Có thể truất quyền thừa kế của người con út bất hiếu?

Bạn Nguyễn Hải Thanh Đại Từ, Thái Nguyên hỏi: 'Bố tôi đã mất. Mẹ tôi còn sống nhưng có để lại di chúc giao một ngôi nhà tọa lạc trên mảnh đất 360m2 (sổ đỏ mang tên bố mẹ tôi) cho 5 anh em tôi cùng quản lý sử dụng...'

"...Mọi hành động liên quan tới ngôi nhà và mảnh đất trên đều phải có sự nhất trí của 5 người. Cậu út nhà tôi cùng vợ có nhiều hành vi bất hiếu với mẹ tôi nên mẹ tôi đã đuổi gia đình cậu ta ra khỏi ngôi nhà trên. Gia đình chúng tôi nhất trí không cho cậu ta được thừa hưởng quyền lợi như di chúc đã nêu. Vậy chúng tôi có quyền làm như vậy không ?"

Luật sư Trả lời:

Theo thông tin bạn cung cấp thì ngôi nhà và mảnh đất trên thuộc sở hữu và sử dụng chung của bố mẹ bạn. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2000, trường hợp không có bằng chứng chứng minh tỷ lệ sở hữu của mỗi người thì bố mẹ bạn mỗi người sở hữu 50% giá trị của khối tài sản gồm ngôi nhà và mảnh đất.

Bố của bạn mất không để lại di chúc, như vậy 50% giá trị ngôi nhà và mảnh đất thuộc sở hữu của ông sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Di sản sẽ được chia đều cho những người thuộc cùng hàng thừa kế. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết (điểm a khoản 1 Điều 676 Bộ Luật Dân sự 2005). Như vậy, người em út vẫn có quyền hưởng phần di sản của bố bạn để lại. Một phần hai giá trị tài sản còn lại và phần di sản mà mẹ bạn được hưởng từ bố bạn thuộc quyền sở hữu và sử dụng của mẹ bạn.

Sau khi mẹ bạn mất, người em út vẫn có quyền hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc nếu người này thuộc trường hợp được quy định tại Điều 669 Bộ Luật Dân sự 2005: Chưa đủ 18 tuổi hoặc đã đủ 18 tuổi mà không có khả năng lao động. Người này sẽ được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật.

Nếu người em út của bạn không thuộc trường hợp nêu trên, thì mẹ bạn hoàn toàn có quyền truất quyền thừa kế của người này, bằng việc sửa đổi hoặc thay thế di chúc đã viết. Mẹ bạn là người có quyền định đoạt quyền hưởng di sản của người con út trong phạm vi phần tài sản của bà. Theo quy định của pháp luật thì bốn anh em còn lại không có quyền định đoạt về việc hưởng di sản của người em út.

Luật sư Nguyễn Phú Thắng

(Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/co-the-truat-quyen-thua-ke-cua-nguoi-con-ut-bat-hieu-20130329104857613.htm