Chăm lo tốt hơn nữa đời sống công nhân lao động

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, để tạo động lực cho lực lượng công nhân, người lao động và tổ chức Công đoàn có thể bứt tốc, tăng tốc, thì Nhà nước cần có những chính sách quan tâm, chăm lo hơn nữa tới lực lượng công nhân, người lao động.

Khơi dậy niềm tự hào của đội ngũ công nhân lao động

Ngày 26/9, Báo Lao động Thủ đô tổ chức Tọa đàm trực tuyến nhân chứng lịch sử: “Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô: Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai”, chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Là một trong các vị khách mời tham dự tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ đánh giá rất cao chủ đề của buổi tọa đàm do Báo Lao động Thủ đô tổ chức.

“Tôi thấy, đây là hoạt động rất ý nghĩa, rất thiết thực trong việc giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào của đội ngũ công nhân lao động, tổ chức Công đoàn. Báo Lao động Thủ đô trong nhiều năm qua đã có nhiều hoạt động tuyên truyền rất phong phú, và tôi mong rằng, những cuộc tọa đàm, hoặc các hoạt động tương tự như thế này sẽ được tổ chức thường xuyên hơn, để khẳng định được vai trò, vị thế cũng như niềm tự hào của công nhân lao động và tổ chức Công đoàn”, ông Nguyễn Tiến Dĩnh bày tỏ.

Trong quá trình xây dựng và phát triển của đất nước, của Thủ đô, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn có vị trí, vai trò và đóng góp to lớn. Hiện nay, Hà Nội có trên 270 nghìn doanh nghiệp, trên 70 cụm công nghiệp, 2,7 triệu công nhân, người lao động, là lực lượng cơ bản chủ lực để tạo ra các giá trị vật chất, tinh thần, văn hóa của Thủ đô.

So với cả nước, Hà Nội là địa phương có tỷ trọng phát triển công nghiệp, dịch vụ... rất cao, chiếm 88%. Kinh tế Hà Nội đóng góp trên 18% thu ngân sách nhà nước, 20% thu nội địa, 8,6% tỉ suất xuất nhập khẩu. Trong những thành quả ấy, có thể nói giai cấp công nhân, người lao động của Hà Nội, tổ chức Công đoàn có đóng góp rất quan trọng.

Ngoài việc tạo ra của cải vật chất, giai cấp công nhân, người lao động, tổ chức Công đoàn còn tạo ra mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, tạo sự ổn định trật tự, an ninh chính trị cho Hà Nội. Đồng thời, xây dựng được phong cách làm việc của người lao động thời kỳ mới chuyên nghiệp và hiệu quả.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh chia sẻ tại Tọa đàm.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh chia sẻ tại Tọa đàm.

“Tổ chức Công đoàn Thủ đô, với vai trò là tổ chức đại diện chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, đã tổ chức nhiều hoạt động và có vị trí quan trọng tập hợp thu hút công nhân lao động để thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng cũng như hăng hái lao động sản xuất, nâng cao chất lượng.

Qua chia sẻ của các vị khách mời, nhất là chia sẻ của những công nhân lao động trực tiếp, nhìn lại hành trình đã qua, chúng ta càng nhận thức rõ hơn đóng góp của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn, và cũng thấy được vai trò, trách nhiệm của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn trong thời gian tới - giai đoạn đất nước vươn mình phát triển”, ông Dĩnh nói.

Vẫn nhớ những ngày là “cán bộ Công đoàn” trong vai trò Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho hay, trong suốt quá trình công tác sau này, cũng như khi đã nghỉ hưu, ông vẫn luôn quan tâm, dõi theo các hoạt động của Công đoàn Thủ đô.

Để tập hợp được công nhân lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tổ chức các phong trào thi đua rất thiết thực như lao động giỏi, lao động sáng tạo, luyện tay nghề, thi thợ giỏi, sáng kiến sáng tạo… để thúc đẩy khuyến khích công nhân trong các các lĩnh vực không ngừng sáng tạo, làm việc với năng suất cao, chất lượng tốt.

Công đoàn cũng đã làm tốt việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động qua việc ký kết Thỏa ước lao động tập thể; xây dựng Mái ấm Công đoàn, tổ chức hoạt động Quỹ trợ vốn cho đoàn viên vay vốn… Qua đó, vai trò của tổ chức Công đoàn ngày càng được khẳng định, vị thế ngày càng được nâng cao.

Chăm lo hơn nữa tới lực lượng công nhân lao động

Dẫn Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đánh giá “chưa bao giờ đất nước ta có một cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển của dân tốc sánh ngang với các cường quốc trên thế giới. Để đạt được mục tiêu mà Đảng đã đề ra là đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì chúng ta phải có sự bứt tốc, tăng tốc.

Đại biểu tham dự Tọa đàm trực tuyến nhân chứng lịch sử: “Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô: Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai”

Đại biểu tham dự Tọa đàm trực tuyến nhân chứng lịch sử: “Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô: Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai”

“Muốn vậy, trước hết phải tập trung vào tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ một cách mạnh mẽ vào quá trình sản xuất, trong đó có công nghiệp, dịch vụ. Cùng với đó, phải đổi mới mô hình tăng trưởng, với các mô hình năng suất cao, ứng dụng khoa học công nghệ, các sản phẩm công nghiệp chủ lực mang hàm lượng công nghệ cao.

Những điều này đòi hỏi lực lượng công nhân, người lao động, tổ chức Công đoàn phải có sự phấn đấu lớn, tập trung vào nâng cao năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và nhiều vấn đề khác”, theo ông Dĩnh.

Để tạo động lực cho lực lượng công nhân, người lao động và tổ chức Công đoàn có thể bứt tốc, tăng tốc, thì Nhà nước cũng cần có những chính sách quan tâm, chăm lo hơn nữa tới lực lượng công nhân, người lao động.

Trước hết, Nhà nước cần có các chính sách tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động, vì hiện nay, tỉ lệ lao động qua đào tạo ở nước ta còn thấp, tới đây phấn đấu người lao động đều phải qua đào tạo và đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động có thể ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao.

Thời gian qua, mặc dù tiền lương đã được điều chỉnh hằng năm, nhưng hiện nay thu nhập của người lao động vẫn còn thấp, nên tới đây, Nhà nước cũng cần có chính sách cải cách tiền lương mạnh mẽ hơn để nâng cao thu nhập cho người lao động. Đồng thời, phải hết sức quan tâm đến vấn đề nhà ở, làm sao để ở đâu có khu công nghiệp thì đều phải có nhà ở cho người lao động và nhà ở phải gắn với các tiện ích, dịch vụ xã hội khác.

Ông Dĩnh cũng cho rằng, để tăng cường củng cố, phát triển tổ chức Công đoàn, cần có chính sách thu hút cán bộ Công đoàn giỏi, xây dựng cơ chế hoạt động phù hợp, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cham-lo-tot-hon-nua-doi-song-cong-nhan-lao-dong-178107.html