'Công thức làm giàu' giữa bão hạn mặn của nông dân Đồng Tháp

Ở đất sen hồng Đồng Tháp ngày càng có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh thái mang lại hiệu quả cao. Sản xuất xanh cũng đang mở cánh cửa phát triển du lịch trải nghiệm, nâng cao thu nhập cho nông dân, HTX tại các địa phương.

Khoảng 3 năm trở lại đây, bất chấp những diễn biến bất thường của thời tiết do biến đổi khí hậu, gần 30 hộ dân tham gia mô hình sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP của HTX nông nghiệp Phú Thọ (xã Long An, huyện Tam Nông) vẫn thắng lớn, nhờ năng xuất, giá bán sản phẩm vượt trội.

Hiệu quả canh tác hữu cơ

Ông Mai Thanh Liêm, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Thọ, cho biết trong bối cảnh thời tiết ngày càng cực đoan, cạnh tranh thị trường khốc liệt, việc tăng lợi nhuận nhiều hơn trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất là “bài toán” được thành viên và nông dân liên kết của HTX đặc biệt quan tâm.

Nhận thức sâu sắc về vấn đề này, thời gian qua, HTX đã chủ động thí điểm và nhân rộng các mô hình điểm như sản xuất lúa hữu cơ sinh học, sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP...

Sản xuất hữu cơ là điểm tựa giúp nhiều nông dân Đồng Tháp thoát nghèo, làm giàu.

Sản xuất hữu cơ là điểm tựa giúp nhiều nông dân Đồng Tháp thoát nghèo, làm giàu.

Với sự nỗ lực của HTX cùng sự đồng hành của địa phương và đơn vị hỗ trợ, các mô hình đã và đang giúp nông dân giảm được chi phí sản xuất, giá trị hạt gạo được tăng lên nhiều lần, từ đó nhiều doanh nghiệp tìm đến kết nối, bao tiêu sản phẩm, giải bài toán tiêu thụ cho nông dân.

“Hiện, sản phẩm lúa gạo của HTX đang được doanh nghiệp bao tiêu và bán rộng rãi tại hệ thống các siêu thị trên cả nước. Sản xuất xanh với các sản phẩm chất lượng là nền tảng để HTX phát triển các sản phẩm chế biến trong chuỗi sản xuất, từ đó gia tăng lợi nhuận cho nông dân”, ông Mai Thanh Liêm chia sẻ.

Kết quả từ thực tế cho thấy lợi nhuận từ mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP của HTX Phú Thọ cao hơn khoảng 3,6-3,8 triệu đồng đồng/ha/vụ so với sản xuất thông thường. Đặc biệt, mô hình góp phần giảm phát thải khí nhà kính khoảng 1 tấn/ha/năm, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Đáng chú ý là sau thu hoạch, rơm rạ được thành viên HTX tái sử dụng để sản xuất nấm rơm, giá thể hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Sản xuất an toàn cũng giúp HTX giảm lượng phân hóa học từ 10 - 20%, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật khoảng 10%, qua đó nâng cao giá trị canh tác.

Phát huy thế mạnh địa phương

Nếu HTX Phú Thọ là một trong những lá cờ đầu trong phát triển nông nghiệp sạch ở Tam Nông, thì HTX Thắng Lợi lại là điểm sáng trong phát sản xuất xanh cho hiệu quả vượt trội ở huyện Tháp Mười.

Nhiều năm qua, với mô hình liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị gắn với an toàn sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, HTX Thắng Lợi trở thành đầu tàu liên kết hàng trăm hộ thành viên, nông dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.

Cụ thể, mô hình cánh đồng liên kết được HTX áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành, tăng năng suất và chất lượng lúa gạo. Hiện, trên 70% các khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch, vận chuyển, sơ chế, bảo quản thóc, gạo của HTX đều đã áp dụng máy móc.

Bắt tay liên kết giúp nông dân, HTX nâng cao nội lực, gia tăng thu nhập.

Bắt tay liên kết giúp nông dân, HTX nâng cao nội lực, gia tăng thu nhập.

Có thể nói, các mô hình nông nghiệp hữu cơ đều mang lại hiệu quả thiết thực, giúp bà con nông dân ý thức được tầm quan trọng của việc sản xuất hữu cơ, làm quen việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu bệnh sinh học, tuân thủ thời gian cách ly thuốc, tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng, qua đó giúp nông dân giảm được chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận từ nông nghiệp.

Điển hình, trong khoảng 3 năm trở lại đây, các hộ trồng sen trong Tổ hợp tác Hưng Thạnh (huyện Tháp Mười) đã không còn quá lo về thị trường khi đã có doanh nghiệp liên kết bao tiêu. Không chỉ kết nối tiêu thụ, doanh nghiệp còn hỗ trợ cả về kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Công Chánh, thành viên Tổ hợp tác Hưng Thạnh, chia sẻ: “Giá cả ổn định giúp chúng tôi dễ dàng tính toán được chi phí, lợi nhuận, từ đó có kế hoạch mở rộng vùng trồng hợp lý. Hiện, mỗi ha trồng sen có thể cho thu nhập trên dưới 40 triệu đồng/năm, cao hơn trồng lúa. Khi kỹ thuật hoàn thiện, thị trường mở rộng hơn, lợi nhuận chắc chắn sẽ tăng”.

Với những điểm tựa ban đầu, kể từ năm 2022 đến nay, Tổ hợp tác Hưng Thạnh đã tích cực hoàn thiện sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, các thành viên Tổ hợp tác đẩy mạnh chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm từ sen để gia tăng giá trị kinh tế, hướng tới xuất khẩu.

Hướng đến sản xuất xanh, sạch, bền vững

Năm 2023, Tổ hợp tác Hưng Thạnh tiếp tục được chọn là “đầu tàu” thực hiện mô hình “Chuyển đổi sản xuất hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ 4.0 gắn với liên kết tiêu thụ sen và du lịch trải nghiệm” tại địa phương, trên quy mô 20ha.

Anh Huỳnh Văn Cưỡng, thành viên Tổ hợp tác, cho biết trong xu hướng người tiêu dùng ngày càng khắt khe, việc chuyển đổi trồng sen theo hướng hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm là hướng đi tất yếu, nhằm nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng chuỗi liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp.

“Ngay khi được địa phương vận động tham gia mô hình, tôi và nhiều thành viên trong Tổ hợp tác sen Hưng Thạnh rất đồng lòng thực hiện. Cây sen vẫn luôn là cây trồng thế mạnh, nếu được phát triển đúng hướng, nó sẽ là cây làm giàu đúng nghĩa trên vùng đất này”, anh Cưỡng chia sẻ.

Đồng Tháp là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi, phù hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng như: lúa, cây ăn trái, các loại rau màu... Xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu, phù hợp định hướng phát triển nông nghiệp hiện nay, tỉnh ban hành Kế hoạch số 248/KH-UBND ngày 12/7/2022 về phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, xác định mục tiêu cụ thể là nâng cao nhận thức các tổ chức, cá nhân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tạo sự chuyển biến trong nhận thức cho người sản xuất nông nghiệp và người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái nông nghiệp.

Với những kết quả ban đầu, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp định hướng một số giải pháp thực hiện cụ thể như tiếp tục triển khai thí điểm, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; dựa vào lợi thế về điều kiện sinh thái, sản phẩm có thế mạnh và thị trường tiêu thụ nhằm xác định các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chủ lực; xây dựng hệ thống phân phối theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ tại các vùng sản xuất hữu cơ tập trung; nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách, đặc biệt là khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ...

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/cong-thuc-lam-giau-giua-bao-han-man-cua-nong-dan-dong-thap-1102581.html