Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội những năm qua, TP Sầm Sơn đặc biệt chú trọng công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Nhờ được quan tâm đầu tư trùng tu và bảo tồn, nên hệ thống di tích, danh thắng và các di sản văn hóa phi vật thể, đã và đang phát huy hiệu quả. Từ đó, vừa góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, vừa có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch.

Nghi thức rước kiệu tại lễ hội Cầu phúc đền Độc Cước năm 2024.

Nghi thức rước kiệu tại lễ hội Cầu phúc đền Độc Cước năm 2024.

Mảnh đất nơi cửa biển Sầm Sơn còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị. Nổi bật trong đó phải kể đến Quần thể di tích, danh thắng Sầm Sơn đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích quốc gia tại Quyết định số 313-VH/VP, ngày 28/4/1962. Đây là khu vực thiên nhiên rất đa dạng về sinh học (rừng đặc dụng). Đồng thời, có nhiều công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử - văn hóa, như đền Độc Cước tọa lạc trên hòn Cổ Giải, đền Tô Hiến Thành, đền Cô Tiên, hòn Trống Mái... với những truyền thuyết lung linh sắc màu huyền thoại, gắn liền với những lễ hội truyền thống độc đáo như lễ hội đền Độc Cước, lễ hội Cầu ngư, lễ hội tình yêu Hòn Trống Mái... Với những giá trị đặc sắc đó, ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1954/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho Quần thể di tích, danh lam thắng cảnh Sầm Sơn.

Tọa lạc trên di tích quốc gia đặc biệt Quần thể di tích, danh lam thắng cảnh Sầm Sơn là danh thắng Hòn Trống Mái. Hòn Trống Mái nằm trên sườn dốc thoai thoải của núi Trường Lệ, vốn là phiến đá lớn được tạo hóa sắp đặt đã tồn tại bao đời nay. Một hòn lớn nằm bằng phẳng phía dưới như bệ đỡ vững chãi, để hai khối đá tựa hình đôi chim ngự lên. Trên khối đá đó có một hòn đầu nhọn, dáng vươn cao tựa như con trống, một hòn nhỏ hơn đối diện có dáng nép vào con trống, tựa như con mái. Đặc biệt Hòn Trống Mái còn gắn liền với một câu chuyện đẹp về mối tình thủy chung, sống chết bên nhau của cặp vợ chồng trẻ sau đại nạn hồng thủy, đến các nàng tiên du ngoạn nơi trần gian phải động lòng cảm phục cho hóa thành đôi Chim Đá để ngày ngày quấn quýt bên nhau. Trải qua thời gian, Hòn Trống Mái đứng sừng sững giữa đất trời và trở thành biểu trưng cho tình yêu son sắt, tình cảm đôi lứa chung thủy. Đây cũng là điểm đến hấp dẫn du khách mỗi dịp về với Sầm Sơn xinh đẹp.

Theo thống kê, TP Sầm Sơn hiện có 50 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh nằm trong danh mục kiểm kê. Trong đó có 39 di tích được xếp hạng (gồm 1 di tích quốc gia đặc biệt; 8 di tích cấp quốc gia là đền Độc Cước, đền Cô Tiên, đền Tô Hiến Thành, đền Cá Lập, đền Đề Lĩnh, đền thờ Vua An Dương Vương và Công chúa Mỵ Châu, Bia Chùa Kênh, danh thắng Hòn Trống Mái; 30 di tích cấp tỉnh; 11 di tích chưa được xếp hạng; 5 di tích được công nhận điểm du lịch.

Để các di tích được đầu tư trùng tu, tôn tạo, thành phố đã huy động nguồn lực của toàn xã hội cho công tác bảo tồn. Theo đó, tổng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2014-2024 trên toàn địa bàn là 114.689 tỷ đồng (trong đó có ngân sách dành cho bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa). Ngoài ra, thành phố cũng xây dựng, triển khai nhiều cơ chế, chính sách để bảo tồn di sản văn hóa, cũng như giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử, di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình như triển khai thực hiện Kết luận số 82-KL/TU, ngày 30/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017-2025”; Kết luận số 02-KL/TU, ngày 21/11/2016 về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 15/12/2007 về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng một số lĩnh vực về văn hóa trên địa bàn thị xã Sầm Sơn đến năm 2020”; Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 19/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống; tiếp thu tinh hoa văn hóa các vùng miền, văn hóa nhân loại, xây dựng hình ảnh người Sầm Sơn đẹp trong lòng bạn bè, du khách...

Là địa phương ven biển, vì vậy, trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Sầm Sơn là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, bởi giặc có thể từ biển đổ bộ vào nội địa Thanh Hóa, qua cửa ngõ Sầm Sơn. Nhận thức được vị trí quan trọng đó, quân và dân Sầm Sơn đã tham gia chiến đấu chống giặc, đóng góp nhiều sức người, sức của góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu (1954) và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975). Trong những đóng góp của quân, dân Sầm Sơn, có sự góp sức của các chiến sĩ du kích Quảng Tường trong việc đánh đắm Thông báo hạm A-mi-ô-đanh-vin trên vùng biển Sầm Sơn. Nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Lợi đã anh dũng hy sinh. Để tưởng nhớ công lao của chị, năm 2017, TP Sầm Sơn phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa tiến hành xây dựng tượng đài nữ Anh hùng - Liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi trên bãi biển Sầm Sơn. Tượng được chế tác từ đá nguyên khối cao 7,5m, đứng trên chiến hạm Pháp trước lúc bị đánh đắm; trong khuôn viên rộng 530m2.

Năm 1960, Sầm Sơn vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Bác lưu lại Sầm Sơn từ ngày 17 đến 19/7/1960. Năm 2017, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, TP Sầm Sơn đã tiến hành tôn tạo bia lưu niệm nơi Bác Hồ đến thăm và kéo lưới cùng ngư dân (khu phố Vinh Sơn, phường Trường Sơn); phục dựng lại bệ phía Tây đền Cô Tiên, trang hoàng lại nhà khách đền Cô Tiên nơi Bác Hồ lưu lại khi về thăm Sầm Sơn. Cũng năm 2017, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập chi bộ Đảng đầu tiên - tiền thân của Đảng bộ thành phố (2/9/1947 - 2/9/2017), thành phố tiến hành giải phóng mặt bằng, trùng tu, tôn tạo lại ngôi nhà diễn ra Hội nghị thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên. Công trình được xây dựng trên tổng diện tích gần 1.300m2 với tổng mức đầu tư trên 5,146 tỷ đồng. Trong đó, nhà chính được bài trí làm nơi thờ các đồng chí đảng viên đầu tiên tham gia thành lập Chi bộ Cố Gắng; nhà ngang được bài trí thành nhà truyền thống nơi trưng bày các kỷ vật và tranh ảnh, sách, báo về quá trình hình thành, phát triển của Đảng bộ thành phố, những thành tựu đạt được trong quá trình lãnh đạo xây dựng đổi mới, phát triển TP Sầm Sơn ngày nay.

Bên cạnh di sản vật thể, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể cũng được thành phố chú trọng. TP Sầm Sơn có 3 lễ hội văn hóa truyền thống cấp thành phố và 24 lễ hội truyền thống cấp xã, phường gắn liền với các di tích. Các lễ hội được tổ chức thường niên chủ yếu vào mùa xuân (trừ lễ hội Bánh Chưng - Bánh Giày và lễ hội Cầu ngư - Bơi trải tổ chức vào tháng 5 âm lịch). Các lễ hội đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, cũng như đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân và du khách. Trong giai đoạn 2017-2023, thành phố đã tổ chức thành công 1 lễ hội văn hóa gắn với danh thắng là lễ hội Tình yêu Hòn Trống Mái (tổ chức thường niên); 1 lễ hội được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là lễ hội Cầu phúc đền Độc Cước. Ngoài ra, nhiều xã, phường đã phục dựng lại các lễ hội, các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống..., góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Có thể nói, các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng và các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn TP Sầm Sơn đã và đang được bảo tồn, phát huy giá trị. Từ đó, phục vụ hiệu quả trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng cho mỗi người dân nơi đây. Đồng thời, trở thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Sầm Sơn trở thành trung tâm du lịch của cả nước.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chu-trong-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-226025.htm