Chuyển biến tích cực trong công tác tiếp công dân

Từ khi triển khai thực hiện Luật Tiếp công dân, các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh chủ động thực hiện có hiệu quả công tác tiếp công dân; các quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân được tôn trọng và tuân thủ thực hiện; trách nhiệm tiếp dân của các cơ quan, đơn vị, cá nhân được quy định chặt chẽ, thực hiện nghiêm chỉnh và đảm bảo sự phối hợp hài hòa giữa các cơ quan, tổ chức khi phát sinh trường hợp cần thực hiện.

Lãnh đạo UBND tỉnh quan tâm đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ảnh: T.H

Sau khi Luật Tiếp công dân có hiệu lực thi hành, để việc thực thi pháp luật về tiếp công dân trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng luật định và đạt kết quả tốt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức quán triệt đến lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, yêu cầu các đơn vị phối hợp với cấp ủy cùng cấp tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách. Thanh tra tỉnh phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn để quán triệt Luật Tiếp công dân và nghị định, thông tư có liên quan. Sở Tư pháp là cơ quan Thường trực Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh thường xuyên tổ chức, phối hợp với các đơn vị có liên quan để truyền tải các nội dung quan trọng của pháp luật về công tác tiếp công dân đến với các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, giúp người dân có thể nắm bắt kịp thời, áp dụng đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Từ những việc làm nêu trên, đã góp phần chuyển biến mạnh mẽ ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật về tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo của cán bộ, công chức, viên chức. Tạo điều kiện giúp người dân thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ của mình khi có nảy sinh khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực và kỹ năng ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham gia tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhờ làm tốt công tác trên mà đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn tỉnh giảm theo từng năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: chưa xây dựng được trụ sở tiếp công dân riêng cho cấp huyện, địa điểm tiếp công dân còn chật hẹp; quá trình tiếp công dân, có trường hợp ồn ào, gây mất trật tự, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan trong khu vực; trưởng ban tiếp công dân huyện là phó chánh văn phòng HĐND và UBND kiêm nhiệm nên đôi lúc còn hạn chế về thời gian để xử lý công việc của trụ sở tiếp công dân; công chức phụ trách tiếp công dân cấp xã đa số kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn còn hạn chế; việc giải thích, hướng dẫn các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân còn chung chung, thiếu tính thuyết phục nên một số trường hợp người dân khiếu nại vượt cấp.

Đồng chí Nguyễn Thanh Lâm - Phó trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh cho biết: “Thời gian qua, UBND tỉnh và các sở, ban ngành, địa phương đã luôn nghiêm túc triển khai thực hiện công tác tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo nên công tác này đã đi vào nề nếp và đạt nhiều kết quả đáng được ghi nhận. Thời gian tới, UBND tỉnh và các sở, ban ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa việc tiếp, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Ngoài ra, cơ quan chức năng tăng cường nắm bắt tình hình khiếu nại, tố cáo để có biện pháp giải quyết kịp thời cho dân; thực hiện đều đặn đối thoại, tái đối thoại với công dân. Đặc biệt, quan tâm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phải đúng quy định pháp luật, hạn chế đơn thư tồn đọng kéo dài, quá hạn và vượt cấp. Điều quan trọng là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân; tăng cường công tác hòa giải trong các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp để hạn chế đơn thư khiếu nại, phản ánh vượt cấp”.

T.H

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/chuyen-bien-tich-cuc-trong-cong-tac-tiep-cong-dan-31608.html