Chính trị TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Xây dựng nếp sống văn hóa mới, đặc biệt là bản cam kết với '5 việc phải làm -5 việc không nên làm' của đồng bào dân tộc Mông ở một số địa phương trong tỉnh như luồng sinh khí mới giúp bà con thay đổi suy nghĩ, tạo sự gắn kết giữa các gia đình, họ tộc, bản làng. Bà con dân tộc Mông đang cùng các dân tộc khác chung sức xây dựng bản làng, quê hương ngày càng khang trang, giàu đẹp.

Bài 1: Xóa chi bộ “trắng” trên bản làng người Mông

Hủ tục lạc hậu – kìm hãm dân trí

Hố Mít là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện Tân Uyên với 96,68% dân tộc Mông sinh sống. Ngược dòng thời gian cách đây hơn 10 năm về trước, đời sống bà con rất khó khăn, tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu như: người chết không cho vào áo quan, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tự tử bằng lá ngón…

Trước thực trạng này, cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng Công an huyện tăng cường công tác tuyên truyền về pháp luật đến Nhân dân, các văn bản của Nhà nước quy định về xây dựng nếp sống văn hóa; tổ chức cho các gia đình ký cam kết không tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Tổ chức họp bản xây dựng “Hương ước thực hiện nếp sống văn hóa mới, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Hố Mít”.

Đồng chí Thào A Sinh - Bí thư Đảng ủy xã Hố Mít, huyện Tân Uyên cho biết: “Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, công tác tuyên truyền đã dần làm thay đổi nhận thức của bà con dân tộc Mông trên địa bàn xã Hố Mít. Các hộ gia đình, học sinh cấp THCS trở lên đều ký cam kết thực hiện nếp sống văn hóa mới: không tảo hôn, cưỡng hôn, ép hôn, đổi mới theo hướng tích cực trong việc tổ chức tang lễ, đám cưới không còn tốn kém, kéo dài”.

Cán bộ xã Hố Mít, huyện Tân Uyên tuyên truyền, vận động bà con xây dựng nếp sống mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Cán bộ xã Hố Mít, huyện Tân Uyên tuyên truyền, vận động bà con xây dựng nếp sống mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Trước đây, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội xã Khun Há, huyện Tam Đường luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, do có nhiều bản dân tộc Mông theo đạo, dễ bị kẻ xấu lợi dụng để lôi kéo, kích động. Tuy nhiên, với nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, chính quyền xã đã góp sức giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân.

Nhớ lại những năm trước, chị Cứ Thị Mỷ, bản Ngài Thầu Thấp, xã Khun Há tâm sự: “Ngày trước, nhà mình cũng nghe theo lời kẻ xấu dụ dỗ để di cư, song cuộc sống đói khổ lắm. Không có ăn, không có mặc, con cái thì không được đi học. Được chính quyền vận động trở về tôi nắm rõ hơn chính sách pháp luật của Nhà nước, không truyền đạo trái pháp luật, biết áp dụng các kiến thức của cán bộ hướng dẫn để phát triển kinh tế”.

Rời Khun Há, chúng tôi tìm đến những già làng người Mông ở bản Huổi Bắc, Pá Khoang của xã Pha Mu (huyện Than Uyên). Bên bếp lửa giữa nhà, ông Hờ A Thái - Phó Bí thư Chi bộ Huổi Bắc kể về những hủ tục xưa kia: “Ngày trước ở bản vẫn tồn tại tục bắt vợ, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sản xuất canh tác, sinh hoạt, văn hóa theo tập quán lạc hậu. Một số đối tượng đã lợi dụng tâm lý, sự thiếu hiểu biết của người dân, đặc biệt là những hộ khó khăn, có bệnh tật đang nằm viện hoặc có bệnh chữa không khỏi, thì họ sẽ đến thăm, cho một ít tiền hoặc nhu yếu phẩm nhằm lôi kéo, bảo họ bỏ bàn thờ không cúng tổ tiên mà đi theo đạo lạ, gây nên những bất ổn an ninh, trật tự ở địa phương”.

Hay như lời của ông Mùa A Mang, Trưởng Ban công tác mặt trận bản Tu San, xã Tà Mung (huyện Than Uyên): “Ngày trước khi chưa có bản cam kết thực hiện nếp sống văn hóa mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông, cuộc sống bà con khó khăn, vất vả lắm. Nhiều hủ tục lạc hậu như việc tổ chức tang lễ kéo dài (5 - 7 ngày) và giết mổ nhiều gia súc, gia cầm gây nên lãng phí và gánh nặng cho gia đình; còn nhiều người khi ốm không đi viện mà mời thầy cúng”.

Bản cam kết “có một không hai” của người Mông

Để tìm hiểu rõ hơn về nội dung bản cam kết với “5 việc phải làm-5 việc không nên làm” trong xây dựng nếp sống văn hóa mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông, chúng tôi tìm gặp anh Sùng A Sa – Phó Chủ tịch UBND xã Tà Mung (huyện Than Uyên). Quãng đường từ trung tâm huyện lên xã như ngắn lại khi kể cho chúng tôi nghe về sự đổi thay người Mông nơi đây. Thay vì hủ tục xưa kia thì đồng bào Mông đã biết chỉnh trang nhà cửa sạch đẹp, trồng hoa đón khách du lịch, liên kết doanh nghiệp trồng chanh leo. Bản làng ngày càng trù phú, các mô hình kinh tế mọc lên nhiều hơn; tiếng khèn, tiếng sáo từ các đội văn nghệ tập luyện vang vọng cả núi rừng.

Người dân bản Huổi Bắc (xã Pha Mu, huyện Than Uyên) lập lại bàn thờ để cúng tổ tiên.

Người dân bản Huổi Bắc (xã Pha Mu, huyện Than Uyên) lập lại bàn thờ để cúng tổ tiên.

Gặp ông Mùa A Mang, Trưởng Ban công tác mặt trận bản Tu San, xã Tà Mung khi đang hướng dẫn các thành viên trong Ban vận động xây dựng nếp sống văn hóa mới trong đồng bào dân tộc Mông tập luyện các bài múa khèn. Ông Mang tâm sự: “Từ khi bà con thực hiện cam kết 5 việc phải làm-5 việc không nên làm thì nhận thức của người dân đã thay đổi đáng kể từ việc sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, đến đoàn kết, giúp đỡ nhau, không di cư tự do, việc tang chỉ để 1 ngày, việc cưới hạn chế thách cưới và ăn uống cũng ít”.

Tại bản Huổi Bắc, xã Pha Mu (huyện Than Uyên), thực hiện nếp sống văn hóa mới đã làm thay đổi cuộc sống, nhận thức của người dân nơi đây. Trong đó, phải kể đến có 5 hộ, 21 khẩu theo đạo đã tự nguyện quay lại lập bàn thờ thờ cúng tổ tiên theo phong tục truyền thống của dân tộc Việt Nam. Các trường hợp ốm đều đến trạm y tế khám chữa bệnh, gia đình đều cho con đến trường học đầy đủ, tình trạng sinh con thứ 3 giảm.

Đem những kết quả trong việc xây dựng “Nếp sống văn hóa mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông” chia sẻ với ông Lò Văn Hương – Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên thì ông cho biết: Toàn huyện có 1.369 hộ/7.614 khẩu dân tộc Mông sinh sống tập trung tại 21 bản thuộc 8 xã. Huyện đã xây dựng nội dung và ký cam kết “Nếp sống văn hóa mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông”, với “5 việc phải làm và 5 việc không làm”. Các xã có người Mông sinh sống cũng thành lập Ban Vận động thực hiện “Nếp sống văn hóa mới” trong đồng bào dân tộc Mông. Ban có nhiệm vụ tổ chức hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức nhân dân trong công tác triển khai thực hiện “Nếp sống văn hóa mới”.

Đồng bào dân tộc Mông chung sức xây dựng nông thôn mới từ việc góp công làm đường giao thông nội bản.

Đồng bào dân tộc Mông chung sức xây dựng nông thôn mới từ việc góp công làm đường giao thông nội bản.

Về xã Hố Mít, huyện Tân Uyên hôm nay đã “thay da đổi thịt”, không còn những con đường đất lầy lội mà thay vào đó đường bê tông phẳng lỳ, những ngôi nhà mới khang trang, vững trãi báo hiệu cuộc sống ấm no đã về trên vùng đất khó. Vui hơn bà con đã thay đổi nhận thức, phát huy được vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. 100% đám ma của người dân trong xã thực hiện theo đúng nghi lễ nếp sống văn hóa mới và phù hợp tập quán của dân tộc. Hiện, xã có 6/6 bản đã xây dựng quy ước; đời sống người dân từng bước được cải thiện, năm 2019 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây chính là thành quả của việc thực hiện nếp sống văn hóa mới, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.

Là hộ đầu tiên của xã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, anh Tráng A Vinh ở bản Trung tâm chia sẻ: Năm 2019 tôi bàn với vợ viết đơn lên xã xin thoát ra khỏi hộ nghèo. Để có nguồn thu nhập, gia đình tích cực tăng gia sản xuất, mạnh dạn đưa các giống lúa, ngô năng suất cao vào trồng, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Đến nay, gia đình có 13 con dê, 5 con bò, trung bình mỗi năm thu 60 bao thóc, 5 tạ sắn, ngô. Trừ chi phí mỗi năm thu nhập được 50 triệu đồng, giờ đây cuộc sống khấm khá hơn, có của ăn của để lo cho con học hành đầy đủ”.

Có thể khẳng định, việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu và xây dựng nếp sống văn hóa mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông đã giúp bà con giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Thúc đẩy tinh thần đoàn kết, ý chí, nghị lực của đồng bào Mông góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, khơi dậy ý thức tự giác, tính tự chủ của đồng bào dân tộc Mông. Qua đó, góp phần tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

5 việc phải làm: (1) Phải cùng nhau thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; Phải đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; Giữ nguyên truyền thống tôn kính tổ tiên, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. (2) Phải đến trạm y tế chữa bệnh khi ốm đau, mỗi cặp vợ chồng chỉ đẻ từ 1-2 con và phải đến trạm y tế để đẻ; phải cho con đến trường học theo quy định, đã đi học thì không được bỏ học. (3) Phải tổ chức đám cưới khi nam nữ yêu nhau và tự nguyện lấy nhau (nam 20 tuổi và nữ 18 tuổi trở lên); trước khi lấy nhau phải nói với bố mẹ và phải đăng ký tại UBND xã. (4) Phải tổ chức đám ma tiết kiệm hạn chế mổ trâu, bò, lợn gà, chỉ ăn uống bình thường theo khả năng gia đình hiện có. Người chết phải được cho vào quan tài và phải được chôn cất cẩn thận. (5) Phải duy trì lễ hội truyền thống tốt đẹp của người Mông. Khi tổ chức các lễ hội mọi người được tự nguyện mang đến lễ hội những gì mà mình có thể góp vui.

5 việc không làm: (1) Không trồng, không hút thuốc phiện, không tàng trữ sử dụng trái phép chất ma túy, sử dụng vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đặc biệt là súng săn tự chế. (2) Không di cư tự do, không chặt cây và đốt phá rừng làm nương rẫy, không thả rông trâu bò dê ngựa lợn dẫn đến phá hoại nương rẫy ruộng vườn và vùng trồng chè và các cây trồng khác. (3) Không nghe kẻ xấu tuyên truyền bỏ bàn thờ theo đạo trái pháp luật, không nhờ thầy cúng thầy lang chữa bệnh khi ốm đau, không ăn trộm ăn cắp, nói dối, không điều khiển xe máy khi đã uống rượu. (4) Không lấy quá 100kg lợn hơi, năm triệu đồng tiền mặt, 40 lít rượu, bạc trắng đối với nhà trai khi tổ chức cho con và không tổ chức ăn cưới quá một ngày. (5) Không để người chết quá 2 ngày mới chôn, không mổ quá 1 con trâu hoặc 1 con bò, nếu mổ trâu, bò phải được sự đồng ý của trưởng bản hoặc người có uy tín.

(Còn nữa)

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/b%C3%A0i-2-lo%E1%BA%A1i-b%E1%BB%8F-h%E1%BB%A7-t%E1%BB%A5c-x%C3%A2y-d%E1%BB%B1ng-n%E1%BA%BFp-s%E1%BB%91ng-v%C4%83n-h%C3%B3a-m%E1%BB%9Bi