Chơi chuyền, có ai còn nhớ…

Tranh thủ dịp hè, tôi cho bọn trẻ về quê chơi. Quê hương giờ đã đổi thay rất nhiều, nhưng vẫn có nhiều thứ mà chỉ cần nhìn lướt qua thì bao ký ức, bao kỷ niệm một thời thơ ấu nơi làng quê yên bình này lại ùa về trong tôi…

Đang thong thả dắt lũ trẻ sang nhà cụ ngoại chơi, tôi bỗng bị thu hút bởi một nhóm trẻ ríu rít chơi trò gì đó trên sân nhà cụ. Hóa ra chúng chơi chuyền - trò chơi mà một thời mấy chị em tôi cũng từng hào hứng, mải miết chơi cả ngày không biết chán. Đã lâu lắm rồi tôi mới lại thấy trẻ con chơi trò này.

Bọn trẻ bỏ tay tôi lao lên sân xem các chị chơi khiến tôi cũng đưa chân theo chúng. Và rồi, những ký ức tuổi thơ với trò chơi dân gian này lại ùa về. Ngày ấy, chúng tôi còn gọi trò này là chơi chắt hoặc chơi mốt. Trò chơi này thường chỉ có con gái hay chơi. Đồ chơi bao gồm: Mười que nhỏ dài bằng nhau và một quả cái hay còn gọi là quả chuyền.

Chơi chuyền là trò chơi dân gian được nhiều thế hệ thiếu nhi yêu thích.

Chơi chuyền là trò chơi dân gian được nhiều thế hệ thiếu nhi yêu thích.

(Ảnh: Sưu tầm)

Mười que nhỏ có thể được vót bằng tre hoặc nứa dài cỡ hơn một gang tay. Nhưng ngày ấy, tôi rất thích dùng thân cây tế để làm que chuyền, vì chúng nhẵn bóng, có màu vàng nâu đẹp mắt lại không phải mất công vót. Ở quê tôi, cây tế mọc dại bên sườn đồi hoặc các ta-luy rất nhiều. Chỉ cần chọn khoảng 6 - 7 cây dài, thẳng, thân to tầm chiếc đũa là có thể làm được một bộ que chuyền đẹp mê ly.

Còn quả chuyền thì chúng tôi thường lấy quả chanh hoặc quả bòng nhỏ trong vườn nhà. Để không bị mẹ mắng vì tội suốt ngày vặt chanh, tôi thường nhặt những quả bòng non bị rụng làm quả chuyền, vừa mềm, vừa nhẹ. Sau này chúng tôi phát hiện, quả bóng bàn cũng có thể làm quả chuyền.

Tôi vẫn nhớ ngày ấy, hầu như tất cả những đứa bé gái tầm 6 tuổi trở lên ở quê tôi biết chơi chuyền. Cứ tranh thủ những lúc rảnh chúng tôi lại túm năm, tụm ba rủ nhau chơi trò này. Chơi chuyền đòi hỏi sự khéo léo, biết tung, hứng nhịp nhàng để vừa lấy được que vừa bắt được quả chuyền. Có thể chơi hai người, cũng có thể chơi với bốn, năm người, trên nền đất phẳng. Để dễ chơi, cần tìm một vật kê một đầu que chuyền cho dễ nhặt. Có đứa dùng chân, có đứa dùng một que gỗ… Tôi thường lấy cán chổi đặt trước mặt để tung quả và rải que sao cho cả mười que chuyền đều ghếch một đầu lên đó. Nếu quá đà, que chuyền chạm một đầu hoặc rơi sang bên kia cán chổi thì coi như bị “sang sông”, tức là phải nhường lượt chơi cho người khác. Không ít lần tôi bị mất lượt vì như vậy. Thật không dễ dàng để một người có thể chơi hết 10 bàn chuyền.

Điều thú vị ở trò chơi này là khi chơi, phải vừa đọc thơ vừa lấy que chuyền. Mỗi bàn một vần điệu nghe rất vui tai: Que mốt, que mai, cái trai, cái hến, con nhện chăng tơ, quả mơ, quả mận chần chẫn lên bàn hai; Đôi chúng tôi, đôi chúng nó, đôi con chó, đôi con mèo, đôi trèo ba; Ba lá đa, ba lá đề…. Cứ như vậy đến hết bàn mười thì chuyển sang bài chuyền vòng tròn. Có thể lựa chọn chuyền một vòng, chuyền hai vòng hoặc chuyền ba, chuyền năm… tùy sự khéo léo của mỗi người.

Tôi thường chọn chuyền hai vòng hoặc ba vòng. Tức là tung quả cái lên thật cao, trước khi quả rơi xuống thì phải nhanh tay xoay vòng nắm que chuyền trên tay đủ hai vòng, hoặc ba vòng rồi lại bắt lấy quả cái. Nếu chuyền mà không khéo để rơi que chuyền hoặc không bắt được quả cái thì mất lượt chơi.

Ngày ấy, trò chơi dân gian đơn giản mà thú vị này khiến bọn trẻ chúng tôi mải miết chơi đến nỗi đôi khi quên cả giờ nấu cơm, mãi đến khi mẹ đứng ở đầu nhà gọi vang khắp xóm mới hốt hoảng, tất tả chạy về.

Bây giờ, tôi ít thấy trẻ con chơi chuyền nữa, nhất là những đứa trẻ sống ở thành thị. Nhưng tôi tin, chỉ cần được truyền cảm hứng, được trải nghiệm, được tận mắt thấy bọn trẻ sẽ cũng thích và chơi được như tuổi thơ bao thế hệ người Việt đã nằm lòng và những trò chơi dân gian như chơi chuyền sẽ không chỉ còn trong ký ức…

Châu Giang

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-hoa-van-nghe/choi-chuyen-co-ai-con-nho-z8n20190819101253999.htm