'Con đường tơ lụa': Từ ký ức đến cầu nối

Phục hồi và bảo tồn lịch sử phát triển thương cảng Hội An nằm trên 'Con đường tơ lụa' trên biển

Cầu nối đưa lụa Việt Nam ra thế giới

Vào các ngày 7-9/8/2019, tại làng lụa Hội An và Trung tâm phố cổ Hội An, Festival Văn hóa tơ lụa thổ cẩm Việt Nam-Thế giới 2019 đã chính thức diễn ra với sự tham dự của 8 quốc gia và đại diện hàng chục đơn vị sản xuất và làng nghề tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam. Đặc biệt, Festival đã thu hút sự tham gia của những làng nghề nổi tiếng trong nước như: Vạn Phúc, Nha Xá, Mã Châu, Mỹ Đức, Nam Cao, Tân Châu, Chăm Ninh Thuận với sự có mặt của gần 80 nghệ nhân đến từ miền núi cao phía Bắc như: thổ cẩm Hà Giang, nghệ nhân Khơme ở biên giới Tây Nam tỉnh An Giang, nghệ nhân Cơtu của vùng núi Quảng Nam và Đà Nẵng. Các nghệ nhân làng nghề truyền thống còn mang thiết bị máy móc và sản phẩm về làng lụa Hội An để trình diễn kỹ thuật dệt và nhuộm truyền thống cho công chúng thưởng lãm.

Festival Văn hóa Tơ lụa thổ cẩm Việt Nam-thế giới 2019 thu hút nhiều khách tham quan

Festival Văn hóa Tơ lụa thổ cẩm Việt Nam-thế giới 2019 thu hút nhiều khách tham quan

Với uy tín là thành viên Hiệp hội Tơ lụa thế giới và Hiệp hội Tơ lụa châu Á cũng như mối quan hệ với các đơn vị sản xuất tơ lụa trong khu vực, làng lụa Hội An đã quy tụ được những đại diện lớn nhất của ngành sản xuất tơ lụa và thời trang thế giới đến tham dự Festival lần này. Đó là các tập đoàn sản xuất tơ lụa đến từ Italia, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Cambodia… Cùng với việc đưa sản phẩm đến tham dự các triển lãm, các đối tác đã tham gia hội thảo nhằm tạo cơ hội khai thông con đường hợp tác và phát triển thị trường thời trang tơ lụa. Ở trong nước, với sự có mặt các sản phẩm tơ lụa được xuất khẩu ra nước ngoài như Bảo Lộc Silk, Toàn Thịnh, Hạnh Silk… đã khẳng định chỗ đứng của hàng tơ tằm Việt Nam trên thế giới. Festival cũng là cơ hội để kết nối tìm con đường phát triển chung giữa các thành phố có truyền thống sản xuất tơ lụa trên thế giới, như: Lyon (Pháp), Como (Italia), Kyoto (Nhật Bản) với Lâm Đồng, Quảng Nam của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP. Hội An, Trưởng ban tổ chức chia sẻ: Đây là lần thứ 5, Hội An tổ chức Festival Văn hóa tơ lụa thổ cẩm Việt Nam - Thế giới, cùng với việc tôn vinh nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống, đã kết nối với các đối tác để mở đầu ra cho thị trường tơ lụa Việt, từng bước đưa các đơn vị sản xuất tơ lụa đến với thị trường thế giới.

Một thời con đường tơ lụa

Hội An được biết đến từng là một trong những thương cảng sầm uất của “Con đường tơ lụa trên biển” từ thế kỷ 16-17. Từ đô thị thương cảng Hội An, nhiều sản phẩm tơ lụa hảo hạng của Quảng Nam và các tỉnh miền Trung Việt Nam đã đến với thị trường thế giới, khẳng định thương hiệu trên trường quốc tế. Làng lụa Hội An kế nghiệp truyền thống sản xuất và xuất khẩu tơ lụa từ 300 năm trước đã làm cầu nối đưa lụa Việt Nam ra thế giới và thị trường nội địa thông qua các hoạt động tôn vinh văn hóa tơ lụa truyền thống, xây dựng trung tâm thương mại phân phối tơ lụa của cả nước, đầu tư giống tơ tằm, phục hồi lại các làng nghề truyền thống ở Quảng Nam.

Ông Lê Thái Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tơ lụa Quảng Nam cho biết: Ngoài mục tiêu tôn vinh và khơi dậy sự phát triển của nghề tơ lụa truyền thống Việt Nam, tại Festival lần thứ 5 này cùng hội thảo khoa học với chủ đề: “Ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất dâu tằm, tơ lụa và văn hóa tơ lụa trong đời sống hiện đại” quy tụ các nhà nghiên cứu nhằm thúc đẩy hiện đại hóa ngành sản xuất tơ lụa theo kịp thế giới, Festival còn hướng đến mục tiêu rất mới là nhìn lại toàn cảnh sự phát triển của nghề tơ lụa Việt Nam tại các thủ phủ tơ lụa như: TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Nam… Từ đó có sự giao lưu trao đổi với đại diện ngành sản xuất tơ lụa thế giới ở các trung tâm sản xuất lớn như Hàng Châu (Trung Quốc), Kyoto (Nhật Bản), Lyon (Pháp), Como (Italia) để tìm ra con đường hợp tác và phát triển.

Riêng với Quảng Nam, đây cũng là cơ hội để địa phương quảng bá “Dòng sông lụa Quảng Nam” nằm trên trục nối hai di sản Hội An - Mỹ Sơn đi qua những làng lụa Hội An, Mã Châu, vùng trồng dâu nuôi tằm Gò Nổi bên sông Thu Bồn, nhà máy ươm tơ Giao Thủy, những khu du lịch phát triển trên nền tảng không gian văn hóa dâu tằm. “Dòng sông lụa Quảng Nam” sẽ bao gồm nhiều dự án thu hút các nhà đầu tư lớn về khôi phục làng nghề Mã Châu, Duy Xuyên, trồng dâu nuôi tằm ven sông Thu Bồn, Gò Nổi, phục hồi và bảo tồn nhà máy ươm tơ Giao Thủy, sản xuất tơ tằm, đầu tư du lịch đưa du khách đến nghỉ dưỡng và tham quan không gian văn hóa dâu tằm, đem lại một bản sắc mới cho kinh tế du lịch Quảng Nam.

Các chuyên gia cũng khẳng định, với thổ cẩm Việt Nam muốn giữ được và phát triển cần dựa vào du lịch, tạo ra không gian văn hóa thổ cẩm ở các vùng núi, các khu du lịch để thu hút du khách, kết nối các nhà thiết kế đến hợp tác với đồng bào miền núi. Tại Quảng Nam có các làng du lịch ở Nam Giang, Tây Giang. Đà Nẵng có khu du lịch Suối Hoa… Hà Giang có bản du lịch Lùng Tám, thổ cẩm Chăm tại Ninh Thuận… Đầu ra của thổ cẩm hiện nay rất khả quan nếu kết nối với tour tham quan du lịch.

Cái đáng quý của Festival lần này là cùng với việc tôn vinh nghề ươm tơ dệt lụa, góp phần khôi phục, phát triển nghề truyền thống dâu, tằm, tơ lụa và thổ cẩm Việt Nam, các nhà tổ chức đã nỗ lực phục hồi và bảo tồn lịch sử phát triển thương cảng Hội An nằm trên “Con đường tơ lụa trên biển”.

Bài và ảnh Lê Viết Hai

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/con-duong-to-lua-tu-ky-uc-den-cau-noi-90874.html