Chuyện gì đang xảy ra ở Lebanon?

Cư dân thủ đô Beirut, Lebanon, phải rời bỏ nhà cửa và tìm nơi trú ẩn khi số người thiệt mạng do các cuộc không kích của Israel tăng cao.

Tiếng súng vang lên trong không trung, tiếng phụ nữ khóc lóc trên đường phố, tiếng vo ve không ngừng của máy bay không người lái và tiếng nổ từ các cuộc không kích của Israel. Đó là những âm thanh tang thương ở thủ đô Beirut vào ngày 28/9, theo Guardian.

Một ngày trước đó, thủ lĩnh Hassan Nasrallah, người đã lãnh đạo lực lượng Hezbollah suốt 32 năm, đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel vào Dahieh, khu ngoại ô phía Nam Beirut.

Đối với nhiều người dân ở Lebanon, cái chết của thủ lĩnh Nasrallah là điều không thể tưởng tượng nổi. Cuộc tấn công của Israel nhằm vào Hezbollah trong hai tuần qua vốn đã vượt xa mọi dự đoán trước đây.

Máy nhắn tin nổ tung trong tay, bộ đàm phát nổ khi đang cài trên thắt lưng, và máy bay chiến đấu Israel khiến hàng trăm người thiệt mạng chỉ trong nửa ngày. Cái chết của thủ lĩnh Nasrallah chỉ là một trong những đòn giáng vào nỗi sợ hãi của người dân Lebanon, vốn đã vật lộn với tình trạng số người chết tăng vọt và nhà cửa bị phá hủy chỉ sau một đêm.

Người tị nạn nằm la liệt

“Chúng tôi đang sống nhờ vào những gì ông Seyed (Nasrallah) đã trao cho. Ông ấy giúp chúng tôi ngẩng cao đầu. Bất cứ điều gì ông Seyed nói, tôi đều sẽ làm theo”, ông Faisal, 46 tuổi từ Dahieh, chia sẻ khi ngồi cùng vợ trên một miếng xốp gãy dùng làm đệm ở Quảng trường Martyrs, trung tâm Beirut. Họ ngồi trong một bốt điện thoại rỉ sét để tránh nắng sau nhiều giờ dưới trời nắng gắt, nhìn về phía hai cậu con trai đang chơi đùa.

“(Cựu Thủ tướng Israel) Ariel Sharon từng đến dinh tổng thống (Lebanon), gác chân lên bàn. Liệu ông Netanyahu có thể làm điều đó bây giờ không? Không. Tại sao? Nhờ Hezbollah”, ông Faisal nói.

Ông Faisal và vợ đã không ngủ hơn một ngày, đôi mắt đỏ ngầu và vết máu khô chạy dài trên cánh tay ông Faisal vẫn chưa được rửa sạch. Ngôi nhà của họ bị phá hủy trong chính cuộc không kích khiến thủ lĩnh Nasrallah thiệt mạng một ngày trước đó. Hàng loạt vụ nổ dữ dội đã san phẳng cả một dãy nhà, khiến hơn 100 người bị thương và 11 người thiệt mạng - con số dự kiến còn tăng lên khi các nhân viên cứu hộ tìm kiếm trong đống đổ nát.

Vợ của ông Faisal chân trần lao ra đường, kéo theo hai đứa con. Sau đó, họ cùng nhiều người khác đi đến quảng trường với hy vọng có thể tránh khỏi các cuộc không kích của Israel.

 Người dân tập trung đến Quảng trường Martyrs sau khi nhà cửa bị phá hủy do các cuộc không kích của Israel. Ảnh: New York Times.

Người dân tập trung đến Quảng trường Martyrs sau khi nhà cửa bị phá hủy do các cuộc không kích của Israel. Ảnh: New York Times.

Hàng trăm gia đình từ Dahieh chen chúc trong quảng trường rộng lớn. Nhiều người đã đến đây ngay sau những cuộc không kích đầu tiên vào chiều 27/9 - những vụ nổ lớn nhất ở Beirut kể từ khi xung đột bắt đầu. Số khác chạy trốn muộn hơn, sau khi quân đội Israel công bố bản đồ các tòa nhà mục tiêu, thúc giục cư dân rời đi ngay lập tức.

Các gia đình đã ở lại quảng trường qua đêm, chen chúc ở các góc phố và dựa vào nhau để tìm chút giấc ngủ. Khi bình minh lên, hầu hết vẫn còn thức, âm thanh của các cuộc không kích Israel vẫn vọng lại từ phía xa. Mọi người nằm la liệt trên quảng trường, một số trú trong các công viên lân cận, số khác dựa vào tường.

Một nhóm người Syria ngồi xếp hàng trên vỉa hè, chờ taxi đưa họ đến Damascus. “Lebanon giờ còn tệ hơn Syria”, ông Mohammed, 59 tuổi, sống ở Dahieh suốt 10 năm, nói. Ông phàn nàn rằng các tài xế taxi đã tăng giá gấp 3 lần cho một chuyến đi đến Damascus vì nhu cầu tăng cao.

Ông Murshid Yusuf cũng cho biết: “Chúng tôi đang ngồi trong nhà thì đột nhiên có tiếng nổ. Chúng tôi bỏ chạy nhưng không biết đi đâu. Chúng tôi đến đây vì nghĩ rằng nơi này an toàn hơn. Israel đang đánh bom mỗi giờ”.

Ngôi nhà của ông Yusuf ở miền Nam Lebanon đã bị phá hủy hai tháng trước. Vợ ông đã thiệt mạng trong cuộc không kích.

“Chúng tôi đã ngồi đây từ hôm qua và không biết phải làm gì. Bây giờ, chúng tôi đang sống trong một thế giới đầy kinh hoàng”, ông Yusuf nói khi ngồi bên vệ đường.

"Có lòng thương xót"

Chính phủ Lebanon trước đó vốn đã chật vật vì làn sóng người tị nạn chạy trốn khỏi chiến dịch không kích dữ dội của Israel ở miền Nam Lebanon và thung lũng Bekaa - bắt đầu từ ngày 16/9 và đã cướp đi sinh mạng của khoảng 700 người. Điểm trú ẩn tại các trường học đã tiếp nhận khoảng 70.000 người trước khi Israel không kích vào Dahieh hôm 27/9.

Một người phụ nữ từ thung lũng Bekaa nói trong nước mắt rằng gia đình bà đã bị một điểm trú ẩn từ chối vì quá tải. Con trai và chồng bà đã phải ngủ trong xe suốt 4 ngày.

Lebanon vốn đã suy yếu sau 5 năm khủng hoảng kinh tế, do đó quốc gia này có rất ít nguồn lực ứng phó. Để bù đắp cho sự yếu kém của chính phủ, nhiều cá nhân trên khắp đất nước đã tự tìm cách hỗ trợ.

Tại Nation Station, trung tâm cộng đồng và tổ chức cứu trợ đặt tại một trạm xăng bỏ hoang ở Achrafieh, phía Đông Beirut, nhiều đoàn tình nguyện viên đã làm việc suốt tuần để chuẩn bị các bữa ăn nóng và phân phát cứu trợ cho người tị nạn.

“Khi thấy các xe ôtô từ phía nam chạy lên phía bắc, tôi nghĩ rằng chúng tôi có sẵn một nhà bếp và có thể phân phát thức ăn, do đó chúng tôi bắt đầu nấu nướng”, ông Josephine Abou Abdo, người sáng lập Nation Station, chia sẻ.

 Người tị nạn ngủ trong xe vì hết chỗ trú ẩn. Ảnh: New York Times.

Người tị nạn ngủ trong xe vì hết chỗ trú ẩn. Ảnh: New York Times.

Nation Station và các tình nguyện viên đã phân phát 1.800 suất ăn mỗi ngày đến các nơi trú ẩn tại Beirut và các khu vực lân cận. Họ cũng thu thập, tặng quần áo, thuốc men và các vật dụng thiết yếu khác.

Rami Mehio, nhà nghiên cứu quy hoạch đô thị 30 tuổi, đã đến Nation Station để quyên góp một số vật dụng và đăng ký làm tình nguyện viên. Anh chia sẻ việc tình nguyện trong những thời điểm khủng hoảng là “bản năng" của người Lebanon.

“Chúng tôi là những người giữ cho đất nước này tồn tại, ngay cả trong những thảm kịch khủng khiếp nhất", Mehio nói, giải thích rằng anh không thể “ngồi nhà và nhìn từng người một thiệt mạng".

Dù các cá nhân trên khắp đất nước đã nỗ lực hỗ trợ, Lebanon vẫn không thể bắt kịp tốc độ không kích liên tục ở Beirut. Tại Quảng trường Martyr, các gia đình nói rằng vẫn chưa có ai đến giúp họ.

“Một số cá nhân đã đến phát nước, nhưng chỉ có thế”, ông Yusuf nói, phàn nàn về tình trạng đói khát.

Đối với những đối thủ chính trị của thủ lĩnh Nasrallah ở Lebanon, cái chết của ông là lý do để ăn mừng. Một số người lặng lẽ tỏ ra hân hoan, mong đợi điều gì đó có thể làm suy yếu nhóm Hezbollah do Iran hậu thuẫn mà họ cáo buộc là đang chi phối Lebanon.

Tuy nhiên, đối với những người mới bị mất nhà cửa ở Dahieh, ông Nasrallah là lãnh đạo chính trị duy nhất đại diện cho họ ở Lebanon.

“Seyed (Nasrallah) là một người đàn ông trung thực, nhưng Israel thì không có lòng thương xót”, ông Yusuf nói.

Dù mất mát rất lớn, những gia đình đang phải nằm phơi mình dưới cái nắng của Beirut không hề nghĩ đến chuyện trả thù.

“Tôi mệt mỏi và tôi có con nhỏ. Chúng nên được chơi đùa ở nhà, chứ không phải ở ngoài đường trong tình cảnh này”, ông chia sẻ.

Thủ đô Beirut căng thẳng sau vụ ám sát thủ lĩnh Hezbollah Việc Israel ám sát lãnh đạo tối cao của lực lượng Hezbollah, Hassan Nasrallah, vào tối 27/9 là một sự leo thang gây sốc trong chiến dịch tấn công của nước này, nhằm vào nhóm quân sự được Iran hậu thuẫn.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-o-lebanon-post1500923.html