Công nghiệp Hà Nội tìm cách trụ vững giữa suy thoái kinh tế toàn cầu

Trước tác động bất lợi của kinh tế toàn cầu, nhiều ngành công nghiệp của TP Hà Nội có chỉ số tăng trưởng giảm sâu, tồn kho cao. Giải pháp quan trọng nhất lúc này là doanh nghiệp phải giải được bài toán thị trường, yếu tố sống còn để phát triển trong thời gian tới.

Theo các số liệu và đánh giá của Cục Thống kê Hà Nội, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức do những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu.

Đối mặt thách thức từ suy giảm kinh tế toàn cầu

Các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực giảm, sức tiêu thụ tại thị trường trong nước chậm, chi phí đầu vào tăng cao gây áp lực lên sản xuất đã có tác động làm chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2023 ước tính giảm 0,5% so với tháng trước. Tuy nhiên, IIP của Hà Nội đã tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 8 tháng năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1% và tăng 1,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,2% và tăng 6,4%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 1,4% và tăng 2,9%; ngành khai khoáng giảm 11,2% và giảm 10,5%.

Tính chung 8 tháng năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,4%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6%; công nghiệp khai khoáng giảm 5,1%.

Trong 8 tháng năm 2023, một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất đồ uống tăng 20,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 14,8%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 10,6%; sản xuất sản phẩm từ kim loại tăng 7%; sản xuất thuốc lá tăng 6,8%; sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị tăng 20,1%.

Các ngành có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ: Sản xuất máy móc, thiết bị giảm 26,7%; dệt giảm 5,5%; sản xuất trang phục giảm 4,3%; sản xuất da và sản phẩm liên quan giảm 3,6%; sản xuất thiết bị điện giảm 2,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 1,9%; Sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại cùng giảm 1,8%; in, sao chụp bản ghi giảm 1,3%.

Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Ngãi Cầu (xã An Khánh, huyện Hoài Đức) trong các năm gần đây đều tăng trưởng tốt, đạt khoảng 30%/năm. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2023, công ty gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Quang Tạo, đại diện công ty cho biết: “Các sản phẩm của chúng tôi gồm: Cột thép điện lực, trụ đỡ thiết bị, trạm biến áp... cung cấp cho các dự án điện lực, nhưng các dự án này đang bị chậm triển khai do các chính sách về đất đai, công tác giải phóng mặt bằng, khiến cho doanh thu các sản phẩm công nghiệp liên quan đến ngành điện bị sụt giảm tới 70-80%”.

Kiến nghị sớm có hỗ trợ cho từng ngành

Tổng Giám đốc Công ty CP Thiết bị điện-Sunhouse Đỗ Nguyễn Bình nhận định: “Năm nay và năm tới, dự báo nền kinh tế sẽ có nhiều khó khăn. Doanh nghiệp sẽ khó đạt được chỉ tiêu sản xuất đã đề ra. Vì vậy, chúng tôi càng cần tích cực tham gia các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại để tiếp cận khách hàng, mở ra những cơ hội kinh doanh mới”.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, trong năm nay, ngành công thương sẽ tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm trong các lĩnh vực công nghiệp để doanh nghiệp tiếp cận được các công nghệ tiên tiến trên thế giới, tìm kiếm đơn hàng và đẩy mạnh xuất khẩu thiết bị, máy móc...

Trong thời gian tới, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, các chương trình phục hồi, phát triển sản xuất công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực, chương trình khuyến công, xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng...

Tìm kiếm thị trường là thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp công nghiệp Hà Nội phải đối mặt.

Tìm kiếm thị trường là thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp công nghiệp Hà Nội phải đối mặt.

Đại diện các Hiệp hội trên địa bàn Hà Nội cũng kiến nghị, do hầu hết các doanh nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn vẫn còn quy mô nhỏ và vừa, nên cần có những chính sách phát triển đồng bộ, hợp tác để tăng tính cạnh tranh.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các Nghị quyết hỗ trợ phát triển sản xuất công nghiệp theo từng lĩnh vực cụ thể, đặc biệt công nghiệp hỗ trợ, tiếp tục có chính sách ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp mở rộng quy mô, đầu tư bài bản.

Làm tốt công tác thông tin thị trường

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: "Trong những lĩnh vực hay ngành nghề có chỉ số giảm sâu, hàng tồn kho cao phải có giải pháp cụ thể để giúp các doanh nghiệp tăng tỷ trọng xuất khẩu, tỷ trọng bán sản phẩm trong nước và kết nối vào chuỗi cung ứng toàn cầu…".

Đặc biệt, mới đây, UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm 2023. Cụ thể, để đạt được chỉ tiêu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng khoảng 7,5%, hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2023. UBND thành phố Hà Nội giao Sở Công Thương làm tốt công tác thông tin thị trường; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, phát huy các thị trường truyền thống và khai mở thị trường mới, giàu tiềm năng như Bắc Âu, Đông Âu, Tây Á, Nam Á, châu Phi và Mỹ La tinh...; tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP, RCEP...)...

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong nước, đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường nội địa, giảm hàng tồn kho; kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài để tìm kiếm đối tác, đơn hàng, thị trường thông qua các hội nghị kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm...

Bên cạnh đó, thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", xúc tiến các sản phẩm đưa vào kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử nhất là các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới; hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, xây dựng mô hình nhà máy thông minh, sản xuất xanh.

Thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành, tập trung tháo gỡ, triển khai các giải pháp, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng với thời hạn, mức vay và lãi suất hợp lý; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới hoàn thuế giá trị gia tăng, giảm, gia hạn một số loại thuế, phí, tiền thuê đất đã được cấp có thẩm quyền cho phép nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, phấn đấu khởi công 20 cụm công nghiệp trong năm 2023, đẩy mạnh kêu gọi xúc tiến đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Việt Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/cong-nghiep-ha-noi-tim-cach-tru-vung-giua-suy-thoai-kinh-te-toan-cau-1095021.html