Con nghiện chết do sốc ma túy: Giải quyết cách nào?

Vài năm gần đây, các trường hợp tử vong được giám định pháp y (GĐPY) kết luận nguyên nhân chết là do sốc tiêm chích ma túy tăng lên đáng kể. Vì sao ma túy qua tiêm chích lại cướp mạng sống của họ nhanh đến vậy?

Hiện trường một vụ chết do sốc ma túy.

Hiện trường một vụ chết do sốc ma túy.

Thuật ngữ “sốc do tiêm chích ma túy” đã xuất hiện trong Y học nói chung và trong Pháp y (PY) nước ta những năm gần đây. Nguyên nhân gây sốc có nhiều như chấn thương, mất máu, nhiễm trùng - nhiễm độc, rối loạn nước, điện giải và thăng bằng kiềm - toan (ví dụ tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ...). Thực chất sốc do ma túy là một loại sốc do nhiễm độc, mà chất độc ở đây là một vài loại ma túy, đặc biệt là các chất thuộc nhóm Opiates (phiện, á phiện). Quá trình bệnh lý thường diễn ra rất ngắn và nhanh chóng đưa nạn nhân đến tử vong.

Các chất ma túy nhóm Opiates là những chất độc, vì thế nguyên nhân gây sốc hàng đầu là do con nghiện dùng liều cao, mặc dù khả năng chịu đựng loại độc chất này của người nghiện cao hơn người bình thường cả chục lần. Nhiều khi với liều không cao lắm vẫn có thể gây sốc, thường xảy ra sau khi đói thuốc nhiều ngày ở những con nghiện vừa ra trại hay cơ sở cai nghiện (cai không có hiệu quả). Kế đến là các chất tiêm không tinh khiết lẫn tạp chất, chẳng hạn những loại hêrôin điều chế (từ morphine) bằng phương pháp thủ công thường có lẫn các chất có trong nhựa thuốc phiện như:

O-6aAcetylmorphine, acetylCodein, narcotin, papaverin hay thebain v.v... mà khi chiết xuất morphine từ nhựa thuốc phiện đã không làm tinh khiết được. Nhiều năm gần đây con nghiện thường trộn thêm “phụ gia” để tăng độ “phê” như novocain, procain, lydocain, dolargan hay pipolphen...

Gần đây ở Việt Nam đã xuất hiện loại ma túy hỗn hợp gồm hêrôin (nhóm Opiates) và methamphetamine (một loại trong nhóm amphetamine tác dụng kích thích thần kinh - stimulants, quen gọi là thuốc “lắc”, ecstasy, XCT ).

Ở một số nước phương Tây con nghiện còn tiêm cả formol liều thấp vào tĩnh mạch để gây “phê”. Những chất này có thể gây dị ứng mạnh, mà phản ứng dị ứng quá mạnh nghĩa là sốc. Biểu hiện lâm sàng sốc ma túy dễ nhận biết. Ngay sau khi tiêm tĩnh mạch các loại hêrôin, morphine, thuốc phiện hòa nước cất có thể kèm theo các loại thuốc kể trên sau vài phút, nhiều hơn là vài chục phút, con nghiện có biểu hiện tức ngực khó thở, vật vã, đau đớn ở vùng ngực.

Các triệu chứng này có thể tồn tại dài ngắn khác nhau. Ngắn nhất thì chết sau vài phút hoặc trên đường đến bệnh viện hay sau một thời gian nhập viện rất ngắn. Phù phổi cấp tính là dấu hiệu bao giờ cũng thấy khi mổ tử thi, tức là trong phổi có dịch bọt màu hồng chứa đầy các phế nang và hệ thống phế quản. Khi lượng dịch bọt này nhiều, có thể thấy ở cả khí quản, thậm chí đẩy ra ngoài mũi, miệng làm thành một cái “nấm bọt”. Y học gọi đây là chết đuối trên cạn, vì trong phổi có dịch, ôxy sẽ không vào được và chết do ngạt.

Các con nghiện có thể tiêm chích ngay tại nhà đối tượng buôn bán ma túy. Nếu có tai biến chết người, các đối tượng này tìm mọi cách chuyển nạn nhân ra khỏi nhà mình. Vì thế trên nhiều tử thi, các giám định viên PY thấy các đầu ngón chân nạn nhân bị mòn vẹt, chảy máu, do bị lê quệt trên đường di chuyển (thường là bằng xe máy). Mục đích của việc này ai cũng rõ: ngoài vấn đề tâm linh, tránh để người chết trong nhà, đây còn là hành vi xóa hiện trường thật và dấu vết của việc con nghiện tiêm chích ma túy mà chết, để dễ chối cãi khi bị điều tra. Điều này, các cơ quan tiến hành tố tụng không phải không biết nhưng không phải lúc nào cũng có được những chứng cứ buộc tội trực tiếp kẻ bán “thần chết”.

Một số trường hợp khác, con nghiện sau khi mua được thuốc, ngồi chích đâu đó ngay gần nhà kẻ bán. Khi bị sốc nạn nhân vật vã, lăn lộn khoảng 30 phút. Không ai can thiệp cứu giúp mà nếu có đưa đi bệnh viện thì sự sống của những trường hợp này cũng chỉ là trong mơ. Nhiều trường hợp đồng bọn nghiện ma túy chích cho nhau. Nếu bạn nghiện có biểu hiện nguy kịch, những tên không bị sốc phần lớn là cao chạy xa bay. Có khi chúng làm các thủ thuật sơ cứu cho nhau như ép tim ngoài lồng ngực (vì thế da ngực của nạn nhân có biểu hiện sây sát, bong thượng bì, hoặc gãy xương sườn).

Vấn đề có tính xã hội là những trường hợp chết do tiêm chích ma túy, được coi là những trường hợp chết chưa rõ nguyên nhân. Theo quy định của luật tố tụng hình sự phải tiến hành điều tra mà công việc đầu tiên là GĐPY, xác định nguyên nhân chết. Mặc dù với khám xét bên ngoài tử thi, chỉ cần các điều tra viên cấp huyện cũng biết đây là một trường hợp tiêm chích ma túy, căn cứ vào các vết tiêm ở nếp gấp khuỷu tay... hoặc tử thi có “mà” (mà - tiếng lóng chỉ một lỗ được tạo hình để đưa ma túy dạng dung dịch vào đường tĩnh mạch, “mà” giúp cho việc chọc kim tiêm vào tĩnh mạch rất dễ dàng, kể cả trong bóng tối và những người không biết tiêm, “mà” thường được làm ở nếp bẹn), đồng thời trên tử thi không có dấu hiệu của tác động ngoại lực.

Tuy nhiên, kết luận về nguyên nhân chết của họ lại không có giá trị pháp lý. Các dấu hiệu ở tử thi khi giải phẫu PY (đã nói ở trên) không phải đặc trưng cho bệnh cảnh sốc ma túy, vì có thể thấy ở các nguyên nhân chết khác. Chúng chỉ được coi là các triệu chứng sốc do ma túy khi tìm được chất này trong cơ thể nạn nhân. Vì thế khi giám định đại thể (nhìn bằng mắt) chúng chỉ có giá trị gợi ý cho giám định viên PY về khả năng trúng độc ma túy. Do đó một công việc không thể thiếu của họ là phải thu mẫu nước tiểu hoặc máu hay phủ tạng của nạn nhân để kiểm nghiệm độc chất theo đúng quy trình chuyên môn nghiêm ngặt của GĐPY.

Điều muốn nói là hiện nay do cơ sở vật chất thiếu thốn nên 100% các tổ chức GĐPY địa phương không có phòng kiểm nghiệm độc chất. Do một thỏa thuận ở phạm vi quốc gia trước đây, việc kiểm nghiệm độc chất phủ tạng được giao cho Viện Kiểm nghiệm Bộ Y tế (48 Hai Bà Trưng, Hà Nội và Phân viện ở 200 Cô Bắc, TP HCM).

Từ năm 2000, Viện đã thu phí GĐ là 2.200.000đ đối với một mẫu xét nghiệm tìm các chất độc thông thường, chưa kể các loại độc chất khó kiểm nghiệm. Được biết giá tiền này được đưa ra sau khi đã tính toán, cân nhắc cẩn thận. Tuy nhiên, với kinh phí điều tra hạn hẹp như hiện nay mức thu này quả là một bài toán khó chưa có lời giải. Liệu có một giải pháp nào cho vấn đề này, để vừa đảm bảo thực hiện đúng luật tố tụng hình sự, nhưng lại đỡ tốn kém về mọi mặt cho xã hội.

Xin nói thêm, việc mổ tử thi các trường hợp sốc ma túy có nguy cơ lây nhiễm HIV cao đối với các GĐ viên PY. Vì các đối tượng này chỉ một số ít đã được xét nghiệm, có kết quả HIV dương tính, số nhiều chưa xét nghiệm. Nhưng khi đã tiêm chích ma túy, phần đông trong số họ đã nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch mắc phải. Mà trong quá trình giải phẫu tử thi, GĐ viên PY khó tránh khỏi lỗi kỹ thuật làm dụng cụ phẫu thuật gây thương tích cho họ. Trong khi họ không được hưởng chế độ phụ cấp do tiếp xúc với các đối tượng nhiễm HIV/ADIS (Quyết định 22/2003/QĐ-TTg ngày 30/1/2003 của Chính phủ chỉ cho CBCS Công an làm việc tại những cơ sở có người HIV/ADIS được hưởng, kể cả cảnh sát bảo vệ những cơ sở này).

Với chiều hướng ngày một gia tăng mạnh số lượng con nghiện đồng nghĩa với sự tăng lên các trường hợp tử vong do sốc ma túy. Không biết đã có cơ quan chức năng nào thống kê số lượng con nghiện chết do sốc ma túy hàng năm? Nhưng chúng tôi cho rằng, chắc chắn con số không phải là nhỏ, những nhìn nhận từ khía cạnh GĐPY chỉ cho phép đánh giá sơ bộ như vậy. Chưa biết các cơ quan tiến hành tố tụng và những ngành liên quan đã có khi nào bàn tính đến vấn đề này? Sẽ tốt hơn nếu chúng ta có được một giải pháp cho vấn đề sốc ma túy vừa đúng luật lại vừa đỡ phức tạp, tốn kém cho xã hội

Nguyễn Văn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/ktvhkh/2008/9/67278.cand