Chính trường Myanmar: Thách thức đối với NLD hậu bầu cử

Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar ngày 13-11 đã công bố kết quả chính thức của cuộc tổng tuyển cử tại nước này, theo đó đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi đã giành được đủ số ghế trong Quốc hội để thành lập chính phủ tiếp theo.

Mặc dù giành được chiến thắng quan trọng trong cuộc bầu cử song vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đối với NLD. Các chính sách của đảng này thời gian tới sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền dân chủ, sự tăng trưởng kinh tế và đối với các cơ hội kinh doanh.

Những nghi vấn

Một số người nghi ngờ và đặt câu hỏi về tính hợp pháp của cuộc bầu cử. Việc bỏ phiếu đã bị hủy bỏ ở nhiều khu vực của bang Shan và ảnh hưởng đến khoảng 73% cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu ở bang Rakhine bị cho là “có nhiều vấn đề”.

Các vấn đề bất thường cũng đã được ghi nhận - chẳng hạn như tem giả được sử dụng để bỏ phiếu và các dấu niêm phong ở một số thùng phiếu không còn nguyên vẹn. Hơn nữa, cuộc bầu cử vẫn được tiến hành bất chấp dịch Covid-19 ngày càng diễn biến tồi tệ và các biện pháp đối phó đã hạn chế một số chiến dịch tranh cử.

Đây là những khiếm khuyết mà các nhà bình luận phương Tây đã chỉ ra. Lực lượng quân đội cũng có quan điểm như vậy, cho rằng cuộc bầu cử không "tự do và công bằng". Tuy nhiên, hầu hết mọi người sẽ chấp nhận kết quả hiện tại, cho rằng sẽ cần thêm thời gian để củng cố vững chắc các tiến trình dân chủ.

Hơn nữa, kết quả của cuộc bầu cử cho thấy rõ người dân Myanmar không chỉ từ chối các đảng phái được quân đội hậu thuẫn mà còn tái khẳng định sự yêu mến đối với bà Aung San Suu Kyi, bất chấp những chỉ trích của phương Tây. Mặc dù vậy, sự ủng hộ rõ ràng của người dân đối với NLD trong cuộc bầu cử không giải quyết được một số vấn đề quan trọng nhất mà chính phủ mới sẽ phải đối mặt.

Nhân viên bầu cử làm công tác kiểm phiếu. Ảnh tư liệu

Nhân viên bầu cử làm công tác kiểm phiếu. Ảnh tư liệu

Hệ thống chính trị chia rẽ

NLD phải chứng tỏ được năng lực điều hành đất nước. Sự chuyển đổi của NLD từ một phe đối lập “anh hùng” sang việc điều hành chính phủ đã gặp khó khăn trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Điều này không chỉ bởi vì năng lực/khả năng và kinh nghiệm hạn chế mà còn do quyền lực của chính phủ đang bị chia sẻ theo Hiến pháp, trong đó lực lượng quân đội đầy uy quyền được đảm bảo có được 25% tổng số ghế nghị sỹ Quốc hội và kiểm soát các bộ quan trọng như Bộ Quốc phòng, Bộ Biên giới và Bộ Nội vụ.

Những ưu tiên hàng đầu của NLD vẫn phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, bao gồm việc sửa đổi Hiến pháp và duy trì hòa bình với các cộng đồng người dân tộc thiểu số.

Bước vào nhiệm kỳ hai, chính phủ của NLD phải tìm ra được phương thức và cách thức hợp tác với quân đội, nếu không sẽ đạt được rất ít tiến triển. Chính phủ mới cũng phải đối phó với sự đa dạng của xã hội Myanmar, trong đó nhiều dân tộc thiểu số cho rằng NLD bị thống trị bởi người dân tộc Bamar chiếm đa số.

Điều này dẫn đến cuộc bầu cử năm 2020 bị phân tán hơn, với một số đảng có nền tảng là sắc tộc thiểu số mới được dự kiến sẽ mở rộng/phát triển ở cấp bang. Tuy nhiên, Hiến pháp cho phép chính phủ bổ nhiệm các thủ hiến mỗi bang, và điều này có thể dẫn đến các mối quan hệ không suôn sẻ.

Giải quyết vấn đề kinh tế và các cuộc khủng hoảng

Tăng trưởng kinh tế là một ưu tiên khác. Sau cuộc bầu cử năm 2015, chính phủ của NLD đã ít chú ý đến các vấn đề kinh doanh, kinh tế và động lực tăng trưởng kinh tế đã không còn. Hiện nay, ưu tiên quan trọng là phải phục hồi sau đại dịch Covid-19 và chuẩn bị cho sự phát triển mạnh mẽ hơn và lâu dài hơn. Có một số yếu tố có thể lạc quan.

Trong 2 năm qua, chính phủ NLD đã nỗ lực cải cách, giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà và đưa ra các quy định rõ ràng hơn. Kế hoạch Tổng thể phát triển bền vững của Myanmar đã được đưa ra, với các nguyên tắc phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và một ngân hàng dự án với chức năng làm rõ các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng cho các nhà đầu tư tiềm năng. Cũng có sự lạc quan về thị trường tiêu dùng và nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh của Myanmar.

Trong lộ trình tiến hành bầu cử, ban lãnh đạo NLD nhấn mạnh vào vấn đề tăng trưởng kinh tế và việc làm, tuy nhiên việc thực hiện những lời hứa đó sẽ phụ thuộc vào việc thu hút các nhà đầu tư quốc tế.

Điều này dẫn đến ưu tiên thứ ba: chính phủ của đảng NLD phải đối phó với 2 cuộc khủng hoảng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đầu tiên là đại dịch Covid-19. Myanmar có hệ thống chăm sóc sức khỏe không đầy đủ và sẽ phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ những chủ thể khác cho Kế hoạch Cứu trợ kinh tế Covid-19 và Kế hoạch cải cách và phục hồi kinh tế trung hạn.

Cuộc khủng hoảng thứ hai và vẫn đang tiếp diễn là ở bang Rakhine. Tình hình rất phức tạp và không thể dễ dàng giải quyết, đặc biệt là với yếu tố cảm tính mạnh mẽ ở Myanmar, nơi nhiều người không công nhận người Rohingya. Điều này tạo ra căng thẳng với cộng đồng quốc tế, và đặc biệt là với phương Tây (vốn đã có các chỉ trích ngày càng mạnh mẽ kể từ năm 2017).

Việc tìm ra được cách thức tốt hơn để quản lý, kiểm soát vấn đề này sẽ là cần thiết. Đối với Myanmar, vươn lên trở thành một nền dân chủ và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu luôn luôn là một thách thức.

Sự nổi bật của cuộc bầu cử năm 2015 và chiến thắng đầu tiên của NLD đã che đậy sự thật đó. Cuộc bỏ phiếu năm 2020 một lần nữa cho thấy người dân ủng hộ và công nhận NLD, nhưng có lẽ vẫn còn nhiều việc phải làm để đảng này có thể cải thiện được tình hình.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chinh-truong-myanmar-thach-thuc-doi-voi-nld-hau-bau-cu-217594.html