Chủ động phòng, chống hạn, mặn tại đồng bằng sông Cửu Long

Chỉ mới bước vào đầu mùa khô nhưng nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đã chịu những tác động nghiêm trọng do hạn hán và nước mặn xâm nhập. Rút kinh nghiệm trước đây, Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư, các địa phương và người dân trong vùng đã quyết liệt, chủ động, sáng tạo áp dụng nhiều giải pháp phòng, chống hạn, mặn, đem lại hiệu quả cao.

Cống Lình Huỳnh nằm trong hệ thống thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt cho vùng tứ giác Long Xuyên, tỉnh Kiên Giang, đã đóng kín từ nhiều tháng qua.

Cống Lình Huỳnh nằm trong hệ thống thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt cho vùng tứ giác Long Xuyên, tỉnh Kiên Giang, đã đóng kín từ nhiều tháng qua.

BÀI 1: Sẵn sàng đối mặt với hạn, mặn

Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại ÐBSCL khiến lúa, hoa màu chết khô, nước sinh hoạt thiếu trầm trọng, cuộc sống của người nông dân khốn đốn... Tuy nhiên, nhờ sự chủ động, tích cực phòng, chống cho nên những thiệt hại do hạn, mặn gây ra đã giảm đáng kể.

Hạn, mặn xâm nhập nghiêm trọng

Ðồng lúa xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) những ngày cuối tháng 2, nắng hầm hập, mặt đất nứt nẻ. Cũng như nhiều nông hộ khác trong xã, gia đình ông Cao Văn Ðơn (ấp Lung Bạ, xã Khánh Bình Ðông) vừa thu hoạch bốn công lúa vụ đông xuân nhưng chỉ được hơn 30 bao. Nhẩm tính, mỗi công lúa, nhà ông Ðơn chỉ thu khoảng 15 giạ, giảm khoảng 50% so vụ mùa trước. Ông Ðơn buồn bã: “Với chừng ấy lúa thu được, gia đình tôi bán hết cũng chưa đủ vốn”. Cùng cảnh ngộ, ông Huỳnh Văn Thức (ấp 2, xã Khánh Bình Ðông) thu xong ruộng lúa gần 1,5 ha nhưng phải tốn tiền vận chuyển lúa bằng xe gắn máy 600 nghìn đồng/bao. Kênh rạch khô nước, vận chuyển lúa bằng đường thủy trong xóm ông Thức giờ đây bế tắc hoàn toàn. Bởi vậy, nhà nông như ông Thức một là thuê chở lúa bằng xe gắn máy, hoặc thương lái vào tận nơi thu mua, bị trừ tiền chuyên chở ra ghe lớn 200 đồng/kg. “Lúa thiếu nước giảm năng suất, lại thêm tiền vận chuyển. Kiểu này thì nhà nông chúng tôi thiệt hại lớn” - ông Thức chia sẻ.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Cà Mau, vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh gieo trồng hơn 30.000 ha, tập trung ở vùng ngọt huyện Trần Văn Thời, U Minh và một phần của TP Cà Mau. Do hạn, mặn không có nguồn nước tưới tiêu, đã có hơn 18.000 ha các trà lúa bị thiệt hại. Trong đó, vụ lúa - tôm thiệt hại gần 16.000 ha, vụ đông xuân hơn 2.100 ha. Các trà lúa đông xuân còn lại đang và sắp thu hoạch, tuy chưa thống kê được mức độ thiệt hại nhưng ước tính năng suất giảm từ 30 đến 70%. Ngoài ra, toàn tỉnh Cà Mau còn có hơn 20.500 hộ thiếu nước sinh hoạt; hơn 42.300 ha lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo có nguy cơ cháy. Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Lê Thanh Triều cho biết, đây không phải lần đầu Cà Mau đối mặt với hạn, mặn mà đã từng xuất hiện vào mùa khô hạn năm 2016. Tổng thiệt hại mà tỉnh Cà Mau gánh chịu trong mùa khô năm 2016 ước tính khoảng 1.500 tỷ đồng.

Còn tại tỉnh Kiên Giang, hạn, mặn đã bắt đầu ảnh hưởng đến những vùng trồng lúa nằm giáp với Biển Tây thuộc các huyện Hòn Ðất, Kiên Lương, An Biên và An Minh. Tại huyện Hòn Ðất, nơi có diện tích sản xuất lúa và sản lượng lớn nhất tỉnh đã bắt đầu xuất hiện tình trạng lúa chết khô trên đồng. Ông Danh Thuận, ngụ ấp Lình Huỳnh, xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Ðất đưa chúng tôi ra đồng. Từ xa nhìn ra cánh đồng lúa rộng cả trăm héc-ta một mầu vàng úa. Lúa đang thời ngậm gạo mà bông thẳng đơ, bay trong gió. “Từ trước Tết, lúa đã bị nhiễm mặn nhưng ít. Hơn tuần nay, độ mặn lên quá cao, lúa không ngậm sữa, hạt lép xẹp, nhẹ te. Mới nhìn tưởng lúa chín, nhưng không phải mà lúa đã cháy khô” - ông Danh Thuận buồn bã nói. Anh Thanh, cán bộ khuyến nông cùng đi lấy thiết bị ra đo độ mặn, nhưng tìm mãi mới có vũng nước nhỏ. Sau khi đo, anh Thanh cho biết: “Trên đồng độ mặn 30/00, dưới kênh là 70/00, với độ mặn này, lúa sẽ không trụ được trong những ngày tới”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lình Huỳnh Lê Phước Lợi cho biết, đợt hạn mặn 2015-2016, cả cánh đồng hàng trăm héc-ta nơi đây lúa chết khô, thiệt hại gần như toàn bộ, đời sống của bà con vô cùng khó khăn. Những ngày qua, cứ một hai ngày là chúng tôi cùng bà con ra thăm đồng, nhưng tình hình nhiễm mặn thế này thì lúa chết, đời sống của nông dân khó khăn là không tránh khỏi. Chúng tôi mong, các cấp có chính sách hỗ trợ để nông dân ổn định cuộc sống, tái sản xuất vụ hè thu tới. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lình Huỳnh Lê Hoàng Anh, vụ đông xuân này toàn xã xuống giống 2.300 ha. Hiện, lúa đang trong giai đoạn trổ bông, nhưng đã có hơn 100 ha bị nhiễm mặn, lá cháy đỏ, hạt không ngậm gạo, thiệt hại từ 30 đến 70%. Nếu tính toàn huyện Hòn Ðất, thì đã có hơn 650 ha lúa bị thiệt hại. Ngoài ra, hàng nghìn héc-ta lúa ở Lình Huỳnh, Thổ Sơn, Bình Sơn, Bình Giang đang bị nước mặn uy hiếp và diện tích lúa thiệt hại sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Theo Sở NN và PTNT tỉnh Kiên Giang, vụ đông xuân 2019-2020, tỉnh đã thu hoạch 40.000 ha trên tổng số 289.026 ha; diện tích còn lại trên đồng đang ở giai đoạn đòng - trổ và trổ chín. Dự kiến vùng Tây sông Hậu sẽ thu hoạch dứt điểm vào khoảng giữa tháng 3, vùng Tứ giác Long Xuyên vào khoảng cuối tháng 3. Hiện, diện tích bị thiệt hại do mặn hơn 1.000 ha, chủ yếu nằm ở huyện Hòn Ðất và Kiên Lương.

Kênh rạch vùng ngọt Cà Mau đã cạn nước vì hạn hán.

Kênh rạch vùng ngọt Cà Mau đã cạn nước vì hạn hán.

Chủ động né hạn, để hạn chế thiệt hại

Những ngày qua, nông dân Bùi Văn Sáu, xã Long Ðức, huyện Long Phú (Sóc Trăng) đứng ngồi không yên, do hạn, mặn uy hiếp 1,5 ha trồng lúa cao sản của gia đình. Mỗi ngày, ông Sáu ra đồng mấy lượt để quan sát mầu lúa và đo độ mặn của nước. Rồi, ông Sáu cũng như nhiều xã viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hưng Lợi thở phào sau khi thu hoạch dứt điểm ruộng lúa thơm với năng suất không giảm. Nông dân Bùi Văn Sáu phấn khởi: “Vụ đông xuân này, bà con trong xã ai cũng vui mừng vì lúa trúng mùa, trúng giá. Thành quả đó là do nông dân tuân thủ theo lịch sản xuất của ngành nông nghiệp, đồng loạt xuống giống trước một tháng, nên đã tránh được hạn hán và mặn xâm nhập”. Xã Long Phú (huyện Long Phú) nơi có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer sinh sống chiếm hơn 78%. Những năm trước, người nông dân luôn phải chịu thiệt hại mỗi khi khô hạn và nước mặn xâm nhập. Nguyên nhân chính là ruộng ai nấy làm, không tuân thủ lịch thời vụ nên gặp khó khăn trong điều tiết nguồn nước tưới tiêu. Nhưng từ khi HTX Hưng Lợi ra đời, thực hiện việc liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp cho nên người nông dân đã không còn nỗi lo như trước.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nông dân do thiếu thông tin, đã xuống giống vụ đông xuân muộn - vụ ba - vụ không được ngành nông nghiệp khuyến cáo sản xuất, cho nên đã xảy ra thiệt hại. Trưởng phòng NN và PTNT Long Phú Lâm Văn Vũ cho biết, huyện đã tuyên truyền, vận động người dân không xuống giống vụ lúa đông xuân muộn, nhưng vẫn có hơn 1.000 ha sản xuất “vượt rào”. Qua khảo sát, số diện tích này đã bị thiệt hại và có khả năng mất trắng. Ðược biết, vụ đông xuân này, tỉnh Sóc Trăng xuống giống 185.386 ha, đã thu hoạch hơn 70.000 ha, năng suất bình quân ước hơn 6,3 tấn/ha. Hiện có khoảng hơn 1.000 ha ở huyện Long Phú bị thiệt hại do hạn, mặn. Ngoài ra, hạn, mặn có khả năng ảnh hưởng diện tích cây ăn trái khoảng hơn 4.000 ha và 1.000 ha rau màu và gần 24.400 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Còn tại tỉnh Vĩnh Long, từ đầu mùa khô đến nay, địa phương này bị ảnh hưởng bởi hai đợt xâm nhập mặn kỷ lục. Riêng trong đợt xâm nhập mặn vào đầu tháng 1 và giữa tháng 2-2020, đỉnh mặn tại các điểm đo dọc sông Cổ Chiên và sông Hậu đều vượt đỉnh mặn lịch sử năm 2016 từ 0,4 đến 20/00. Trên sông Cổ Chiên, tại huyện Vũng Liêm, độ mặn đạt từ 6,2 đến 100/00; trên sông Hậu, tại huyện Trà Ôn đạt từ 2 đến 6,90/00. Ước tính, tại các huyện vùng nhiễm mặn cao như: Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình hơn 10.000 ha lúa đông xuân, 23.890 ha cây lâu năm thiếu nước tưới trong vòng một tuần do cống phải đóng. Ðồng thời, 31 nhà máy nước, trạm cấp nước sạch phục vụ hơn 66.200 hộ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn trong khoảng 10 ngày. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm cho biết, đến nay toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 50 ha lúa hè thu sớm bị ảnh hưởng do thiếu nước sản xuất…

Tại tỉnh Trà Vinh, tình hình xâm nhập mặn cũng đang phức tạp, độ sâu xâm nhập mặn phía sông Cổ Chiên đã lên đến 56 km và sông Hậu 65 km. Vụ đông xuân này, Trà Vinh xuống giống hơn 60.000 ha lúa, đạt hơn 88% so kế hoạch. Trong số này, khoảng 5.160 ha lúa của gần 7.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do mặn xâm nhập nội đồng. Bên cạnh đó, nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: TIẾN PHONG và TÙNG DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43391602-chu-dong-phong-chong-han-man-tai-dong-bang-song-cuu-long.html