Chấn chỉnh hoạt động 'liên hoan hầu đồng' không đúng quy định

Một số cơ quan, đơn vị không có chức năng quản lý, nghiên cứu về di sản văn hóa cũng đứng ra tổ chức các hoạt động 'liên hoan hầu đồng' hoặc phát các bằng chứng nhận, bằng vinh danh cho tổ chức, cá nhân.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo về thực hành di sản kỷ niệm 20 năm công ước bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (2003-2023) và đánh giá hiệu quả thực hiện Công ước đối với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, diễn ra ngày 29/11, tại Nam Định.

Tại hội thảo này, các chuyên gia, nhà quản lý, các nghệ nhân đã chia sẻ những vấn đề tồn tại trong thực hành di sản đặc biệt là việc thực hành và phát huy giá trị di sản.

 Một giá lên đồng mẫu sơn trang. Ảnh minh họa

Một giá lên đồng mẫu sơn trang. Ảnh minh họa

Theo Sở VHTT&DL Nam Định, sau khi di sản được UNESCO ghi danh, nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học và “diễn xướng hầu đồng”. Trong đó, có những cơ quan, đơn vị không có chức năng quản lý, nghiên cứu về di sản văn hóa cũng đứng ra tổ chức các hoạt động “liên hoan hầu đồng” hoặc phát các bằng chứng nhận, bằng vinh danh cho tổ chức, cá nhân không đúng thẩm quyền và không theo quy định.

Việt Nam đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Đến nay, Việt Nam đã có gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, phân bố ở hầu khắp các tỉnh, thành phố. 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú", trong đó có 131 Nghệ nhân Nhân dân và 1.750 Nghệ nhân Ưu tú.

Đại diện Sở VHTT&DL tỉnh Lạng Sơn cho biết, việc quản lý các di sản văn hóa phi vật thể cũng đang gặp những khó khăn. Có thể kể đến là việc chưa nhận diện đúng về giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, việc triển khai những hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản theo tinh thần Công ước UNESCO vẫn còn thiếu đồng bộ, thống nhất trong cả tư duy, nhận thức và hành động. Thực tế này gây ra những băn khoăn lo ngại về sự biến tướng có thể đang tồn tại trong hầu đồng - nghi thức văn hóa hạt nhân của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

“Một bộ phận không nhỏ các tổ chức, cá nhân trong đó có thanh đồng nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt dẫn đến làm lệch lạc, “méo mó” giá trị văn hóa đặc trưng của tín ngưỡng này”, đại diện Sở VHTT&DL tỉnh Lạng Sơn nhận định.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, việc nhận diện, xử lý các hành vi biến tướng, lệch chuẩn trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là rất khó khăn.

Nguyên nhân là các hiện mê tín dị đoan và tín ngưỡng gắn bó hữu cơ với nhau, khó có thể tách rời để nhận diện, xác định rõ thế nào là mê tín, thế nào là tín ngưỡng và ở mức độ, cấp độ nào sẽ trở thành mê tín dị đoan. Do vậy việc phòng chống và xử lý các hình thức mê tín di đoan còn gặp nhiều lúng túng, vướng mắc, chưa đồng nhất ngay cả với các nhà quản lý và các nhà khoa học.

Đồng thời, cũng đáng quan ngại là một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về các giá trị của các di sản nên hoạt động lễ hội, biểu đạt văn hóa liên quan tới tín ngưỡng tuy sôi động trở lại nhưng một số giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc có lúc bị biến tướng, sai lệch.

Nhiều “con nhang đệ tử” theo dự các giá hầu không vì mục đích tìm hiểu những giá trị văn hóa truyền thống đích thực, dẫn đến biểu hiện thương mại hóa, có những khóa lễ hầu đồng rất tốn kém, lãng phí. Đã có những biểu hiện ganh đua, tranh chấp hơn kém làm suy giảm khả năng đối thoại và giao lưu văn hóa…

 Một số di sản văn hóa được trình diễn tại hội thảo. Ảnh: Báo Văn hóa

Một số di sản văn hóa được trình diễn tại hội thảo. Ảnh: Báo Văn hóa

Để thực hiện đầy đủ cam kết bảo vệ di sản mà Việt Nam đã cam kết UNESCO khi đệ trình hồ sơ, theo PGS.TS Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, cần vào hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động quản lý, thực hành di sản văn hóa phi vật thể và những giới hạn trong quy định về khai thác và sử dụng di sản; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hành di sản; ngăn chặn và kiên quyết xử lý vi phạm đối với các hành vi lợi dụng danh hiệu, tín ngưỡng, tâm linh để trục lợi...

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu, nhận diện, kiểm kê di sản; bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực về công tác quản lý nhà nước đối với di sản; quy định trách nhiệm của người đại diện cơ sở thờ tự và tổ chức thực hành nghi lễ thờ Mẫu; tổ chức truyền dạy, thực hành di sản; vinh danh, khen thưởng, động viên và khuyến khích nghệ nhân, người thực hành di sản, người có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản...

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chan-chinh-hoat-dong-lien-hoan-hau-dong-khong-dung-quy-dinh-post274466.html