'Câu chuyện châu Phi' của Mỹ: Chậm nhưng có chắc?

Chuyến công du 3 nước châu Phi Senegal, Angola và Ethiopia của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từ ngày 15-19/2 nằm trong nỗ lực hiện thực hóa Chiến lược châu Phi của Mỹ. Nhưng sứ mệnh không hề dễ dàng.

Tổng thống Trump cùng với các nhà lãnh đạo châu Phi tại Thượng đỉnh G7 ở Taormina, Sicily (Italy) tháng 5/2017. (Nguồn: Reuters)

Năm 2018, với việc công bố Chiến lược châu Phi, Tổng thống Donald Trump đã làm nên lịch sử riêng, nhưng nhiều nhà quan sát đang trở nên thiếu kiên nhẫn bởi họ mong đợi các hành động và chính sách mạnh mẽ hơn, thể hiện sự phù hợp với những tuyên bố của chính quyền, cũng như thực sự thúc đẩy quan hệ Mỹ-châu Phi.

Chiến lược châu Phi của Trump nhằm mục đích thúc đẩy sự thịnh vượng, an ninh và ổn định trong các mối quan hệ và công bố chương trình “châu Phi thịnh vượng” thân thiện với doanh nghiệp nhằm tăng đáng kể thương mại và đầu tư hai chiều giữa Mỹ và châu Phi.

Định hình lợi ích trên nền tảng cạnh tranh

Chủ trương gia tăng sự hiện diện của Mỹ tại châu Phi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng Cộng hòa, Dân chủ tại lưỡng viện với việc thông qua "Đạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển" (BUILD) hồi tháng 10/2018. Đây được xem sáng kiến quan trọng nhất của Washington đối với châu Phi dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton vào thời điểm tháng 12/2018 phát biểu rằng ưu tiên số 1 của Washington là phát triển quan hệ kinh tế với châu Phi theo sáng kiến "châu Phi thịnh vượng", để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ và bảo vệ sự độc lập của các quốc gia tại khu vực cũng như lợi ích của Mỹ.

Tầm nhìn mới của Mỹ tại châu Phi có thể tóm tắt là "Một khu vực độc lập, tự chủ - Không phụ thuộc, thống trị và không nợ". Trong 2 thập niên qua, Mỹ đã rót gần 20 tỷ USD viện trợ cho châu Phi và Washington khẳng định sẽ không vung tiền dễ dãi, thay vào đó sẽ để "các nước châu Phi tự nắm giữ an ninh và hòa bình khu vực", như nhấn mạnh của ông Bolton.

Theo giới phân tích, chiến lược “châu Phi phồn vinh” của Mỹ tập trung vào tạo đối trọng với chính sách lấn át của Trung Quốc tại "lục địa đen". Với việc đưa ra Chiến lược châu Phi mới, các chuyên gia cho rằng lợi ích của Mỹ trong khu vực sẽ tiếp tục được định hình trên nền tảng là cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

Mỹ nhiều lần cáo buộc Trung Quốc tạo các khoản nợ không bền vững thông qua các dự án hạ tầng quy mô lớn ở các nước, trong đó có châu Phi. Bản thân ông Pompeo đã cảnh báo về cái mà ông gọi là “ảnh hưởng nguy hiểm” của Trung Quốc tại châu Phi, khi nói rằng đầu tư của Trung Quốc củng cố tham nhũng và làm xói mòn luật pháp, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ là lựa chọn thay thế cho Trung Quốc.

Không phủ nhận thực tế là tại châu Phi, Mỹ “chậm chân” hơn Trung Quốc. Suốt 30 năm qua, các Ngoại trưởng Trung Quốc thường tới thăm khu vực trong khoảng thời gian đầu năm. Bên cạnh viện trợ, thương mại và đầu tư, Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh nền tinh tế số và mô hình quyền lực mềm kiểu mới.

Các động thái gây ảnh hưởng đáng chú ý của Bắc Kinh tại châu lục có thể kể đến là đưa hạ tầng Internet tới các khu vực dân cư hẻo lánh, mở rộng mạng lưới truyền thông Trung Quốc và hỗ trợ thiết lập quan hệ đối tác trong khu vực với các doanh nghiệp lớn như Alibaba.

Những tín hiệu mâu thuẫn

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo gây chú ý lớn. Không hẳn vì 3 quốc gia có "những đóng góp to lớn cho sự ổn định của khu vực" và "những nhà lãnh đạo năng động" như lời ông Pompeo nói, đều nằm trong khu vực duy nhất trên thế giới mà ông chưa từng đến thăm. Chuyến thăm diễn ra đúng thời điểm căng thẳng, khi Washington đang cân nhắc cắt giảm hiện diện quân sự tại khu vực Sahel bất ổn và áp đặt lệnh cấm đi lại với thêm 4 quốc gia châu Phi khác, nâng tổng số lên 6 quốc gia.

Kế hoạch cắt giảm quân số của Mỹ tại Sahel có đi ngược với cam kết khôi phục sự ổn định ở tại châu Phi? (Nguồn: AP)

Và trái ngược với những lời hoa mỹ của Mỹ dành cho Chiến lược châu Phi mới, sự thờ ơ của Tổng thống Donald Trump thể hiện qua những "chỉ dấu" như chưa từng tới thăm châu Phi hay đã từng mô tả lục địa này bằng những ngôn từ mang tính xúc phạm. Rõ ràng điều này không giúp cải thiện tình hình như mong đợi của Mỹ và kỳ vọng của châu lục.

Chưa kể rằng là ông Trump còn "quên" lấp các vị trí còn trống phụ trách ngoại giao châu Phi tại Bộ Ngoại giao hay bổ nhiệm các đại sứ Mỹ tại châu Phi và cam kết triển khai chiến lược đầu tư khu vực tư nhân mới - sáng kiến chắc chắn sẽ được thế hệ doanh nhân châu Phi năng động hiện nay đón nhận.

Nói theo cách của phóng viên Nicolas Haque của tờ Al Jazeera, Mỹ đang “gửi các tín hiệu mâu thuẫn nhau” trong khi khuyến khích thương mại và đầu tư với các nước châu Phi nhưng lại mở rộng lệnh cấm đi lại và xem xét giảm bớt sự hiện diện quân sự của Mỹ.

Các quốc gia tại khu vực Sahel ở Tây Phi đang vật lộn để bảo vệ người dân trước các nhóm vũ trang có liên hệ với al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, vốn đã giết hại hàng trăm dân thường trong năm qua.

Câu hỏi đặt ra là liệu cam kết của Mỹ với việc khôi phục sự ổn định tại khu vực có đang giảm sút khi Lầu Năm Góc tuyên bố trong tuần qua rằng họ sẽ bắt đầu điều chỉnh thu hẹp hiện diện quân sự tại châu Phi, và dự kiến chuyển các nguồn lực sang để đối phó với Trung Quốc, Nga và Iran.

Một cựu quan chức ngoại giao Mỹ thậm chí hoài nghi về mục tiêu trong chuyến công du của ông Pompeo. Hãng AFP dẫn lời nhà ngoại giao giấu tên này cho biết: “Hiện vẫn chưa rõ tại sao ông Pompeo lại công du vào thời điểm này và liệu đây có phải một phần của chiến lược lớn hơn của Mỹ tại châu Phi hay không, đặc biệt khi chính quyền Mỹ trong vài tuần qua đã cho thấy dấu hiệu rằng họ có ý định cắt giảm hiện diện quân sự và đầu tư viện trợ".

Vị cựu quan chức này còn nhấn mạnh, "không thể khẳng định là có một chính sách châu Phi với việc chỉ dừng chân ở một vài quốc gia ở một lục địa rộng lớn và rồi gọi đó là một chiến lược”.

Cơ hội hồi sinh theo 5 chủ đề chính

Bất chấp những điều tiêu cực này, người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Mỹ đang mang trên mình sứ mệnh “vẽ nên một bức tranh” khả quan về mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và châu Phi thông qua chuyến thăm kéo dài 5 ngày này.

Với chuyến thăm đầu tiên tới các nước phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi sau gần hai năm tại nhiệm, Ngoại trưởng Mike Pompeo đang có một cơ hội quý giá để hồi sinh Chiến lược châu Phi của ông Trump. Theo Giáo sư Landry Signé (Viện Brookings), cơ hội đó chỉ có thể đạt được bằng cách tập trung vào 5 chủ đề chính.

Thứ nhất, Mỹ cần đảm bảo với các đối tác châu Phi rằng nước này sẽ một lần nữa dành ưu tiên cho châu Phi tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7). Báo cáo "Tầm nhìn châu Phi 2020-2030" của Viện Brookings cho rằng nhiều vấn đề quan trọng đối với "lục địa đen" đang mang đến cơ hội to lớn cho thế giới, cũng như rủi ro tiềm tàng đối với sự ổn định và thịnh vượng toàn cầu nếu bị các đối tác toàn cầu bỏ qua.

Thứ hai, Ngoại trưởng Pompeo sẽ cần chú trọng vấn đề hỗ trợ mạnh mẽ Khu vực Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) và hợp tác với Liên minh châu Phi (AU). Nếu được thực hiện thành công, AfCFTA sẽ góp phần vào sự phồn vinh của Mỹ với khả năng mở rộng kinh doanh và góp phần tạo việc làm ở nước Mỹ, đồng thời thúc đẩy sự thịnh vượng của châu Phi.

Thứ ba, chuyến công du cũng tập trung vào cách thức cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể đóng góp cho sự thịnh vượng chung của Mỹ-châu Phi. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và số hóa có thể biến châu Phi thành một châu lục tầm cỡ toàn cầu và đi đầu trong các lĩnh vực giáo dục, công nghệ, đổi mới, quản trị và an ninh mạng. Đồng thời, Mỹ có thể đóng một vai trò riêng biệt trong việc phát triển quan hệ đối tác tích hợp kỹ thuật số để thúc đẩy kinh doanh và tương lai của việc làm.

Thứ tư, phối hợp với Chính phủ Mỹ tái lập Diễn đàn Doanh nghiệp Mỹ-châu Phi hoặc một diễn đàn thương mại và đầu tư tương tự của Mỹ-châu Phi với các cam kết cấp cao cũng là một vấn đề ưu tiên trong nghị sự của Ngoại trưởng Pompeo trong chuyến công du này. Ước tính đến năm 2030, châu Phi sẽ có 1,7 tỷ dân với tổng chi tiêu tiêu dùng và chi phí kinh doanh là 6.700 tỷ USD. Đây là "mỏ vàng" giúp các tập đoàn của cả Mỹ và châu Phi phát triển.

Thứ năm, Mỹ cần đóng vai trò hiệu quả hơn trong việc giải quyết các thách thức về an ninh và tình trạng chưa thật sự ổn định của châu Phi. Châu lục này sẽ chiếm 40% lực lượng lao động toàn cầu vào cuối thế kỷ này. Để có thể giải quyết hiệu quả các thách thức an ninh, Mỹ nên đổi mới với cách tiếp cận phi tập trung, dành ưu tiên đối với các thành phố và các thể chế chính quyền địa phương, cũng như phát triển khu vực tư nhân mạnh mẽ hơn và thu hẹp khoảng cách thực thi chính sách.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại sân bay quốc tế ở Dakar, Senegal ngày 16/2. (Nguồn: Reuters)

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo thảo luận về các vấn đề lợi ích song phương giữa Senegal, Angola, Ethiopia và Mỹ. Tuy nhiên, theo Giáo sư Signé, cách thực tế duy nhất để thúc đẩy Chiến lược châu Phi của chính quyền Tổng thống Trump - hay rộng hơn là quan hệ Mỹ-châu Phi vì sự thịnh vượng chung - sẽ là tham gia vào các vấn đề lợi ích của châu Phi, không chỉ bằng lời nói và những cam kết mà cả bằng hành động.

Vinh Hà

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cau-chuyen-chau-phi-cua-my-cham-nhung-co-chac-109739.html