Cơ hội và thách thức

Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, chúng ta đã nói nhiều đến cụm từ “cơ hội và thách thức”. Đặc biệt là trong giai đoạn đất nước có sự hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thông qua việc tham gia vào các diễn đàn, hiệp ước kinh tế quốc tế.

Dù dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch, các doanh nghiệp Vĩnh Phúc vẫn duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, có nhiều đóng góp quan trọng cho ngân sách tỉnh trong năm 2021

Dù dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch, các doanh nghiệp Vĩnh Phúc vẫn duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, có nhiều đóng góp quan trọng cho ngân sách tỉnh trong năm 2021

Khi ấy, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp và người dân cho rằng, chúng ta vốn có tiềm lực kinh tế hạn chế, năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm còn nhiều chuyện đáng bàn. Cố tình hội nhập sẽ chỉ gặp toàn thách thức, lấy đâu cơ hội cho chúng ta tận dụng.

Những người lạc quan, kiên định tin tưởng vào xu thế phát triển của xã hội thì cho rằng trong mọi tình huống, điều kiện, dù khó khăn đến mấy vẫn có cơ hội để vượt qua. Hội nhập chính là cơ hội tuyệt vời để người Việt khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và tầm cỡ của mình trong xu thế phát triển chung của thời đại.

Thậm chí, có thể coi hội nhập là một bài thi thực hành quan trọng để người Việt chứng minh được sự năng động, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm của mình với thế giới.

Dịch Covid-19 xảy ra, một lần nữa cụm từ “cơ hội và thách thức” lại liên tục được nhắc đến với tần suất dày đặc. Có thể nói, chưa bao giờ thế giới và Việt Nam lại phải trải qua một thử thách có tác động sâu rộng và ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của xã hội như thế.

Trong giai đoạn này, rất thú vị khi chúng ta có những quan điểm và đường lối thực hiện khá đặc sắc. Đó là biến nguy thành cơ, biến thách thức thành cơ hội. Có nghĩa là thay vì 2 mặt đối lập trong một thể thống nhất, chúng lại trở thành 2 yếu tố tồn tại song song, bổ trợ cho nhau, mang lại lợi ích cho xã hội.

Trước hết, nói về thách thức. Dịch bệnh xảy đến mang theo vô vàn hệ lụy. Đi lại giao thương khó khăn dẫn tới ách tắc, chậm trễ trong vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu. Từ đó làm gián đoạn, thậm chí đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, khiến khan hiếm hàng hóa chỗ này, dư thừa, tồn đọng chỗ kia.

Dịch bệnh cũng đe dọa và làm thay đổi bất thường đời sống và sinh hoạt của con người, làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, đói nghèo. Đặc biệt là đẩy nền kinh tế vào chỗ suy kiệt, khiến nhiều doanh nghiệp mất khả năng cân bằng tài chính, ổn định thu chi và giữ chân lao động...

Như vậy, nếu chỉ nhìn vào thách thức, có lẽ khó thấy kẽ hở nào để con người có thể tìm cách vượt qua chứ đừng nói chuyện vươn lên phát triển.

Tuy nhiên, như thực tế lịch sử Việt Nam hàng nghìn năm đã chứng minh, trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào, chúng ta cũng chưa bao giờ bị khuất phục. Ngược lại, càng khó khăn, người Việt càng thể hiện rõ khả năng, ý chí và bản lĩnh, sức sáng tạo phi thường của mình.

Lần này cũng vậy, dù thách thức là bao trùm nhưng chúng ta sẵn sàng đương đầu, đối mặt bằng phương pháp thích ứng an toàn, linh hoạt. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương đều có thể triển khai mọi giải pháp sao cho linh hoạt, phù hợp nhất với thực tiễn đang diễn ra nhằm mang lại hiệu quả an toàn.

Ví như trước đây, chúng ta khuyến khích nhân dân tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng thách thức lớn nhất đặt ra là truyền thống nhiều năm dùng tiền mặt đã ăn sâu vào tư duy của người dân khiến hiệu quả thu được không cao.

Dịch bệnh xảy ra, người dân hạn chế rời nhà đã vô tình mở ra cơ hội cho thói quen không dùng tiền mặt và kết quả là không cần khuyến khích, phần lớn người dân cũng chủ động giao dịch qua mạng internet để đảm bảo an toàn.

Rồi chuyện mua bán, phân phối sản phẩm hàng hóa vốn được coi là một trong những điểm nghẽn cần tháo gỡ để nâng cao sức cạnh tranh, tiêu thụ và tăng giá trị sản xuất nhưng nhiều năm liền vẫn là vấn đề nan giải.

“Nhờ” dịch bệnh, thay vì phải đến tận nơi mua hàng như trước, người tiêu dùng có thể lên mạng internet đặt mua bất cứ thứ gì mình muốn, dù là mặt hàng gì và ở xa đến đâu cũng có thể được vận chuyển đến tận nơi trong thời gian nhanh nhất.

Việc này mang đến nhiều lợi ích như người mua không phải nhọc công di chuyển, hạn chế rủi ro khi tham gia giao thông và đảm bảo an toàn cho bản thân trong điều kiện dịch bệnh phức tạp. Phía người bán cũng không lo tồn đọng hàng hóa hay bị tư thương ép giá. Ngoài ra, còn giải quyết được một lực lượng lớn lao động làm dịch vụ vận chuyển...

Đặc biệt, dịch bệnh khiến nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới trở nên nghi ngại vào sự an toàn của một số thị trường truyền thống. Trong khi đó, do làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam được coi là điểm đến an toàn hàng đầu thế giới trong điều kiện hiện nay.

Như vậy, thay vì để dịch bệnh làm kiệt quệ nền kinh tế trong nước, chúng ta lại biến thách thức thành cơ hội lớn lao trong việc thu hút các doanh nghiệp hàng đầu thế giới đầu tư vào nội địa, qua đó, tạo nên những đột phá quan trọng trong phát triển KT-XH.

Sẵn sàng chấp nhận khó khăn, vượt qua thách thức, cơ hội sẽ mở ra với tất cả. Đó là chân lý không bao giờ thay đổi.

Bài, ảnh: Quang Nam

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/71597/co-hoi-va-thach-thuc.html