Chia sẻ kinh nghiệm về phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính

Chiều 25/10, được sự ủy quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) Ngô Hải Phan và ông Besla Hegedus, Trưởng phòng Tư pháp-Pháp luật và Quản trị, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã chủ trì hội thảo trực tuyến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phân cấp trong giải quyết TTHC. Tham dự tại các điểm cầu trực tuyến có đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo 12 tỉnh, thành phố. Tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng UBND huyện Đà Bắc và TP Hòa Bình.

Các đại biểu dự họp tại điểm cầu của tỉnh.

Các đại biểu dự họp tại điểm cầu của tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan nêu rõ, việc phân cấp, phân quyền đã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cũng theo ông, hiện nay, TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các Bộ, ngành Trung ương là 3.835 TTHC chiếm gần 60% so với các cấp chính quyền địa phương là 1.458 TTHC chiếm 22,3%, còn lại 1.242 TTHC là các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của cơ quan ngành dọc chiếm gần 18%.

Trên thực tế, với các TTHC chưa được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4, trong khi đa số người dân, doanh nghiệp cư trú và có trụ sở đóng trên địa bàn các địa phương, thì việc phải giải quyết TTHC tại cấp bộ, cấp tỉnh làm mất nhiều thời gian, công sức của đối tượng thực hiện, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống người dân, ảnh hưởng tới sự phát triển KT-XH. Việc phải trực tiếp giải quyết nhiều TTHC khiến các bộ, cơ quan Trung ương sa vào sự vụ, không thể tập trung nguồn lực xây dựng cơ chế, chính sách, quản lý vĩ mô. Chính vì vậy, Đề án phân cấp trong giải quyết TTHC đang được xây dựng thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng trong việc rà soát toàn bộ TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp để điều chỉnh thẩm quyền giải quyết. Việc phân cấp trong ban hành cơ chế, chính sách, cũng như phân cấp trong giải quyết công việc giữa các cơ quan quản lý Nhà nước không liên quan đến người dân, doanh nghiệp không thuộc phạm vi của Đề án. Đề án không đi vào những vấn đề mang tính nguyên tắc mà trực tiếp xây dựng từng phương án phân cấp cụ thể để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Từ đầu cầu Paris (Pháp), chuyên gia Nicolas Tenzer đã chia sẻ về phân cấp, phân quyền và đơn giản hóa TTHC - kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp. Chương trình đơn giản hóa TTHC tại Pháp được thực hiện từ hơn 40 năm nay và đạt nhiều kết quả. Năm 2018, khoảng 80% TTHC được người dân đánh giá là đơn giản hoặc rất đơn giản. Kết quả này đạt được nhờ việc phát triển Chính phủ điện tử và cắt giảm số lượng giấy tờ, tài liệu phải cung cấp khi thực hiện thủ tục.

Bế mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương quán triệt mục tiêu đề xuất phân cấp giải quyết TTHC đạt ít nhất 20%, đồng thời bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, việc phân cấp trong giải quyết TTHC phải được tiến hành đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn và góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của đất nước theo từng giai đoạn.

Minh Hiền (Sở Tư pháp)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/158761/chia-se-kinh-nghiem-ve-phan-cap-tr111ng-giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh.htm