Chân dung tân Chủ tịch Đạm Phú Mỹ Nguyễn Xuân Hòa

Ông Nguyễn Xuân Hòa làm Chủ tịch HĐQT Đạm Phú Mỹ từ tháng 3/2024. Ông Hòa đã có thâm niên trong ngành dầu khí Việt Nam được 30 năm.

Ông Nguyễn Xuân Hòa làm Chủ tịch HĐQT Đạm Phú Mỹ từ tháng 3/2024.

Ông Nguyễn Xuân Hòa làm Chủ tịch HĐQT Đạm Phú Mỹ từ tháng 3/2024.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 diễn ra vào cuối tháng 3, ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVI Holdings, đã được bổ nhiệm là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, Mã: DPM). Ông Hòa thay thế vị trí cho ông Hoàng Trọng Dũng (được bổ nhiệm tháng 4/2021).

Ông Nguyễn Xuân Hòa sinh ngày 1/7/1972, quê quán Hải Dương, trình độ: Cử nhân Tài chính Kế toán, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh; Lý luận chính trị và Quản trị doanh nghiệp: Cao cấp.

Ông Hòa công tác trong ngành dầu khí Việt Nam từ năm 1994, bắt đầu công việc tại Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas). Sau đó, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như: Phó tổng giám đốc, kiêm Ủy viên HĐTV Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVPower), Phó tổng giám đốc PVN.

Tại PVI Holdings, từ ngày 29/3/2019 đến ngày 16/1/2020, ông Hòa nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, sau đó, ông Nguyễn Xuân Hòa được bổ nhiệm vào vị trí Phó chủ tịch Thường trực HĐQT PVI từ năm 2020, vị trí Tổng giám đốc PVI từ năm 2021 đến khi được chuyển công tác sang Đạm Phú Mỹ.

Đạm Phú Mỹ là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phân bón và hóa chất tại Việt Nam như Urê, NPK, Kali, DAP và các loại hóa chất như NH3, UFC85/Formaldehyde.

Doanh nghiệp sở hữu 8 đơn vị thành viên, trong đó có 4 CTCP phân bón và hóa chất dầu khí chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm của Đạm Phú Mỹ đến các khu vực trên toàn quốc như miền Bắc, miền Trung, khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nam Bộ.

Sau 20 năm hoạt động và phát triển, Đạm Phú Mỹ hiện dẫn đầu thị trường tiêu thụ urê trong nước với 38% thị phần. Các sản phẩm khác như NPK/NH3 lần lượt chiếm 11%/25% thị trường nội địa.

Nhìn chung, thị trường nội địa hiện chiếm hơn 90% tổng doanh thu của Đạm Phú Mỹ. Ngoài tiêu thụ trong nước, Đạm Phú Mỹ còn xuất khẩu sản phẩm sang các nước trong khu vực như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Philippines.

Về tình hình kinh doanh, Đạm Phú Mỹ là một trong hai doanh nghiệp đầu ngành phân bón cùng với Đạm Cà Mau (mã: DCM). Kết quả kinh doanh của Đạm Phú Mỹ phụ thuộc nhiều vào giá phân bón thế giới.

Năm 2022 được coi là thời kì đỉnh cao của ngành khi hầu hết các doanh nghiệp đều ghi nhận lãi kỷ lục. Đạm Phú Mỹ cũng không ngoại lệ khi doanh thu thuần 18.627 tỷ đồng và lãi sau thuế 5.864 tỷ, tăng tương ứng 46% và 79% so với năm trước. Kết quả này nhờ giá phân bón và nhu cầu tăng mạnh sau khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra.

Sau giai đoạn đỉnh cao, doanh thu và lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ về lại tương đương thời kì trước COVID-19.

6 tháng đầu năm nay, Đạm Phú Mỹ thu về 7.255 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi sau thuế 495 tỷ đồng, tăng lần lượt 4% và 37% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng này có được là do cùng kỳ năm ngoái, giá phân bón thế giới chạm đáy do nhu cầu yếu và tình trạng dư cung tại hầu hết các khu vực trên thế giới.

Với kết quả này, Đạm Phú Mỹ đã hoàn thành 93% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm chỉ trong nửa đầu 2024.

Không chỉ tăng trưởng về kết quả kinh doanh, Đạm Phú Mỹ còn ghi nhận sản xuất phân bón và hóa chất đạt khoảng 553.000 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng tiêu thụ cũng vượt kế hoạch và tăng trưởng từ 5-20%.

Đáng chú ý, sản lượng xuất khẩu urê đạt gần 100.000 tấn, tăng 50% so với cùng kỳ, trong khi giá xuất khẩu urê bình quân cũng tăng hơn 8%.

Trong báo cáo công bố ngày 18/9 mới đây của Chứng khoán ACBS, số liệu cho thấy so với đối thủ cạnh tranh gần nhất là Đạm Cà Mau, trong giai đoạn trước quý III/2023, biên lợi nhuận gộp cũng như biên lãi ròng của Đạm Phú Mỹ thường cao hơn so với Đạm Cà Mau.

Tuy nhiên trong 3 quý trở lại đây, 2 chỉ số này của Đạm Phú Mỹ lại thấp hơn. Diễn biến này là do Đạm Cà Mau hết khấu hao nhà máy từ tháng 9/2023 giúp tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng mỗi năm.

Còn theo công bố hồi tháng 5/5024, VNDirect cho rằng biên lãi gộp của Đạm Phú Mỹ khó quay lại thời kỉ đỉnh cao 2021 – 2022 do cung cầu phân bón thế giới đã ổn định trở lại. Tuy nhiên, chuyên gia kỳ vọng giá vốn khí đầu vào sẽ hạ nhiệt từ năm 2025, hỗ trợ Đạm Phú Mỹ duy trì biên lợi nhuận gộp trên 14,4% trong hai năm tới.

Diễm Phương

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/golf-doanh-nhan/chan-dung-tan-chu-tich-dam-phu-my-nguyen-xuan-hoa-223599.html