Chủ động, đảm bảo nước tưới tiêu khi nhận bàn giao thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng

Thực hiện Kế hoạch 190 ngày 8/12/2020 của UBND tỉnh về bàn giao thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, đến nay, tỉnh cơ bản hoàn thành xong việc bàn giao, nhận bàn giao quản lý, khai thác và vận hành. Qua đó, giúp các địa phương, thủy lợi cơ sở chủ động cung cấp nước tưới, tiêu; nâng cao hiệu quả phục vụ của các công trình thủy lợi và ý thức của người dân trong công tác bảo vệ, sử dụng.

Hệ thống kênh mương nội đồng xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường được đầu tư xây mới, bàn giao cho địa phương góp phần chủ động trong việc điều tiết, cung cấp nước tưới, tiêu. Ảnh: Thế Hùng

Hệ thống kênh mương nội đồng xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường được đầu tư xây mới, bàn giao cho địa phương góp phần chủ động trong việc điều tiết, cung cấp nước tưới, tiêu. Ảnh: Thế Hùng

Trực tiếp gần dân, bám sát đồng ruộng và am hiểu từng vùng, thửa của địa phương, ông Dương Hải Đông, cán bộ nông nghiệp xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô chia sẻ: Trước đây, mỗi lần xảy ra sự cố kênh mương, muốn khắc phục phải thực hiện nhiều trình tự thủ tục, dẫn đến việc cung cấp nước tưới không kịp thời.

Nhận bàn giao thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, địa phương, thủy lợi cơ sở sẽ chủ động, dễ dàng hơn trong việc điều tiết nước cho từng cánh đồng, góp phần tiết kiệm nước và chi phí.

Tuy nhiên, hơn 40 km thủy lợi nội đồng địa phương nhận bàn giao, do Tổ thủy lợi của HTX Nông nghiệp xanh Đồng Thịnh quản lý, điều tiết, còn một số đoạn kênh bị vỡ, thủng đáy; một số xuống cấp và một số hồ, đập không còn nguyên trạng do việc xói mòn đất, dẫn đến bồi lấp.

Rất mong các cấp, các ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, sửa chữa, nạo vét kênh mương, hồ đập; đảm bảo công tác dự trữ, cấp nước tưới, tiêu cho bà con được thuận lợi hơn.

Cũng như Đồng Thịnh, sau khi nhận bàn giao thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường đã giao cho Tổ hợp tác thủy lợi, đảm bảo công tác tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương được liên tục, cung cấp đầy đủ nước gieo cấy, tưới dưỡng cho cây trồng.

Chủ tịch UBND xã Phú Đa Nguyễn Danh Hồng cho biết: Bàn giao thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng không chỉ giúp địa phương chủ động trong việc cung cấp nước tưới, tiêu mà còn nâng cao hiệu quả khai thác cũng như ý thức trách nhiệm của người dân khi thụ hưởng chính sách ưu đãi miễn thủy lợi phí của tỉnh.

Tại huyện Tam Đảo, đến ngày 31/12/2020, công tác bàn giao thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng về các xã, thị trấn được thực hiện theo đúng Kế hoạch số 190 của UBND tỉnh với 2 trạm bơm, 27 hồ chứa nước, 17 công trình đập dâng, vai, lái và gần 364 km hệ thống kênh mương.

Tuy nhiên, 2 trạm bơm nhận bàn giao thì 1 trạm bơm (trạm bơm Bồ Trong) không có máy, trạm bơm còn lại đã cũ, phải sửa chữa nhiều và không xác định được giá trị của trạm bơm, do đó rất khó khăn cho công tác phục vụ tưới.

Hiện 8 trạm bơm có diện tích tưới dưới 20 ha, công ty thủy lợi chưa bàn giao lại cho địa phương tổ chức quản lý theo Quyết định số 1161/2020 của UBND tỉnh. Các công trình hồ đập nhỏ đa số bị bồi lấp, không có khả năng tích nước, giữ nước, bị xâm lấn nhiều; các vai, lái đã cũ, một số chưa được đầu tư đảm bảo cho việc tích trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương, gây khó khăn trong dẫn nước phục vụ sản xuất…

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thiệu Vỹ, Phó trưởng phòng Quản lý công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn Chi cục Thủy lợi cho biết: Với 495 công trình, gồm 272 hồ, đập; 223 trạm bơm; gần 5.800 km kênh mương các loại, việc tưới, tiêu, cấp nước giao cho UBND các xã, phường, thị trấn, các Công ty TNHH MTV Thủy lợi cơ bản kịp thời theo yêu cầu, đảm bảo mức nước tại các điểm giao nhận sản phẩm dịch vụ thủy lợi để các xã, thủy lợi cơ sở tổ chức lấy nước.

Việc vận hành các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng sau khi bàn giao được UBND các huyện, thành phố quan tâm, chỉ đạo, đáp ứng công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp được liên tục, không gián đoạn; cung cấp đủ nước gieo cấy, tưới dưỡng cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt; tạo điều kiện cho địa phương, thủy lợi cơ sở chủ động trong việc cung cấp nước tưới, từ đó nâng cao hiệu quả phục vụ các công trình, hệ thống công trình thủy lợi.

Đồng thời, khắc phục được những tồn tại, hạn chế khi thực hiện mô hình các công ty thủy lợi quản lý “trọn gói” từ kênh cấp I đến kênh nội đồng; tăng cường chức năng quản lý nhà nước về thủy lợi cấp huyện, cấp xã; giảm hiện tượng một số cấp chính quyền, người dân có tâm lý ỉ nại, coi công tác thủy lợi là của các công ty thủy lợi; đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư vào cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều công trình, hệ thống hồ, đập, trạm bơm nhỏ đã xuống cấp, chưa được cải tạo, nâng cấp, ảnh hưởng đến hiệu quả phục vụ công trình. Hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng bị bồi lấp cần nạo vét nhưng nguồn kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu.

Phần lớn các xã, phường, thị trấn chưa thành lập, củng cố, kiện toàn các Tổ thủy lợi cơ sở; một số đơn vị diện tích đất nông nghiệp manh mún, xâm canh ở địa bàn xã khác, khiến việc thành lập bộ máy quản lý và khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn các xã gặp khó khăn…

Chi cục Thủy lợi đã tham mưu Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1161 và Quyết định 01/2021; hỗ trợ kinh phí đầu tư, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đã xuống cấp, hư hỏng; hỗ trợ địa phương mua máy dã chiến phục vụ tưới tiêu cho những vùng cao, diện tích phải bơm chuyền; nâng mức hỗ trợ giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi nội đồng và thủy lợi nhỏ để đảm bảo đáp ứng các chi phí tối thiểu các khoản mục chi theo quy định; bổ sung giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi nội đồng đối với diện tích phục vụ chăn nuôi, cấp nước nuôi trồng thủy sản, diện tích trồng cây lâu năm…

Hồng Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/75051/chu-dong-dam-bao-nuoc-tuoi-tieu-khi-nhan-ban-giao-thuy-loi-nho-thuy-loi-noi-dong.html