Chương Xá xây dựng nông thôn mới

PTĐT - Chương Xá là xã kinh tế còn nhiều khó khăn của huyện Cẩm Khê. Việc tổ chức sản xuất, tạo sinh kế để nâng cao thu nhập cho người dân, tìm hướng đi để phát triển kinh tế, tạo nền tảng xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ đặt ra với địa phương.

Diện tích đồng chiêm trũng người dân tận dụng để nuôi thủy sản theo mô hình một vụ lúa, một vụ cá, tăng hiệu quả kinh tế.

Diện tích đồng chiêm trũng người dân tận dụng để nuôi thủy sản theo mô hình một vụ lúa, một vụ cá, tăng hiệu quả kinh tế.

Đất lúa của xã chủ yếu canh tác một vụ, tổng diện tích gieo cấy cả năm đạt trên 140ha. Đặc điểm địa hình ruộng bậc thang, vụ mùa thiếu nguồn nước phục vụ sản xuất, chủ yếu phụ thuộc nước mưa nên không chủ động được thời vụ, gây khó khăn trong việc thâm canh tăng năng suất cây trồng. Đại bộ phận nhân dân trong xã sống bằng nông nghiệp, cơ cấu lao động trong nông nghiệp chiếm trên 45%. Lực lượng lao động tại địa phương dồi dào nhưng đa số là lao động phổ thông, các dịch vụ tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề có phát triển nhưng chưa mạnh. Xã chưa có nhiều mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, kinh tế trang trại, kinh tế đồi rừng phát triển chưa tương xứng. Số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn trên địa bàn xã ít, quy mô không lớn, khả năng thu hút lao động, tạo nguồn thu ngân sách còn khiêm tốn nên việc giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân không dễ khắc phục trong “một sớm một chiều”. Bình quân thu nhập đầu người còn thấp so với mặt bằng chung của huyện, đến nay, thu nhập bình quân của xã khoảng 27 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 20%, cận nghèo còn khoảng 9%. Để khắc phục hạn chế, nâng cao mức thu nhập của người dân, xã đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình làm kinh tế. Những hộ được chọn hỗ trợ đầu tư, vay vốn phải thông qua lựa chọn kỹ càng, vừa đảm bảo việc thoát nghèo được đầu tư đúng địa chỉ, vừa là nơi để bà con học tập và làm theo. Xã quy hoạch vùng đất trũng, chỉ sản xuất được một vụ lúa, kém hiệu quả sang nuôi thủy sản theo hướng một vụ lúa một vụ cá với diện tích trên 130ha. Những diện tích trước đây bỏ hoang hóa hoặc kém hiệu quả, nhà nông đã và đang tận dụng để sản xuất. Mô hình kết hợp một vụ lúa, một vụ cá phù hợp với điều kiện của xã, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên đất lúa nhưng không làm mất diện tích đất trồng lúa, giúp tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích. Khắc phục điểm yếu về trình độ canh tác thấp, xã tạo điều kiện, phối hợp với các đoàn thể mở các lớp tập huấn kỹ thuật; khuyến khích dồn đổi, tích tụ ruộng đất, hình thành các mô hình kinh tế mới. Chuyển đổi diện tích đất sản xuất không chủ động được nước tưới, năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây màu có khả năng chịu hạn, cho hiệu quả kinh tế cao hơn; tập trung chỉ đạo nhân dân tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, tác động thay đổi tư duy của nhân dân từ sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, chuyên canh. Trên địa bàn xã đã xuất hiện một số mô hình kinh tế triển vọng như trồng bưởi da xanh, ổi Đài Loan, măng tây...Cùng với phát triển kinh tế, xã tập trung nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Xã hiện đạt 11/19 tiêu chí, trong đó nhiều tiêu chí khó về giao thông, thủy lợi, môi trường... chưa đạt, đều là những tiêu chí cần nhiều nguồn lực. Ông Đỗ Hữu Huy - Chủ tịch UBND xã cho biết: Để tiếp tục thực hiện các tiêu chí còn lại, Đảng ủy, UBND xã xây dựng kế hoạch và đưa ra giải pháp cụ thể cho từng tiêu chí, trong đó, ưu tiên đầu tư cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế để nâng cao thu nhập, giảm nghèo, nâng cao dân trí, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống, đường giao thông. Xã tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích người dân tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục tiêu, nội dung của chương trình để thực sự đảm bảo vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/nong-thon-moi/202011/chuong-xa-khac-phuc-kho-khan-xay-dung-nong-thon-moi-173913