Cẩn trọng với ngộ độc thực phẩm

Thời tiết hiện đang trong những ngày nắng nóng là thời điểm dễ phát sinh nhiều dịch bệnh, kèm theo nỗi lo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng, người dân cần chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Tiết trời nóng ẩm là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút phát triển mạnh và là nguyên nhân chủ yếu gây ngộ độc thức ăn (do vi sinh vật, hóa chất, thực phẩm chứa độc tố tự nhiên chưa được kiểm soát). Vì vậy, trong mùa hè, nguy cơ ngộ độc cao nhất là từ thức ăn có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như: Cá, thịt, hải sản, sữa... Nếu không được chế biến kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc sau khi ăn bảo quản không cẩn thận thì nguy cơ gây ngộ độc rất cao.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra ATVSTP tại nhà hàng Tràng An (TP Tuyên Quang).

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra ATVSTP tại nhà hàng Tràng An (TP Tuyên Quang).

Theo bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nắng nóng đang kéo dài, các thực phẩm nếu không được bảo quản tốt rất dễ nhiễm khuẩn, trong đó có vi khuẩn gây bệnh đường ruột, nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao. Nguy hiểm hơn, độc tố tích tụ trong cơ thể về lâu dài sẽ gây suy giảm chức năng các cơ quan trong cơ thể cũng như nhiều bệnh nguy hiểm, phổ biến là ung thư. Để phòng, chống ngộ độc, người dân cần nắm được những kiến thức cơ bản về giữ gìn vệ sinh cũng như cách bảo quản thực phẩm.

Nhớ lại lần bị ngộ độc vào mùa hè năm trước, chị Thân Thị Tuyết, tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Sơn Dương chia sẻ, nhà chị có giỗ vào đúng ngày nắng nóng đỉnh điểm. Thức ăn còn lại của bữa cỗ vào buổi trưa đã được chị cất vào tủ lạnh cẩn thận. Buổi tối, trước khi ăn, chị mang thức ăn ra đun lại. Thế nhưng, sau khi ăn khoảng 15 phút, 3 người trong gia đình cảm thấy buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu… đã được đưa đi cấp cứu và được các bác sỹ chẩn đoán bị ngộ độc thực phẩm. Sau khi đã điều trị ổn định, chị được các cán bộ y tế tư vấn, hướng dẫn cách chọn mua, bảo quản thực phẩm như: Ưu tiên mua các loại thực phẩm tươi, sạch, nhất là đối với các loại thịt, cá do thời tiết nóng làm chúng nhanh bị ôi thiu hơn. Đối với việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, chị phân loại thực phẩm để có cách bảo quản hợp lý, đồ ăn chín được cho vào các hộp đậy nắp để không bị nhiễm vi khuẩn từ các loại đồ ăn tươi sống khác.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lê Xuân Vân cho biết, mặc dù từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca ngộ độc thực phẩm nào, nhưng không vì thế mà xem nhẹ công tác đảm bảo ATVSTP. Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm xảy ra trong mùa hè, người dân cần chú ý chọn mua, sử dụng thực phẩm tại các cơ sở có uy tín. Đối với người chế biến kinh doanh thực phẩm, những người trực tiếp kinh doanh dịch vụ ăn uống cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc phòng, chống ngộc độc và các bệnh lây qua đường ăn uống; thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm, sử dụng đủ nguồn nước sạch để chế biến và vệ sinh dụng cụ. Bên cạnh đó, trong những ngày nắng nóng, người dân cần uống nhiều nước, ăn hoa quả hợp vệ sinh, không nên ăn thức ăn, uống nước giải khát tại các quán vỉa hè nghi ngờ không đảm bảo vệ sinh; từ chối hoặc không sử dụng các thực phẩm không an toàn để đảm bảo cho sức khỏe của bản thân.

Ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng, mỗi người cần chủ động nắm những kiến thức cơ bản về giữ gìn vệ sinh cũng như cần thực hiện ăn chín, uống sôi, vệ sinh cá nhân sạch sẽ; tìm hiểu cách lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản, sử dụng thực phẩm an toàn để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình. Khi có dấu hiệu nghi ngộ độc thực phẩm cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Dương Châu

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/suc-khoe/can-trong-voi-ngo-doc-thuc-pham-119239.html