Chia sẻ kinh nghiệm giúp công nhân khu công nghiệp cải thiện kỹ năng làm cha mẹ tích cực

Sáng nay (23/5), tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo 'Phát triển toàn diện trẻ em: Sử dụng bằng chứng khoa học để thúc đẩy chính sách và thực hành tại Việt Nam'. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình giáo dục kỹ năng làm cha mẹ tích cực dành cho công nhân khu công nghiệp với tên gọi Hành trình đầu đời.

Hội thảo do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) triển khai, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Đại học Monash Úc và Bộ Y tế, và sự hỗ trợ tài chính của Tổ chức Porticus.

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Hội thảo nhằm thảo luận phương án phối hợp liên ngành thúc đẩy việc nhân rộng các sáng kiến về phát triển trẻ toàn diện giai đoạn đầu đời tại Việt Nam, đặc biệt là các sáng kiến dành cho con em công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất; và chia sẻ phương pháp xây dựng bằng chứng khoa học ứng dụng cho các dự án can thiệp để thúc đẩy chính sách và thực hành.

Tham dự Hội thảo có gần 100 đại biểu đến từ hơn 80 cơ quan, gồm: Các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế; chuyên gia từ các Viện nghiên cứu và các trường Đại học; các tổ chức tài trợ song phương; lãnh đạo LĐLĐ thành phố Hà Nội và LĐLĐ tỉnh Hà Nam; đại diện Công đoàn các khu công nghiệp và Công đoàn một số nhà máy thuộc Hà Nội, Hà Nam...

Chia sẻ tại Hội thảo, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Đăng Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em Bộ Y tế khẳng định: Hội thảo hôm nay là một mốc quan trọng để chúng ta thảo luận phương pháp xây dựng bằng chứng khoa học ứng dụng cho các dự án can thiệp nhằm thúc đẩy chính sách và thực hành phát triển trẻ toàn diện cho các đối tượng cha mẹ tại cộng đồng, công nhân khu công nghiệp khu chế xuất, cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi.

Từ góc độ quản lý nhà nước, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Đăng Khoa cho rằng, chúng ta cần biết mô hình được thiết kế có hữu hiệu, phù hợp với nhu cầu cộng đồng và bám sát với các khuyến cáo của WHO và quốc tế; tác động của mô hình tới cha mẹ và tới sự phát triển của trẻ ra sao, và tác động này được đo lường có khoa học không; chi phí hiệu quả của mô hình thế nào, có phù hợp để nguồn ngân sách quốc gia có thể bao phủ; cách thức triển khai có đơn giản, khả thi để lồng ghép vào các chương trình hiện có của quốc gia.

Đồng thời hội thảo này cũng là cơ hội để chúng ta nhìn sâu hơn về cơ chế phối hợp liên ngành hiện nay, tạo tiền đề để chúng ta cùng nhau phát triển kế hoạch hành động cụ thể, cùng nhau thúc đẩy việc triển khai các sáng kiến về phát triển trẻ toàn diện trên toàn quốc.

Giáo sư Jane Fisher - Đại học Monash (Úc) chia sẻ về tác động cộng đồng và kết quả nghiên cứu mô hình can thiệp tại tỉnh Hà Nam.

Giáo sư Jane Fisher - Đại học Monash (Úc) chia sẻ về tác động cộng đồng và kết quả nghiên cứu mô hình can thiệp tại tỉnh Hà Nam.

Chia sẻ bài học kinh nghiệm triển khai chương trình đào tạo trực tuyến 1000 ngày đầu đời tới công nhân khu công nghiệp qua đó giúp tăng cường kỹ năng làm cha mẹ tích cực, bà Đỗ Hồng Vân - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Ngày 29/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1437/QĐ-TTg phê duyệt Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế, Trung tâm RTCCD và Đại học Monash đã cùng phối hợp xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng làm cha mẹ tích cực có tiêu đề Hành trình đầu đời và thí điểm tại 109 xã, phường tỉnh Hà Nam.

Kết quả nghiên cứu cho thấy chương trình đào tạo Hành trình đầu đời đã tác động giúp trẻ thông minh hơn, ngôn ngữ phát triển tốt hơn, khả năng vận động tinh và vận động thô tốt hơn. Cha mẹ cũng thay đổi hành vi theo hướng tích cực, chăm sóc con tốt hơn. Trên cơ sở mô hình có tác động tích cực tới cha mẹ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất Trung tâm RTCCD phối hợp để triển khai thí điểm mô hình hay này tại 10 nhà máy. Công nhân có nhận xét rất tốt sau khóa học và chủ động đề xuất thêm các chủ đề mong muốn được học tiếp.

Bà Đỗ Hồng Vân - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Bà Đỗ Hồng Vân - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong khuôn khổ dự án, năm 2022, chương trình Hành trình đầu đời đã đào tạo hơn 1.000 công nhân trực tiếp và cung cấp các khóa học miễn phí online https://ejol.vn về kỹ năng làm cha mẹ tích cực giai đoạn 1.000 ngày đầu đời (từ khi mang thai - trẻ 24 tháng tuổi) và đào tạo hơn 200 Chủ tịch Công đoàn.

Kết quả: 971 công nhân mang thai và nuôi con nhỏ dưới 2 tuổi tại 10 nhà máy ở Hà Nội và Hà Nam đã tham gia thử nghiệm học trực tuyến. Tỷ lệ hoàn thành khóa học đạt 47,1% - 94,1%, tùy theo từng khóa. Có nghĩa là cứ 2 người đăng ký khóa học thì 1 người hoàn thành (khóa có tỷ lệ hoàn thành thấp nhất) và với khóa có tỷ lệ hoàn thành cao nhất, cứ 10 công nhân tham gia học thì 9 người hoàn thành. Công nhân đều gia tăng kiến thức sau khi hoàn thành khóa học, ví dụ: Khóa mang thai hạnh phúc, trước khóa học điểm trung bình trả lời đúng các câu hỏi là 35,9% và tỷ lệ này tăng lên 89,3% sau khóa học.

Tại Hội thảo “Phát triển toàn diện trẻ em: Sử dụng bằng chứng khoa học để thúc đẩy chính sách và thực hành tại Việt Nam”, các chuyên gia - diễn giả chia sẻ những kiến thức hữu ích về phát triển trẻ toàn diện giai đoạn đầu đời qua các bài tham luận, đặc biệt trong đó là các bài trình bày về kết quả tác động và chi phí hiệu quả của chương trình đào tạo kỹ năng làm cha mẹ tích cực trực tuyến và trực tiếp Hành trình đầu đời do GS. Jane Fisher và ThS. Yeji Baek thuộc Đại học Monash trình bày.

Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đã thảo luận về các tiêu chí cần và đủ để chính phủ nhân rộng mô hình, những yêu cầu về phối hợp liên ngành và những ưu tiên cần hành động với Việt Nam để thúc đẩy lĩnh vực phát triển trẻ giai đoạn đầu đời.

Được biết, trong quý 3/2023, trong khuôn khổ chương trình Hành trình đầu đời, Ban Tổ chức sẽ cung cấp thêm 2 khóa học mới: Kiểm soát cảm xúc và giao tiếp tích cực với con trẻ. Mọi khóa học đều miễn phí tới công nhân và cộng đồng. Đây là một chương trình rất nhân văn và hữu ích, giúp công nhân cải thiện kỹ năng làm cha mẹ và giúp con em công nhân có được sự chăm sóc đáp ứng, giáo dục sớm và chăm sóc đúng cách về sức khỏe và dinh dưỡng.

B.D

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chia-se-kinh-nghiem-giup-cong-nhan-khu-cong-nghiep-cai-thien-ky-nang-lam-cha-me-tich-cuc-156206.html