Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ký ức của những nhà báo quê hương Quảng Bình

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người con ưu tú của quê hương Quảng Bình. Dù đi đâu, ở cương vị gì, thời điểm nào, Đại tướng luôn dành tình cảm cho nơi mình sinh ra và lớn lên từ thủa thiếu thời. Với mỗi người chúng ta, trong đời, được một lần gặp Đại tướng là niềm vinh dự, tự hào. Với những nhà báo đã được gặp, nói chuyện với Đại tướng thì bao cảm xúc luôn trào dâng. Những ký ức về Đại tướng dưới đây của một số nhà báo cùng quê với Đại tướng càng khắc họa thêm sự ấm áp, chan hòa của một người uyên bác...

Nhà báo Đỗ Quý Doãn, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyên Tổng biên tập Báo Quảng Bình: Đại tướng luôn tôn trọng cán bộ cấp dưới

"Đầu tháng tư năm 1994, sau khi dự Hội thảo về Bác Hồ được tổ chức tại thành phố Huế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Quảng Bình ở lại thăm quê. Sáng đi ô tô từ Huế đến hơn 10 giờ sáng thì xe của cụ đến nhà khách Nhật Lệ 2. Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch tỉnh đón Đại tướng ngay tại Nhà khách và mời cụ nghỉ ngơi…

 Đại tướng đọc báo Quảng Bình trong thời gian giải lao của buổi nói chuyện.

Đại tướng đọc báo Quảng Bình trong thời gian giải lao của buổi nói chuyện.

Khoảng gần 11 giờ, có điện thoại của anh Tâm, đại tá, thư ký đi với cụ trong chuyến này gọi về Tỉnh ủy bảo mình ra nhà khách gặp Đại tướng. Nhận điện mình không khỏi lo lắng vì có việc gì mà cụ bảo anh Tâm gọi mình ra gặp? Mình lúc đó là Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhưng loại ít tuổi nhất nên những tình huống thế này chưa từng gặp. Đến nhà khách, vừa ngồi vào ghế thì cụ bước ra. Sau vài câu hỏi han, cụ nói luôn:

-Cậu là người được Thường vụ Tỉnh ủy phân công phụ trách công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh, sáng mai tỉnh mời mình nói chuyện với cán bộ chủ chốt của tỉnh nhà, theo cậu người theo dõi công tác tư tưởng thì mình nên nói vấn đề gì với cán bộ tỉnh trong thời điểm hiện nay. Vấn đề không chỉ là mình thấy cần mà anh em cán bộ cũng thấy cần thiết…

 Nhà báo Đỗ Quý Doãn

Nhà báo Đỗ Quý Doãn

Nghe Đại tướng hỏi, mình thấy cụ thật sự tôn trọng anh em cán bộ cấp dưới, bình đẳng, dân chủ trước các vấn đề cần trao đổi. Lúc đó, bao nhiêu sự lo lắng trong mình như biến mất. Mình báo cáo cụ những ý kiến mà mình suy nghĩ.

- Thưa bác, sáng mai bác nói chuyện cho cán bộ tỉnh nhà về Tư tưởng Hồ Chí Minh như trong nội dung cuốn sách Thế giới đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi mà Đại tướng viết ạ.

Mình thấy cụ chú ý đến ý kiến mình báo cáo, cụ hỏi tiếp:

- Sao cậu nói là anh em cán bộ quan tâm đến nội dung đó, sao cậu không đề nghị mình nói về các vấn đề khác hoặc góp ý với tỉnh về phát triển kinh tế xã hội…

Được cụ hỏi vậy, mình trình bày luôn:

- Dạ, cháu thấy bác nói về Tư tưởng Hồ Chí Minh trong cuốn sách này rất dễ hiểu, rõ ràng và biết cần làm gì ạ. Chắc chắn sau khi nghe bác nói chuyện, mọi người sẽ hiểu rõ về nguồn gốc làm nên tư tưởng Hồ Chí Minh, những nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần làm gì trong đó có nhiệm vụ của tỉnh nhà ạ.

Lúc này, nhìn thấy cụ cười, ánh mắt rất đỗi hiền từ. Giọng cụ chậm rãi:

-Mình tìm hiểu để ngày mai nói chuyện, nghe ông phụ trách tư tưởng nói thế để biết thêm tình hình…

Sáng hôm sau, hơn 500 cán bộ trong tỉnh tập trung tại hội trường thị xã Đồng Hới nghe Đại tướng nói chuyện từ 7h30 đến 11h30. Đó là buổi nói chuyện mà cả người nói và người nghe đều cảm thấy thời gian quá ngắn ngủi vì không ai muốn kết thúc…

Kỷ niệm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lòng bồi hồi nhớ những kỷ niệm về Đại tướng và câu chuyện gần ba chục năm trước".

Nhà báo Trọng Thái, Nguyên Phóng viên Báo Quảng Bình: Nhớ lần thăm quê cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

"Tháng 11-2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có chuyến về thăm quê 6 ngày (từ ngày 3 đến 8/11/2004). Đây cũng là lần thăm quê cuối cùng của Đại tướng, để lại trong lòng người dân Quảng Bình tình cảm thân thương sâu nặng. Tôi may mắn được tháp tùng Đại tướng, cùng ăn cùng ở đoàn công tác suốt chuyến thăm này.

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần về thăm quê

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần về thăm quê

Chị Võ Hồng Anh, con gái Đại tướng kể với chúng tôi rằng: Vào thời điểm cuối tháng 10-2004, sức khỏe của Đại tướng không được tốt. Như có linh cảm điều gì đó, nên Đại tướng sốt sắng đề nghị Đại tá Nguyễn Văn Huyên, thư ký, sắp xếp cho Đại tướng về thăm quê thời gian sớm nhất có thể.

Về thăm quê lần này Đại tướng đi bằng tàu hỏa. Tàu đến ga Đồng Hới lúc 5 giờ15 phút khi trời mờ sáng, đồng chí Phan Lâm Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến tận bậc cầu thang của toa tàu đón Đại tướng xuống. Trong chúng tôi không ai nói ra nhưng tâm trạng bùi ngùi, cảm nhận lần này có thể là lần cuối cùng Đại tướng về thăm quê nhà!

Vừa xuống sân ga, Đại tướng nói: "Lần nào về quê cũng vui mừng, tình cảm quê hương thiêng liêng quý giá, được bà con dành tình cảm đặc biệt nên trong người thấy khỏe ra".

 Nhà báo Trọng Thái (thứ 2, hàng đứng) chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nhà báo Trọng Thái (thứ 2, hàng đứng) chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Lần vào thăm này mặc dù sức khỏe không được tốt, nhưng Đại tướng đã dành nhiều thời gian đến thăm một số địa phương, đơn vị, tiếp và nói chuyện với các đoàn đại biểu trong tỉnh đến thăm.

Nơi đầu tiên mà Đại tướng đến khi về quê nhà là nghĩa trang liệt sỹ của huyện Lệ Thủy, đặt ở xã Mai Thủy. Nơi đây có hàng ngàn người con của quê hương Lệ Thủy đi theo cách mạng suốt trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ đã ngã xuống, trong đó có liệt sỹ Võ Quang Nghiêm, người cha kính yêu của Đại tướng, đã anh dũng hy sinh tại Huế, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Rồi Đại tướng đến thắp hương trước mộ mẹ được an táng ở quả đồi phía sau nghĩa trang huyện.

Mặc dầu xa quê làm cách mạng đã 80 năm nhưng giọng nói của Đại tướng vẫn không có gì khác với người dân Quảng Bình. Thăm quê nhà lần này, cũng như các lần trước gặp lại lại bạn bè xưa, Đại tướng nhớ và gọi tên, hỏi chuyện với các cụ rất thân tình.

Chuyến thăm quê này có một chuyện làm cho Đại tướng vô cùng xúc động là khi được thấy ngôi nhà cũ xưa gắn bó bao kỷ niện tuổi thơ của Đại tướng, được con cháu và chính quyền địa phương trùng tu lại.

Đại tướng nói, ngôi nhà bây giờ được trùng tu lại đúng nguyên trạng như ngôi nhà xưa của gia đình. Nhà gỗ 3 gian, 2 chái, cửa lợp lá nằm trên nền đất cũ, giữa khu vườn nhiều cây xanh. Đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng Đại tướng được ở trong ngôi nhà của mình kể từ ngày thoát ly ra đi làm cách mạng.
Đặt chân đến nhà, Đại tướng thắp hương cho tổ tiên ông bà và cho người vợ người đồng chí thân yêu, liệt sỹ Nguyễn Thị Quang Thái. Đại tướng căn dặn con cháu là phải cố gắng giữ gìn ngôi nhà cẩn thận vì đó là ngôi nhà ông bà mình để lại và được bà con và chính quyền góp sức trùng tu. Phải làm sao để ngôi nhà, vườn tược luôn có bàn tay chăm sóc của con người để khi bà con đến thăm người ta không thấy nó lạnh lẽo. Rồi Đại tướng hỏi thăm những người bạn thiếu thời, ai còn ai mất, đời sống ra sao, bắt tay hỏi chuyên từng người đến thăm...

Tôi nhớ mãi nét mặt trầm tư của Đại tướng khi đứng dưới gốc cây khế trong vườn. Rồi Đại tướng chỉ cho chúng tôi cặn kẽ vị trí các cây đã trồng trong vườn ngày xưa. Đại tướng nói gốc mít ngày xưa cụ thân sinh trồng, nhà theo làng nước chạy giặc mấy lần, gốc mít cũng bị bom đạn cày xới mà vẫn kiên gian đứng đó, đợi chủ về. Sau này bão lụt, cây mít bị bật rễ, gia đình trồng lại cây mít khác trên nền đất cũ để làm kỷ niệm. Còn cây khế sau nhà đã hơn 100 tuổi. Dưới gốc cây ngày xưa Đại tướng thường hay ngồi học bài cùng những người bạn. Đại tướng kể lại nhiều chuyện xưa, hầu hết các câu chuyện đều gắn với kỷ niệm ngôi nhà và mảnh vườn nhà.

Buổi tối, Đại tướng tiếp bà con trong ngôi nhà của mình. Đại tướng dặn với chị Hồng Anh và chị Bình-là hai người con gái của Đại tướng- tự đi pha trà, rót nước mời bà con. Đại tướng dành nhiều thời gian hỏi chuyện bà con và chính quyền thôn An Xá, xã Lộc Thủy.

Đại tướng không uống rượu bia, thích các món ăn có xuất xứ từ quê hương Quảng Bình như cá bống kho của Lệ Thủy, bánh đa xúc hến, sò huyết nướng và bánh bèo Đồng Hới... Đây là những món mà lần nào về quê Đại tướng cũng ăn.

Nhà báo Phạm Phú Thép, Phóng viên Báo Văn Hóa: "Một lần được chụp ảnh với Đại tướng"

"Tôi được nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện mấy lần, còn được chụp ảnh với Đại tướng thì duy nhất chỉ có một lần tại nhà riêng Đại tướng đường Hoàng Diệu, Hà Nội.

 Nhà báo Phạm Phú Thép (bìa trái, hàng đứng thứ 2)

Nhà báo Phạm Phú Thép (bìa trái, hàng đứng thứ 2)

Năm đó, anh em Văn nghệ sỹ (VNS) Quảng Bình đi dự trại sáng tác ở Đại Lải. Bác Trần Dzụ và anh Nguyễn Thế Tường đã liên lạc với ông Huyên thư ký riêng của Bác và được bác đồng ý tiếp anh em VNS Quảng Bình.

Bác dặn nhiều điều nhưng quan trọng nhất là bác bảo phải ĐOÀN KẾT. Hình như bác hiểu cái giá của sự không đoàn kết. Và chính sự không đoàn kết sẽ làm yếu đi nhiều thứ. Nhớ mãi, bác dặn đi dặn lại phải đoàn kết. Anh em VNS cũng phải nêu cao tinh thần đoàn kết.

Nhìn tấm ảnh chụp chung với gia đình Đại tướng mà chứa bao kỷ niệm. Mới đó mà cũng gần 20 năm. Người mất, người còn xốn xang lay động tâm can".

Nhà báo Hoàng Phúc, Nguyên Phóng viên Báo Quảng Bình: "Nhớ lời gửi gắm của Đại tướng trong thư Đại tướng gửi Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình":

"Mười một năm trước, Tháng 9-2010, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2010-2015 khai mạc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có thư chúc mừng đại hội. Lúc này Đại tướng đã yếu đi nhiều và đây là bức thư cuối cùng Đại tướng gửi các Đại hội Đảng bộ tỉnh nhà.

Trong thư gửi đại hội năm ấy Đại tướng nhấn mạnh: “Qua theo dõi tình hình, tôi rất vui mừng phấn khởi trước những thành tích và tiến bộ mà tỉnh nhà đã đạt được trong thời gian qua.Tuy nhiên, tôi cũng hết sức trăn trở vì thấy rằng, đến nay so với cả nước, tỉnh ta vẫn còn là một tỉnh nghèo; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Vì vậy tôi mong Đại hội lần này sẽ là Đại hội thực sự dân chủ, trí tuệ, đoàn kết hơn nữa…”.

 Đoàn cán bộ tỉnh, huyện Lệ Thủy, xã Lộc Thủy và các nhà báo chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng dịp đoàn ra chúc mừng Đại tướng tuổi 95 tại 30-Hoàng Diệu HN ( 25 tháng 8/2006).

Đoàn cán bộ tỉnh, huyện Lệ Thủy, xã Lộc Thủy và các nhà báo chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng dịp đoàn ra chúc mừng Đại tướng tuổi 95 tại 30-Hoàng Diệu HN ( 25 tháng 8/2006).

Mười một năm, hai nhiệm kỳ đã qua và một nhiệm kỳ nữa đã đến, biết bao thay đổi trên vùng quê Quảng Bình mến thương. Nhưng đến nay cái nghèo chưa phải là quá khứ trên mảnh đất này và điều nhắc nhở cũng là nỗi niềm đau đáu Đại tướng năm nào vẫn có giá trị thực tiễn lớn lao với đội ngũ cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Bình…

Hôm nay là tròn 110 năm kể từ khi Đại tướng chào đời. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng là tấm gương ngời sáng để chúng ta soi vào. Là vị tướng huyền thoại, tài năng kiệt xuất mà chúng ta ngưỡng mộ. Và chúng ta tự hào quê hương Quảng Bình, với hạt lúa, củ khoai đã nuôi dưỡng nên một người con lỗi lạc.

Xuân Hoài- Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-tuong-vo-nguyen-giap-qua-ky-uc-cua-nhung-nha-bao-que-huong-quang-binh-162875.html