Chính quyền Hàn Quốc muốn tăng giờ làm việc, còn người dân thì không

Trong khi chính phủ Hàn Quốc muốn nâng thời gian làm việc tối đa hàng tuần lên 69 giờ, nhiều người lao động nước này không đồng tình.

 Nhiều người Hàn Quốc không muốn làm việc nhiều giờ mỗi tuần. Ảnh: The New York Times.

Nhiều người Hàn Quốc không muốn làm việc nhiều giờ mỗi tuần. Ảnh: The New York Times.

Ngày 19/3, Viện Sức khỏe và Xã hội Hàn Quốc (KIHASA) công bố kết quả khảo sát về cân bằng giữa công việc và cuộc sống, sau khi phỏng vấn 22.000 người ở độ tuổi 19-59 trong khoảng thời gian 20/9 đến 7/10/2022.

Kết quả cho thấy những người được hỏi muốn làm việc trung bình 36,7 giờ/tuần. Cụ thể, nhân viên chính thức muốn làm việc 37,63 giờ/tuần, nhân viên tạm thời và làm theo ngày muốn 32,36 giờ/tuần, theo Korea Times.

Người càng trẻ tuổi càng muốn dành ít thời gian cho công việc. Những người trong độ tuổi 19-29 muốn làm việc 34,92 giờ/tuần; những người độ tuổi 30 là 36,32 giờ. Mặt khác, người ở độ tuổi 40 và 50 lần lượt muốn làm việc 37,11 và 37,91 giờ/tuần.

Trong khi thời gian nghỉ giải lao trung bình hàng ngày, bao gồm cả ăn trưa, được tính là 64,45 phút, 40,1% người tham gia khảo sát cho rằng thời gian nghỉ của mình là không đủ.

"Số giờ làm việc quy định đã giảm liên tục khi văn hóa tôn trọng sự cân bằng công việc - cuộc sống ngày càng lan rộng, song người lao động ở Hàn Quốc vẫn làm việc nhiều tiếng. Xét đến số giờ làm việc mà mọi người thực sự mong muốn, chính phủ nên tiếp tục giám sát và quản lý chặt chẽ giờ làm việc trong nước", một quan chức của KIHASA cho biết.

"Thời gian nghỉ giải lao cần được đảm bảo chặt chẽ vì nó có liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sự an toàn của người lao động", người này nói thêm.

Tranh cãi

Kết quả cuộc khảo sát được đưa ra trong bối cảnh tranh cãi ngày càng gia tăng đối với đề xuất của Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc về cải cách hệ thống tuần làm việc, đưa ra ngày 6/3.

Hiện, Hàn Quốc thực hiện tuần làm việc 52 giờ, cho phép người lao động làm việc thường xuyên trong 40 giờ cộng với 12 giờ làm thêm. Các công ty phải đối mặt với hình phạt nếu thời gian làm thêm vượt quá số giờ tối đa. Quy định này được đưa ra từ năm 2018.

Tuy nhiên đề xuất mới của chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol muốn nâng thời gian làm việc tối đa hàng tuần lên 69 giờ. Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc lưu ý người lao động sẽ được nghỉ phép dài hơn để đổi lấy việc làm thêm giờ.

Tuy nhiên nhiều nhóm lao động và dân sự đã đặt ra nghi ngờ về điều này. Theo khảo sát của KIHASA, trung bình mỗi năm người lao động được nghỉ 17 ngày có lương, nhưng thực tế họ chỉ được nghỉ 11,63 ngày, còn lại hơn 5 ngày không được sử dụng.

 Hàn Quốc nổi tiếng là đất nước có văn hóa làm việc khắc nghiệt. Ảnh minh họa: Bloomberg.

Hàn Quốc nổi tiếng là đất nước có văn hóa làm việc khắc nghiệt. Ảnh minh họa: Bloomberg.

Khi được hỏi tại sao không thể sử dụng hết số ngày nghỉ hàng năm, 18,3% cho biết không đủ người thay thế làm công việc dồn lại và 17,6% nói khối lượng công việc quá nặng, 20% cho hay muốn nhận tiền trợ cấp cho những ngày nghỉ phép chưa sử dụng.

Giữa những tranh cãi ngày càng gay gắt, ngày 14/3, Tổng thống Yoon Suk Yeol yêu cầu các quan chức chính phủ xem xét lại đề xuất cải cách tuần làm việc, nói rằng chính phủ nên lắng nghe cẩn thận nhiều ý kiến khác nhau từ người lao động, đặc biệt từ thế hệ trẻ và xem xét các biện pháp được đề xuất để xem liệu có cần sự sửa đổi nào không.

Ngày 16/3, văn phòng tổng thống cho biết ông Yoon xem tuần làm việc kéo dài hơn 60 giờ là "quá mức", gợi ý về việc điều chỉnh giới hạn số giờ làm việc hàng tuần xuống 60 giờ hoặc thấp hơn.

Niềm vui và nỗi buồn của công việc

Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-chinh-quyen-muon-tang-gio-lam-viec-con-nguoi-dan-thi-khong-post1413342.html