấn phôi đã hoàn thành giai đoạn 1 đưa vào sản xuất 1 triệu tấn/năm; Dự án Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương do Tập đoàn Formosa đầu tư công suất 7 triệu tấn/năm; Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát có công suất 4 triệu tấn/năm..

Năng lực sản xuất của các nhà máy trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng. Một số sản phẩm xuất khẩu cao như: tôn mạ, ống thép, thép cuộn cán nguội. Tuy nhiên, các chủng loại thép khác như: thép cuộn cán nóng, thép hợp kim, thép chế tạo cơ khí, thép tấm cán nóng, thép tấm cán nguội…, còn phải nhập khẩu.

Tuy nhiên Cục Công nghiệp cũng nhìn nhận, mặc dù ngành thép đã đáp ứng đủ nhu cầu phôi thép xây dựng nhưng chủng loại thép hợp kim, đặc biệt là thép tấm cán nóng - nguyên liệu đầu vào cần thiết cho nhiều ngành như sản xuất thép cán nguội, tôn mạ, ống thép, đóng tàu, cơ khí chế tạo, có nhu cầu lớn (trên 9 triệu tấn/năm) trong nước lại chưa sản xuất được, hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu.

Quyết liệt trong công tác quản lý

Trong thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về ngành Thép đã được quan tâm và tích cực triển khai thực hiện; Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo, triển khai các dự án đầu tư thượng nguồn theo định hướng quy hoạch là tăng năng lực sản xuất phôi thép trong nước, giảm sự phụ thuộc vào phôi thép nhập khẩu. Kết quả được thể hiện qua việc ngành sản xuất phôi thép và thép dài thành phẩm có mức gia tăng đáng kể, đáp ứng hoàn toàn nhu cầu trong nước, một số doanh nghiệp bước đầu đã tiến hành xuất khẩu.

Phân tích cụ thể hơn, Cục Công nghiệp ghi nhận về cơ bản, ngành thép đã thực hiện được mục tiêu đáp ứng đủ và kịp thời (bao gồm cả sản xuất và nhập khẩu) về số lượng và chủng loại các sản phẩm thép cho nền kinh tế, không để xảy ra tình trạng thiếu thép. Năng lực sản xuất thép ngày càng tăng về sản lượng và đa dạng về chủng loại. “Ngành thép phát triển mạnh với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, phát triển từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn. Cung cấp đủ một số chủng loại sản phẩm thép cho nền kinh tế quốc dân như thép xây dựng, tôn mạ và sơn phủ màu các loại, đã tham gia xuất khẩu”- báo cáo của Cục Công nghiệp nêu rõ.

Nhờ việc tăng cường công tác quản lý nhà nước, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương với các địa phương nên trong thời gian qua không xảy ra tình trạng các địa phương cấp phép đầu tư các dự án ngoài quy hoạch như giai đoạn trước đây. Điều này cho thấy, công tác quản lý quy hoạch đã được thực hiện một cách nghiêm túc. Toàn ngành đã tập trung đầu tư đổi mới thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến, đầu tư xây dựng các nhà máy mới với quy mô phù hợp, nâng cao năng lực sản xuất của ngành.

Đáng chú ý, ngành thép đã chú trọng đầu tư vào các dự án quy mô lớn, sản xuất các sản phẩm trước đây chưa có như thép tấm cán nóng, thép lá cán nguội.

Tuy nhiên Cục Công nghiệp cũng lưu ý, thời gian tới tiếp tục cần có sự phối hợp giữa các Bộ ngành trong công tác quản lý Nhà nước nhằm nâng cao khả năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án sản xuất thép theo thiết kế đã được phê duyệt.

Theo Bộ Công Thương, ngành thép cần đầu tư cân đối giữa thượng nguồn và hạ nguồn. Đầu tư xây dựng các lò cao sản xuất gang đi từ quặng sắt - luyện thép - đúc liên tục - cán nóng là một yêu cầu cấp bách hiện nay của ngành thép Việt Nam. Đầu tư công nghệ mới, công suất phù hợp thì sản xuất mới hiệu quả và sản phẩm mới có sức cạnh tranh.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-thay-doi-ve-chat-trong-phat-trien-nganh-thep-157026.html