Cao Bằng tiến hành xử lý môi trường ngăn dịch bệnh bùng phát ở vùng thiên tai

Hoàn lưu bão số 3 đã khiến hàng trăm ngôi nhà tại tỉnh Cao Bằng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hàng nghìn người dân đang phải tạm trú trong các lán, trại... khiến nguy cơ dịch bệnh phát sinh, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa. Chính quyền, và ngành y tế địa phương đang nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm hạn chế tối đa các loại dịch bệnh có thể xảy ra.

Khu đất rộng vài trăm m2, nằm ven một bìa rừng cạnh QL34 cũ đã trở thành nơi tá túc của gần 50 hộ dân xóm Lũng Luông, xã Vũ Nông, huyện Nguyên Bình suốt nửa tháng qua. Các hộ dân này vốn sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao, được sự vận động, hỗ trợ của chính quyền xã nên đã chủ động tự làm lán ra khu vực này để tạm trú. Tuy nhiên mật độ người quá đông, mặt bằng lại chật hẹp nên nhiều lán có tới 3-4 hộ gia đình.

Khu vực ven rừng chỉ chừng vài trăm m2 là chỗ ở tạm của gần 50 hộ dân xóm Lũng Luông, xã Vũ Nông, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng

Khu vực ven rừng chỉ chừng vài trăm m2 là chỗ ở tạm của gần 50 hộ dân xóm Lũng Luông, xã Vũ Nông, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng

Bà Phượng Mùi Mản cho biết: “Lán tôi có 3 hộ, 18 người ở. Nếu ai thấy ảnh hưởng thì về tự làm lán ở thôi. Ở lán cũng bất tiện lắm, nhưng phải ở tạm thôi, không còn chỗ dời đi. Khu nhà cũ bị lở sợ lắm, mưa xuống đất sạt vào nửa tường, không dám ở nữa rồi”.

Có sự hỗ trợ của chính quyền, vấn đề lương thực, thực phẩm không phải là mối lo ngại trước mắt mà vệ sinh môi trường lại là trăn trở người dân. Anh Lý Dao Phụng, xóm Lũng Luông cho biết: Khu vực sơ tán là bìa rừng nên không có điện lưới; điều kiện lán trại tạm bợ, mật độ cư trú cao; nấu ăn, sinh hoạt tại chỗ trong khi chủ yếu sử dụng nguồn nước tự chảy; không có khu tập kết rác và không có nhà vệ sinh...

Người dân nấu ăn ngay trong lán ở

Người dân nấu ăn ngay trong lán ở

“Bây giờ thì tự túc lán nào dọn dẹp lán đấy, đi tắm thì có thể về nhà, giặt thì ra bờ đường, còn vệ sinh thì tự tìm chỗ quanh đây thôi, cũng chưa có chỗ... hoặc về tận nhà. Đây chỉ mang tính ở tạm thôi, chứ về lâu dài thì khó vì quá đông người ở như thế này, không đảm bảo được”, anh Dao Phụng cho biết.

Trung tâm Y tế huyện Nguyên Bình kết hợp CDC Cao Bằng liên tục tổ chức phun khử khuẩn các khu vực người dân sinh sống, hướng dẫn người dân cách xử lý nước, vệ sinh môi trường. Tuy nhiên số lượng người tập trung tại một khu vực lớn, thời tiết mưa nắng thất thường cộng với điều kiện vệ sinh chung của một số khu vực chưa được tốt… cũng là trở ngại không nhỏ.

Ông Hà Hải Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nguyên Bình, Cao Bằng cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp CDC Cao Bằng tiến hành xử lý môi trường nhiều lần tại các nơi sạt lở vùi lấp nhà cửa, hiện các khu vực này môi trường cơ bản ổn định. Tuy nhiên, hiện toàn huyện có nhiều khu người dân ở tạm, có những chỗ rất đông, có lán 5-6 hộ. Tuy nhiên, hiện các khu này chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, nếu ở lâu dài rất cần xây dựng ở vị trí đảm bảo, an toàn tránh việc ô nhiễm cũng như phát tán như các bệnh đường ruột, gây dịch nguy hiểm và cũng sẽ rất vất vả sau này”.

Lực lượng y tế tiến hành phun phòng dịch tại nơi người dân sinh sống

Lực lượng y tế tiến hành phun phòng dịch tại nơi người dân sinh sống

Vụ sạt lở rạng sáng 9/9 tại xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình khiến 11 người chết, 11 người bị thương, nhiều ngôi nhà bị vùi lấp, Trạm y tế xã gần đó cũng trong diện nguy cơ sạt lở cao. Do đó, ngay trong ngày 9/9, toàn bộ cán bộ trạm cùng một số trang thiết bị, vật dụng và thuốc men đã phải di dời khẩn cấp. Một phòng làm việc chỉ chừng chục m2 của cán bộ Văn phòng - Thống kê xã Yên Lạc được trưng dụng để tập kết các loại vật tư, thiết bị y tế đồng thời cũng là nơi làm việc, thăm khám bệnh nhân của cán bộ y tế.

Bác sĩ Ngân Hoàng Hưng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yên Lạc cho biết, trung bình mỗi ngày trạm khám cho khoảng 20-30 bệnh nhân, nhưng sau bão số 3, có ngày lên đến 100-200 người đến khám, lấy thuốc khiến căn phòng trở nên quá tải.

“Khó khăn thì rất nhiều, hiện chỉ có chỗ ngồi làm việc thôi, đến chỗ để tủ thuốc cũng không có, chỉ để thuốc trong hộp rồi cấp cho bà con cũng không đảm bảo tính chuyên môn Theo ý kiến xã, huyện sẽ làm cho trạm một căn nhà lắp ghép, cũng mong sớm hoàn thành. Lâu dài chúng tôi mong có địa điểm an toàn để xây trạm mới đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh”, bác sĩ Ngân Hoàng Hưng chia sẻ.

Người dân khu vực sơ tán xóm Lũng Luông, xã Vũ Nông, Nguyên Bình, Cao Bằng tận dụng nước ở rãnh dọc ven đường để tắm, giặt

Người dân khu vực sơ tán xóm Lũng Luông, xã Vũ Nông, Nguyên Bình, Cao Bằng tận dụng nước ở rãnh dọc ven đường để tắm, giặt

Ảnh hưởng của cơn bão số 3, Cao Bằng có hàng chục điểm dân cư bị ngập sâu trong nước. Trong đó có các huyện vùng sâu, xa, giao thông đi lại khó khăn và thường xuyên chia cắt do sạt lở như Hà Quảng, Nguyên Bình, Bảo Lâm, Bảo Lạc.

Người dân khu vực sơ tán xóm Lũng Luông, xã Vũ Nông, Nguyên Bình, Cao Bằng tận dụng nước ở rãnh dọc ven đường để tắm, giặt

Người dân khu vực sơ tán xóm Lũng Luông, xã Vũ Nông, Nguyên Bình, Cao Bằng tận dụng nước ở rãnh dọc ven đường để tắm, giặt

Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có hơn 1.000 nhà bị ngập, hơn 60 nhà sập đổ hoàn toàn, hơn 200 căn hư hỏng nặng và hơn 730 hộ gia đình với hàng nghìn nhân khẩu buộc phải di dời khẩn cấp do nguy cơ sạt lở. Phần lớn các hộ đang trú trong lán tạm do bộ đội hoặc chính quyền, làng xóm hỗ trợ dựng lên. Những lán tạm này thường chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt, nhưng với các hộ trong diện nguy cơ sạt lở có thể phải sinh sống đến vài tháng, thậm chí sang năm sau cũng sẽ là trở ngại không nhỏ cho vấn đề chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh…

Theo bà Bế Thị Bạch, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng, trước những khó khăn cấp bách, ngành y tế Cao Bằng huy động mọi nguồn lực đảm bảo lượng hóa chất cần thiết, chủ động phối hợp với từng địa phương trong việc triển khai các biện pháp ngăn dịch từ sớm, từ xa, phát huy cao độ vai trò của đội ngũ y tế cơ sở tại các khu vực giao thông chia cắt do sạt lở. Đặc biệt là chú trọng khử khuẩn các khu vực xảy ra ngập úng lâu ngày và nơi sạt lở, vùi lấp khiến nhiều người tử vong.

Trạm Y tế xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình được bố trí tạm trong một phòng làm việc nhỏ của xã

Trạm Y tế xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình được bố trí tạm trong một phòng làm việc nhỏ của xã

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn hỗ trợ các Trung tâm y tế huyện về nhân lực, phương tiện, thiết bị, hóa chất để xử lý môi trường nước, phòng chống dịch bệnh đối với các bể nước, hồ nước treo cung, cấp nước cho nhân dân và phun hóa chất khử trùng thanh lọc môi trường. Phun hóa chất diệt côn trùng tại khu vực ảnh hưởng nặng nề, các trường học, nơi tập trung đông người có nguy cơ ô nhiễm cao, vùng có nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh lây truyền do ký sinh trùng, côn trùng. Triển khai thực hiện khử trùng định kỳ tại các địa điểm bị ảnh hưởng nặng nề, có thể phun định kỳ 5 đến 7 ngày/lần trong thời điểm này”, bà Bế Thị Bạch nói.

Với sự vào cuộc khẩn trương, tích cực của ngành y tế và các lực lượng chức năng, cho đến thời điểm này Cao Bằng chưa phát hiện các điểm bất thường về dịch bệnh. Tuy nhiên, cũng rất cần ý thức tự chăm sóc, bảo vệ và giữ gìn vệ sinh môi trường của chính mỗi người dân tại các nơi ảnh hưởng của thiên tai, nhất là tại các khu vực đã bị ngập úng và khu vực lán trại tập trung đông người, tránh nguy cơ dịch có thể phát sinh và lây lan diện rộng.

Công Luận/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/cao-bang-tien-hanh-xu-ly-moi-truong-ngan-dich-benh-bung-phat-o-vung-thien-tai-post1124397.vov