Chuỗi bi kịch cuộc đời của nữ nhà văn đồng tính

Virginia Woolf là cây viết nổi bật với sự nghiệp văn chương đồ sộ nhưng biến cố gia đình khiến bà trầm cảm nặng. Nữ sĩ từng trải qua mối tình đồng tính nổi tiếng trong lịch sử.

Virginia Woolf là đại văn hào nước Anh góp phần tạo nên diện mạo văn học hiện đại thế kỷ 20, nổi tiếng với câu “Một người phụ nữ phải có tiền và một căn phòng riêng nếu muốn viết văn”. Bà là người tiên phong thử nghiệm thủ pháp dòng ý thức - phương thức điển hình của văn học nữ quyền.

Ngay từ nhỏ Virginia Woolf tỏ rõ thiên hướng văn chương. Cộng thêm việc tiếp xúc với giới văn nghệ sĩ Âu châu thế kỷ 19 nuôi dưỡng trong bà nhiều dự cảm văn học. Chất liệu tác phẩm được cho có nguồn gốc từ chính cuộc đời thăng trầm của nữ tác giả.

Thiếu nữ tài hoa hóa điên vì bị cưỡng bức

Adeline Virginia Stephen (sinh năm 1882) trong gia đình trí thức tiến bộ song cũng lắm phức tạp. Cha Virginia - Leslie Stephen - là một cây bút khá có tiếng của văn đàn và lịch sử Anh, mẹ nàng nổi tiếng khắp thành London nhờ vẻ đẹp tuyệt sắc. Trước khi đến với nhau, cha và mẹ Virginia Woolf đều trải qua hôn nhân đổ vỡ cùng những đứa con riêng.

Gia đình Stephen thuộc giới trí thức có tư tưởng phóng khoáng song chưa thoát ly khỏi định chế chuẩn mực của xã hội phong kiến, do vậy Virginia vẫn chịu sự nghiêm khắc truyền thống: Con gái không được đến trường học. Vốn kiến thức tác giả Bà Dalloway có được đều dựa vào việc tự tìm tòi, học tập trong thư viện của cha cùng những buổi tới lui chuyện trò thân mật, trao đổi thư từ với các văn sĩ lớn của Anh quốc cuối thế kỷ 19.

 Chân dung nhà văn Virginia Woolf.

Chân dung nhà văn Virginia Woolf.

Sóng gió ập đến cuộc đời Virginia Woolf năm 13 tuổi. Cú sốc lớn từ cái chết của người mẹ năm 1895 và người cha 9 năm sau đó giáng một đòn mạnh vào tinh thần của Virginia. Sự ra đi của người thân tựa như một nhát dao khoét sâu vào tâm hồn nữ sĩ.

Đau thương càng thêm chồng chất khi Virginia bị chính người anh trai cùng cha khác mẹ cưỡng bức chỉ vài tháng sau cái chết của mẹ nàng. Nỗi mất mát không thể bù đắp cùng sự ám ảnh khủng khiếp về những tháng ngày sống trong cảnh bị lạm dụng tình dục khiến Virginia mắc chứng thần kinh nặng. Căn bệnh quái ác vắt kiệt sức lực, dày vò tâm trí nữ văn sĩ đến cuối đời, song là điểm khởi đầu giúp “kẻ tâm thần” tài hoa mở ra thế giới quan mới, tư duy và biện luận sắc bén sau này.

Không còn chỗ dựa tinh thần, Virginia quyết định rời bỏ căn nhà tang thương - nơi gây ra nhiều vết đau vĩnh hằng cho nữ sĩ. Bà cùng chị gái đến thành London, hoạt động trong nhóm văn học Bloomsbury. Phương châm hoạt động của nhóm đề cao tự do và phóng khoáng, bất tuân chuẩn mực xã hội. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến lối viết và tư tưởng của nữ nhà văn.

 Nữ sĩ Virginia Woolf và người tình đồng giới Vita Sackville-West.

Nữ sĩ Virginia Woolf và người tình đồng giới Vita Sackville-West.

Mối tình đồng tính xôn xao dư luận

Năm 1912, Virginia kết hôn cùng Leonard Woolf - người đem lòng si mê bà và ấn tượng ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên. Vẻ đẹp của nữ sĩ như “lấy đi một phần hơi thở” của Leonard.

Tuy nhiên, mẹ đẻ của tác phẩm Căn phòng riêng nhận ra bà không có hứng thú với tình dục trai gái vì nỗi đau bị cưỡng bức trong quá khứ.

Những bất ổn tinh thần dai dẳng trở thành lý do khiến nhà văn Tới ngọn hải đăng không thể làm mẹ. Không dưới hai lần Virginia tìm cách tự tử để giải thoát bản thân khỏi chứng đau đầu kinh niên do căn bệnh trầm cảm gây ra.

Dù phải sống trong cảnh vợ chồng lạnh lẽo, nhưng thay vì chối bỏ hay chia tay nàng, Leonard chọn lựa trở thành người đồng hành, chăm sóc Virginia suốt quãng đời còn lại. Leonard luôn nhiệt thành trong sự nghiệp sáng tác cũng như ủng hộ mọi quyết định của vợ, miễn là bà cảm thấy hạnh phúc. Đối với nữ văn sĩ, nên duyên vợ chồng với Leonard Woolf là món quà vô giá trong cuộc đời. Trong nhật ký cá nhân, “kẻ tâm thần” đã viết rằng được yêu và trở thành vợ của Leonard là niềm vui to lớn trong cuộc đời bà và cả hai đã có được hạnh phúc trọn vẹn.

Năm 1922, Woolf gặp nhà văn Vita Sackville-West tại một buổi tiệc. Nữ văn sĩ nhanh chóng bị thu hút bởi phong thái quý tộc, thông tuệ và vẻ đẹp của Vita. Lúc này, Virginia nhận ra bản thân hứng thú với các mối tình đồng giới và xem Vita là nàng thơ của mình.

 Mối tình của Virginia Woolf (Elizabeth Debicki) và Vita Sackville-West (Gemma Arterton) được tái hiện trong bộ phim Vita and Virginia (2018).

Mối tình của Virginia Woolf (Elizabeth Debicki) và Vita Sackville-West (Gemma Arterton) được tái hiện trong bộ phim Vita and Virginia (2018).

Bản thân Vita cũng là người có xu hướng song tính. Mặc dù cả hai người phụ nữ đều đã có gia đình riêng, mối tình nhanh chóng đơm hoa và nổi tiếng khắp thành London. Hai người chồng của họ đều hay biết, nhưng kẻ ngó lơ, người ủng hộ mối quan hệ của Virginia và Vita.

Thấu hiểu nỗi đau chất chứa trong lòng người tình, Vita Sackville-West khuyến khích Virginia tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài, bởi ẩn ức quá khứ khủng khiếp và mặc cảm mắc bệnh khiến bà chọn cách xa lánh mọi người trong nhiều năm.

Quãng thời gian trên mức tình bạn với Vita mang đến tháng ngày hạnh phúc hiếm hoi trong cuộc đời bi kịch của nữ văn sĩ. Sáng tạo văn chương miệt mài kết hợp hoạt động thể chất giúp tinh thần “kẻ tâm thần” cải thiện, phá bỏ phần nào tư tưởng lánh đời suốt nhiều năm của bà.

Thời gian này, Virginia Woolf hoạt động sôi nổi trên văn đàn và cho ra đời hàng loạt tác phẩm như Bà Dalloway (1925), Orlando (1928), Căn phòng riêng (1929)...

Vita như một vầng sáng soi tỏ quãng đời u uất nhiều năm của Virginia. Khi xuất bản Orlando, văn sĩ đồng tính đề từ “Tặng V. Sackville-West”. Tác phẩm được Harry Blamires mệnh danh là “bức thư tình dài nhất và quyến rũ nhất trong văn học”.

Định chế xã hội Anh cách đây 100 năm duy trì tinh thần tôn vinh chuẩn mực truyền thống. Virginia Woolf không cố gắng che đậy bản thân, ngược lại còn thoải mái với cuộc tình phóng khoáng. Mối tình dị biệt của xã hội tiêu tốn nhiều giấy mực và lời bàn tán trong dư luận. Virginia bỏ qua cái nhìn khắt khe, khẳng định cá tính mạnh mẽ, đạp lên quy củ để khẳng định vai trò nữ giới. Những vấn đề nhạy cảm, đi ngược truyền thống, giáo điều như đồng tính, ái nam ái nữ, nữ quyền và chính căn bệnh trầm cảm lần lượt được bà thể nghiệm trên trang viết.

Sau 5 năm thăng hoa cảm xúc, mối tình gây xôn xao dư luận một thời kết thúc. Lý do cụ thể không được người trong cuộc chia sẻ, người ta cho rằng Virginia tự ti và chán nản vì tuổi tác cách biệt. Mặc dù tác giả Ba đồng ghi-nê không phải người tình đầu tiên, càng không phải chân ái cuối cùng của nàng Vita Sackville-West, nhưng nhà văn vẫn thường cảm thấy ganh tị với người tình khác của Vita. Mặc dù chia tay, nữ văn sĩ luôn khắc khoải về người tình xưa.

Mùa thu năm 1940, Thế chiến thứ 2 nổ ra khiến bạn bè của Virginia phân tán khắp nơi. Nữ nhà văn gửi bức thư từ biệt cho Vita Sackville-West, trong thư Virginia viết “tôi đã trải qua những đêm dài tịch mịch, nghĩ về nàng ở nơi ấy cô đơn. Duy nhất nàng đã cho tôi niềm hạnh phúc ngập tràn...”

Tháng 3/1941, sau hơn 20 năm chống chọi với căn bệnh trầm cảm, “kẻ tâm thần” nhét đầy sỏi đá vào túi áo khoác ngoài, gieo mình xuống dòng Ouse ở vùng ngoại ô Sussex, khép lại một mảnh đời tài hoa bất hạnh.

Tuệ Trâm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuoi-bi-kich-cuoc-doi-cua-nu-nha-van-dong-tinh-post1066801.html