Chinh phục Everest hay 'dạo chơi với tử thần'

Hành trình chinh phục đỉnh Everest, 'nóc nhà' của thế giới, nguy hiểm nhưng hấp dẫn, thu hút hàng trăm người đăng ký mỗi năm...

Các nhà leo núi trên chặng đường chinh phục đỉnh Everest. (Nguồn: Global Rescue)

Các nhà leo núi trên chặng đường chinh phục đỉnh Everest. (Nguồn: Global Rescue)

Đỉnh Everest thuộc dãy Himalaya, nằm trên biên giới Nepal và Tây Tạng (Trung Quốc). Ngọn núi vĩ đại này được người Nepal gọi là Sagarmatha và người Tây Tạng gọi là Chomolungma.

Tên gọi Everest được Hiệp hội Địa lý Hoàng gia Anh đặt năm 1865, theo tên của ông George Everest (1790-1866), người lãnh đạo nhóm khảo sát ngọn núi vào năm 1841.

Everest chính là đỉnh núi cao nhất thế giới, cao 8.848m trên mặt nước biển. Con số này được nhóm nghiên cứu người Ấn Độ đo năm 1955 và được cả chính phủ Nepal và Trung Quốc coi là chiều cao chính thức cho đến ngày nay.

Hành trình gian khổ

Được xem là “nóc nhà” của thế giới, mức oxy trên đỉnh Everest rất thấp, nhiệt độ cực lạnh, những đám mây u ám dày đặc bầu trời, kèm theo là những cơn gió cắt da cắt thịt, tốc độ gió có lúc tới 160 km/h. Nhiệt độ ban đêm hạ xuống -34 độ C, thời tiết diễn biến khó lường, những trận bão tuyết, tuyết lở thường xuyên xảy ra, do đó rất nhiều hiểm nguy.

Các nhà leo núi thường nhờ thổ dân Sherpa - nhóm người dân tộc thiểu số Tây Tạng - làm người dẫn đường do họ có nhiều kiến thức về dãy Himalaya cũng như kỹ năng leo núi.

Núi Everest có hai đường leo chính: đi theo sườn phía Đông Nam từ Nepal và đi theo sườn phía Bắc từ Tây Tạng. Tuy đường đi bên sườn phía Bắc ngắn hơn nhưng hiện nay hầu hết các nhà leo núi đi đường phía Đông Nam vì dễ đi hơn.

Để chinh phục Everest, người ta có thể phải mất đến hàng tháng, thậm chí cả năm trời để luyện tập thể lực. Dù vậy, kể cả khi đã chuẩn bị kỹ, chinh phục thành công Everest chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Ở độ cao 8.848m, lượng oxy trên đỉnh Everest chỉ bằng một phần ba so với ở mặt đất, điều này khiến các nhà leo núi khó thở vì không đủ oxy. Theo các nhà khoa học, cơ thể con người không thể chịu đựng được độ cao trên 6.000m. Càng leo lên cao thì lượng oxy càng ít đi, cơ thể đối mặt với rất nhiều nguy cơ, bao gồm phù não phù phổi và tắc mạch máu.

Ngoài ra, những tổn thương do bỏng lạnh sẽ tăng nhanh, vì ở độ cao như vậy, tim phải làm việc nhiều hơn để đưa máu mang oxy tới các cơ quan khắp cơ thể. Cơ quan nội tạng được ưu tiên cao hơn, ngón tay và ngón chân được cấp oxy cuối cùng, do đó khi bị nhiễm lạnh, hiện tượng bỏng lạnh xảy ra khiến nạn nhân có thể phải bị cắt đi ngón tay và ngón chân của mình.

Mục tiêu đầu tiên của những người muốn chinh phục Everest là Trạm căn cứ, nằm ở độ cao khoảng 5.181m. Muốn đến đây, họ sẽ phải mất khoảng hai tuần. Sau đó, họ sẽ đi đến ba trạm còn lại, nằm dọc theo ngọn núi.

Trạm bốn - trạm cuối cùng trước khi lên đỉnh núi - nằm ở rìa của “vùng chết”, ở độ cao 7.924m. Tại đây, những người leo núi phải chịu đựng bầu không khí cực kỳ loãng, nồng độ oxy giảm xuống còn chưa đầy 40%, kèm theo nhiệt độ luôn ở mức âm và những trận gió mạnh đủ để hất bay một người trưởng thành ngã xuống núi.

Ở độ cao lớn nhất gần đỉnh Everest, hầu hết những người leo núi đều phải dùng bình oxy để bổ sung dưỡng khí cho cơ thể. Tình trạng thiếu oxy là mối đe dọa lớn nhất đối với tính mạng những người leo núi.

Kể từ những năm 1920, 330 nhà leo núi đã thiệt mạng khi chinh phục “nóc nhà thế giới”, 200 tử thi hiện vẫn còn nằm lại trên đường lên đỉnh.

Năm 2023, có hơn 600 nhà leo núi đã lên đến đỉnh Everest nhưng cũng là năm có nhiều người thiệt mạng nhất, tới 18 người.

Nhiều nhà leo núi kỳ cựu và lãnh đạo ngành du lịch Nepal cho rằng nguyên nhân khiến số người leo núi tử vong cao như vậy chủ yếu do chưa có kinh nghiệm. Có nhiều đại lý du lịch chào giá rẻ để nhận khách đi tour Everest dù họ không có kỹ năng. Không ít nạn nhân thậm chí không thạo dùng các dụng cụ leo núi.

Vượt qua giới hạn của bản thân

Nepal là nơi có tám trong 10 đỉnh núi cao nhất thế giới, chào đón hàng trăm nhà leo núi vào mỗi mùa Xuân khi nhiệt độ ấm áp và gió êm dịu.

Theo báo Kathmandu Post, năm nay, Nepal cấp phép cho 421 cá nhân nộp phí để leo núi Everest, giảm so với 479 giấy phép của năm ngoái.

Hiện nay, đa phần những người muốn lên đỉnh Everest đều xuất phát từ Nepal. Mỗi người phải trả 11.000 USD cho giấy phép leo núi, cộng thêm thiết bị an toàn, thực phẩm, bình oxy, hướng dẫn viên và nhiều thứ khác. Theo Nepal Peak Adventure, chi phí leo núi Everest là khoảng 45.000 đến 80.000 USD. Tuy nhiên, số tiền chính xác có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố như dịch vụ do công ty thám hiểm cung cấp, mùa và sở thích cá nhân.

Đây là mức chi phí khá lớn không chỉ với những nhà leo núi người Việt Nam mà cả từ các quốc gia khác.

Nhà leo núi người Mỹ Alyssa Azar, từng chinh phục thành công đỉnh Everest, nhận định: “Thay vì thương mại hóa môn thể thao mạo hiểm này, Tổng cục Du lịch Nepal nên điều chỉnh lại số lượng giấy phép, đồng thời phải kiểm tra gắt gao về sức khỏe, trang thiết bị và kinh nghiệm của người leo núi trước lúc lên đường”.

Năm nay, Nepal yêu cầu tất cả những người leo núi phải thuê và sử dụng chip theo dõi trong suốt hành trình. Ông Rakesh Gurung, người đứng đầu ngành du lịch Nepal, cho biết rằng các công ty lữ hành đều đã sử dụng chip cho khách hàng của họ trên hành trình chinh phục. “Điều này là bắt buộc đối với tất cả các nhà leo núi. Việc gắn chip sẽ giúp giảm thời gian tìm kiếm và cứu hộ trong trường hợp xảy ra tai nạn”, ông Gurung cho hay.

Leo núi Everest được coi là một trong những thử thách lớn nhất của bộ môn thể thao mạo hiểm này, thu hút những nhà thám hiểm muốn thử thách kỹ năng và vượt qua giới hạn của bản thân, đó là lý do giải thích “sức hút” của Everest.

Bởi vậy, bất chấp những trở ngại về chi phí và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, mỗi năm vẫn có hàng trăm nhà leo núi đến thử sức, để được đứng trên đỉnh thế giới, ngắm nhìn sự hùng vĩ của thiên nhiên.

HOÀNG TRUNG HIẾU

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chinh-phuc-everest-hay-dao-choi-voi-tu-than-287863.html